Sinh thường sau khi sinh mổ

“Một khi đã sinh mổ thì luôn luôn phải sinh mổ về sau” – Đây có lẽ là định kiến của không ít thai phụ hiện nay, khiến nhiều bà mẹ vô tình “đâm lao phải theo lao” và đánh mất nhiều lợi ích từ sinh thường cho cả mẹ lẫn con.

Không có cái gọi là “phải mổ”

Thông thường, khi thấy sẹo tử cung sau lần mổ đầu tiên, sản phụ sẽ được chỉ định mổ lấy thai. Lý do được đưa ra để giải thích cho việc này có khá nhiều, trong đó, đáng chú ý nhất là: Vỡ tử cung. Thực chất, nguy cơ này có thể xảy ra bởi vì sự xuất hiện của sẹo ở tử cung do lần mổ trước khiến các cơ ở đây suy yếu. Trong khi đó, khi chuyển dạ, các cơn co thắt sẽ tạo áp lực lên vùng cơ này, dẫn đến bục vết mổ và tử cung bị vỡ, dẫn tới nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Tuy nhiên, hiện nay, kỹ thuật mổ lấy thai ngang đoạn dưới tử cung, khâu kép cơ tử cung, giúp cho vết rạch khôi phục tốt hơn. Các nguy cơ tử cung bị rách, vỡ xảy ra tương đối thấp, ước chừng dao động từ 1 – 1.5% (đối với sản phụ đã sinh mổ 1 lần).

Trên thực tế, tại Bệnh viện Đa khoa Gia đình đã có không ít ca sinh thường đã diễn ra thành công, sau sinh mổ ở lần đầu tiên. Bệnh nhân Trương Quỳnh Như (36 tuổi, sống tại Đà Nẵng) vừa sinh thường tại Bệnh viện Đa khoa Gia đình (ngày 3.6.2018) sau lần sinh mổ cách đây 4 năm, chia sẻ:

“Trải qua lần đầu sinh mổ, tất cả mọi người, và cả mình nữa đều mặc định lần tiếp theo sẽ mổ. Trước khi sinh, vợ chồng cũng đã chuẩn bị tâm lý sinh mổ và cũng đã được bác sĩ chuyển tới phòng mổ để tiến hành mổ lấy thai. Nhưng, chắc là những gì mình không mong đợi nhất lại thường hay xảy ra vào lúc mình không ngờ tới. Dưới sự tư vấn của BS. Loan, mình cảm thấy bản thân hoàn toàn có thể sinh thường, để đảm bảo sự phát triển tự nhiên nhất cho em bé”.

Những nguy cơ khi mổ lấy thai lần hai

Sinh mổ nhiều lần cũng có những nguy cơ riêng của nó, bao gồm chấn thương bàng quang, nhiễm trùng và tăng tỉ lệ phải nuôi con trong lồng ấp. Sinh mổ là một cuộc đại phẫu, vì thế nếu thực hiện phẫu thuật càng nhiều thì khả năng biến chứng về sau sẽ càng cao.

Một điều nữa đáng lưu ý là ngày càng có nhiều phụ nữ muốn mổ lấy thai vì nhu cầu sinh con theo… số tử vi. Nhiều gia đình thậm chí đã lựa chọn ngày giờ trước khi có dấu hiệu chuyển dạ và yêu cầu bác sĩ sinh mổ theo ngày giờ trên lá số. Rõ ràng, điều này sẽ dẫn đến không ít rủi ro. Ths.Bs. Nguyễn Thị Thanh Loan (Trưởng khoa Phụ sản – BV Đa khoa Gia đình) cho biết, “Sự can thiệp khi mẹ chưa chuyển dạ, nhất là trẻ được can thiệp sinh mổ ở thời kỳ thai gần đủ tháng, sẽ ảnh hưởng đến vấn đề hô hấp của trẻ về sau. Đồng thời, người mẹ, trong trường hợp này, sẽ có nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng,… cao hơn”.

Lưu ý khi mong muốn sinh con tự nhiên

Đối với những bà mẹ mong muốn sinh thường, sau khi đã trải nghiệm sinh mổ ở lần đầu tiên, Ths.Bs. Nguyễn Thị Thanh Loan (Trưởng khoa Phụ sản – BV Đa khoa Gia đình), lưu ý: “Trong quá trình mang thai, các sản phụ cần theo dõi thai kì thường xuyên, đúng lịch hẹn. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát cân nặng thai nhi và thường xuyên vận động nhẹ nhàng, …. Ngoài ra, khoảng cách giữa hai lần sinh nở nên tối thiếu là 18 tháng để đảm bảo vết mổ ở tử cung đã hoàn toàn hồi phục.”

“Làm mẹ là một trải nghiệm tuyệt vời nhất và cũng là một quá trình học hỏi lâu dài nhất! Cảm ơn BS. Loan cùng đội ngũ điều dưỡng, nữ hộ sinh,… Bệnh viện Đa khoa Gia đình đã góp phần làm cho hành trình “mang ba lô ngược” của mình thêm trọn vẹn.” – sản phụ Quỳnh Như chia sẻ.

Việc sinh con tự nhiên, sau khi sinh mổ ở lần đầu, phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, quyết định sinh thường hay sinh mổ có thể thay đổi vào phút cuối, tùy theo tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi. Việc tuân theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé luôn là điều cần được ưu tiên hàng đầu.