Điều trị tủy răng – Những điều cần biết

1. Điều trị tủy là gì?
– Điều trị tủy là một thủ thuật điều trị nhằm bảo tồn răng, khi răng có tổn thương về tủy mà không thể tự phục hồi hay điều trị phục hồi được.

Điều trị tủy răng là việc làm cần thiết và sớm nhất có thể khi có chỉ định của bác sỹ

2. Chỉ định điều trị tủy trong trường hợp nào?
– Viêm tủy cấp.
– Viêm tủy mạn.
– Hoại tử tủy.
– Tổn thương lộ tủy.
– Bệnh lí vùng quanh chóp.

3. Chống chỉ định điều trị tủy trong trường hợp nào?
– Răng có mô thân và chân bị phá hủy nhiều.
– Răng bị sâu, viêm thuộc nhóm răng dư, răng lạc chỗ,…
– Răng bị bệnh nha chu nặng, tiêu xương quá nhiều.
– Răng đã điều trị tủy nhiều lần nhưng không khỏi, có biến chứng.
– Răng gây biến chứng tại chỗ như viêm xoang, viêm xương, viêm tổ chức liên kết.

4. Thời gian điều trị tủy trong bao lâu?
– Thời gian dự kiến: 1-3 lần hẹn và kéo dài khoảng từ 1 đến 10 ngày.
– Tùy vào tình trạng thực tế của từng răng, phương pháp thực hiện, vật liệu hiện có và trình độ của bác sỹ.

5. Phương pháp thực hiện như thế nào?

Quy trình điều trị thường quy cho phần lớn các trường hợp như sau:
Buổi 1:
– Bước 1: Vô cảm bằng gây tê với Lidocain 2%.
– Bước 2: Mở tuỷ, lấy tuỷ buồng, thăm dò số lượng và kích thước ống tuỷ.
– Bước 3: Xác định chiều dài làm việc của các ống tuỷ.
– Bước 4: Tạo hình và làm sạch hệ thống các ống tuỷ.
– Bước 5: Quay Ca(OH)2, đặt bông và trám buồng tủy bằng vật liệu trám tạm.
Buổi 2:
– Bước 1: Tháo phần chất trám tạm và làm sạch Ca(OH)2.
– Bước 2: Kiểm tra lại chiều dài làm việc của các ống tuỷ, chọn và thử côn.
– Bước 3: Chụp X quang kiểm tra.
– Bước 4: Trám kín hệ thống ống tuỷ bằng các chất trám ống tủy thích hợp.
– Bước 5: Trám buồng tủy bằng vật liệu trám tạm
Buổi 3:
– Bước 1: Tháo phần chất trám tạm và làm sạch buồng tủy.
– Bước 2: Trám kín buồng tủy và phục hồi thân răng bằng vật liệu thích hợp. Có thể lắp thêm chốt hoặc bọc mão tùy trường hợp.

6. Những điều cần biết trước khi điều trị tủy?
– Điều trị tủy răng là việc làm hoàn toàn cần thiết và sớm nhất có thể khi đã có chỉ định của bác sỹ.
– Không đau hoặc có thể đau nhẹ khi chích tê (nếu cần thiết).
– Không ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân.
– Tuổi thọ của răng sau khi điều trị tủy không thể bằng răng bình thường. Nhưng đảm bảo chức năng ăn nhai và thẩm mỹ trong thời gian dài với chi phí thấp nhất so với các phương pháp trồng răng khác.

7. Những điều cần biết sau khi điều trị tủy?
– Ăn nhai sau khi điều trị 30 phút.
– Những ngày đầu nên ăn nhai nhẹ nhàng và đều đặn để răng làm quen lại.
– Cảm giác ăn nhai nhẹ nhàng, không đau không vướng cộm là đạt.
– Đau nhẹ tạm thời hay vài ngày ở vùng răng và khớp thái dương hàm sau điều trị không phải là điều quá lo lắng.
– Khi việc điều trị nội nha hoàn tất, cần tái khám phục hình sứ hoặc lắp chốt trám kết thúc để tránh và giảm nguy co nứt vỡ răng.

Chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách

– Vệ sinh răng miệng, chải sạch răng sau khi ăn.
– Tránh ăn đồ quá cứng với miếng trám lớn.
– Kiểm tra răng định kì 6 tháng/lần.

8. Những dấu hiệu cần tái khám
Cần đi khám kiểm tra ngay khi:
– Cảm giác đau nhức khi ăn nhai hay sưng vùng nướu quanh răng.
– Khó chịu sau thủ thuật kéo dài nhiều ngày.
– Vướng cộm miếng trám khi ăn nhai.
– Bong miếng trám, nứt, vỡ răng.

Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Nha khoa Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...