1. Áp xe là gì?
– Áp xe là tên gọi của một tổ chức viêm nhiễm, khu trú thành một khối mềm, bên trong chứa đầy mủ cấu tạo từ vi khuẩn, xác bạch cầu và các mảnh vụn.
Áp xe
2. Chỉ định xẻ áp xe trong trường hợp nào?
– Ổ áp xe > 1cm hoặc ổ áp xe đang lớn dần và ngày càng đau đớn hơn.
– Mở các ổ áp xe khi đã có dấu hiệu làm mủ, chuyển sóng khi thăm khám.
– Áp xe điều trị kháng sinh, chống viêm không khỏi, làm mủ, thông thường từ ngày thứ 6-7.
3. Chống chỉ định xẻ áp xe tương đối trong trường hợp nào?
– Bệnh nhân trong tình trạng đói bụng.
– Thể trạng mệt mỏi, tâm lý yếu.
– Rối loạn về máu, bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, động kinh, tâm thần,… cần có hội chẩn của bác sỹ chuyên khoa.
4. Chống chỉ định xẻ áp xe tuyệt đối trong trường hợp nào?
– Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
– Bệnh nhân có sức khỏe thể trạng quá yếu, suy kiệt.
– Bệnh nhân có các bệnh lý mãn tính mà không thể điều trị ổn định được: Máu khó đông, huyết áp cao, tiểu đường tiến triển,…
5. Biến chứng xảy ra nếu không điều trị?
Nếu không được xẻ tháo mủ, áp xe có thể tự phá vỡ ra da và dò mủ kéo dài hoặc vỡ mủ vào trong, gây tình trạng nhiễm trùng lan rộng, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Tình trạng ứ mủ có thể gây ra biến chứng:
– Tại chỗ và khu vực: Viêm bạch mạch cấp tính, viêm hạch, viêm hạch mủ.
– Toàn thân: Nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn mủ huyết.
– Áp xe biến thành viêm tấy lan tỏa nếu bệnh nhân có thêm một bệnh mạn tính kèm theo như đái tháo đường, suy gan, suy thận.
– Nguy cơ tử vong cao đối với trẻ em, người già, người bị suy giảm miễn dịch,…
6. Biến chứng có thể gặp sau khi xẻ áp xe?
– Nhiễm trùng tại tổn thương do nhiều nguyên nhân:
+ Do thao tác chưa đảm bảo vô khuẩn của bác sỹ.
+ Chăm sóc tổn thương chưa tốt.
+ Liên quan bệnh lý toàn thân của bệnh nhân.
– Phản ứng dị ứng với thuốc tê, thuốc sát khuẩn, thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
– Sẹo xấu thiếu thẩm mỹ: Trường hợp với ổ áp xe lớn, tổ chức da bên trong hoại tử mất tổ chức nhiều.
– Ngoài ra, áp xe cũng có khả năng tái phát.
7. Những điều cần biết trong khi xẻ áp xe?
– BN sẽ được nhân viên y tế thông báo các bước thực hiện để chuẩn bị tâm lý tốt và hợp tác với bác sỹ.
– Đối với ổ áp xe tái phát nhiều lần, đề kháng với kháng sinh, trong quá trình xẻ áp xe sẽ hút mủ làm kháng sinh đồ.
– BN cần tuân thủ theo y lệnh của bác sỹ, hợp tác tốt trong quá trình thực hiện thủ thuật để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
– Trong quá trình thực hiện thủ thuật BN sẽ được bác sỹ theo dõi tình trạng sức khoẻ thông qua: Mạch, nhiệt độ, huyết áp,…
8. Những điều cần biết sau khi xẻ áp xe?
– Thực hiện uống thuốc và chăm sóc vết thương theo y lệnh của bác sỹ.
– Vệ sinh vết thương, thay băng hằng ngày.
Vệ sinh vết thương, thay băng theo hướng dẫn của Bác sỹ
– Đối với ổ áp xe đặt dẫn lưu, sau khi rút meche cần đánh giá mức độ tổn thương, xem xét cần khâu lại hay không, nếu có khâu cần tái khám cắt chỉ sau 5-7 ngày, sau khi cắt chỉ có thể dùng thuốc ngăn ngừa sẹo.
Ví dụ: Dermatrix Ultra-Gel, Hiru Scar…
– Tái khám theo hẹn hoặc khi có bất thường để bổ sung điều trị.
– Các dấu hiệu cần tái khám:
+ Dấu hiệu dị ứng thuốc, cần ngưng sử dụng thuốc và tái khám.
+ Sốt 38 độ trở lên.
+ Chỗ tổn thương ngày càng đau.
+ Tấy đỏ hoặc sưng phù lan rộng.
+ Mủ hoặc dịch chảy có mùi hôi từ vị trí xẻ áp xe.
Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
- Tổng Đài: 19002250
- Fanpage: Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ Family
- Zalo: Family Hospital