1. Viêm VA là bệnh gì?
– VA (Végétations Adénoides) là một tổ chức lympho tương tự như Amidan nhưng nằm ở phía vòm họng (sau mũi, trên lưỡi gà) là vùng khó quan sát, VA là một phần thuộc vòng bạch huyết Waldeyer, còn gọi là amydale Luschka. VA phát triển mạnh ở lứa tuổi nhỏ và bắt đầu thoái triển từ 5-6 tuổi trở đi.
VA nằm ở vị trí khó quan sát
– Viêm VA cấp tính là viêm nhiễm cấp tính, xuất tiết hoặc có mủ ở amydale Lushka ngay từ nhỏ, cũng có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn (nhưng rất hiếm).
– Viêm VA mạn tính là tình trạng VA quá phát hoặc xơ hoá sau viêm nhiễm cấp tính nhiều lần.
2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh Viêm VA?
– Virus: Adenovirus, Myxovirus,Rhinovirus,…
– Vi khuẩn: Tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A, Haemophilus Influenzae,…
3. Những diễn biến và triệu chứng của viêm VA cấp và viêm VA mạn tính?
– Triệu chứng viêm VA xuất hiện từ 18 tháng đến 6 – 7 tuổi.
3.1. Bệnh viêm VA diễn biến cấp tính có những biểu hiện như thế nào?
– Trẻ bị sốt từ 38 – 39 độ C, đôi khi sốt cao đến 40 độ C.
– Nghẹt mũi, ngạt nặng dần, ngạt một bên rồi hai bên. Trẻ thở khó khăn, thường phải há miệng thở, thở khụt khịt, khóc hoặc nói giọng mũi kín,… Trẻ có thể bỏ bú hoặc bú ngắt quãng vì không thở được bằng mũi.
– Chảy nước mũi ra phía trước và xuống dưới họng: nước mũi lúc đầu trong về sau đục.
– Ho.
– Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở có mùi hôi khó chịu.
– Có thể có rối loạn tiêu hóa: nôn trớ, tiêu chảy.
– Trẻ nghe kém.
– Viêm VA cấp thường không để lại biến chứng và thường có các biểu hiện như sau:
+ Các khe và hốc mũi đọng dịch mũi, niêm mạc mũi nề đỏ.
+ Niêm mạc họng đỏ, thành sau họng có dịch mũi chảy từ trên vòm xuống.
+ Sưng hạch góc hàm.
3.2. Bệnh Viêm VA mạn tính có những biểu hiện như thế nào?
– Trẻ chảy nước mũi trong hoặc dịch nhày, cũng có thể chảy nước mũi mủ (bội nhiễm). Chảy mũi thường kéo dài.
– Ngạt mũi có nhiều mức độ, ít thì chỉ ngạt về đêm, nhiều thì ngạt suốt ngày, thậm chí tắc mũi hoàn toàn. Trẻ phải thở bằng miệng, nói hoặc khóc giọng mũi.
Nếu tình trạng viêm kéo dài, trẻ dễ bị thiếu oxy não trầm trọng và có thể xảy ra các biểu hiện nặng hơn như:
– Chậm phát triển thể chất và tinh thần, chậm chạp, kém hoạt bát.
– Khó ngủ, nghiến răng khi ngủ, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, thường giật mình, đái dầm. Trường hợp nặng có thể xuất hiện những cơn ngừng thở trong lúc ngủ.
– Rối loạn phát triển khối xương mặt: Trẻ thường xuyên thở miệng, mũi ít được sử dụng nên qua nhiều năm chóp mũi trở nên nhỏ hơn, mũi tẹt, trán dô. Mặt dài, hàm trên vẩu, răng hàm trên mọc lởm chởm, hàm dưới hẹp, luôn hở miệng, vẻ mặt kém nhanh nhẹn. Đó là vẻ mặt đặc trưng của trẻ viêm V.A, hậu quả của thở miệng kéo dài trong thời kỳ khuôn mặt đang phát triển.
3.3. Để phát hiện bệnh viêm VA cần những cận lâm sàng nào?
– Soi mũi trước: Thấy hốc mũi đầy mủ nhầy, niêm mạc mũi phù nề, cuốn mũi dưới phù nề.
– Nội soi mũi – vòm họng bằng Optic.
– Khám họng: Thành sau họng có nhiều khối lympho to bằng hạt đậu xanh và mũi nhầy chảy từ vòm xuống họng.
– Khám tai: Thấy màng nhĩ sẹo hoặc lõm vào, màu hồng do sung huyết toàn bộ ở màng nhĩ hoặc góc sau trên.
– Khuôn mặt của trẻ mắc VA (sùi vòm): da xanh, miệng há, răng vẩu, răng mọc lệch, môi trên bị kéo xếch lên, môi dưới dài thõng, hai mắt mở to, người ngây ngô.
4. Những biến chứng gặp phải nếu không điều trị VA?
VA là một tổ chức tốt cho cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh nhưng nếu tình trạng viêm cứ tái lại nhiều lần gây các ra các biến chứng gần và xa cho trẻ như:
– Gây phì đại VA khiến trẻ phải thở bằng miệng, ngủ ngáy, nghẹt mũi, ngừng thở khi ngủ.
– Ảnh hưởng tới việc cung cấp oxy cho cơ thể, đặc biệt là cho não, không tốt cho việc phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. VA phì đại ảnh hưởng tới khả năng khứu giác của trẻ.
– Viêm mũi họng.
– Viêm tai giữa.
– Viêm xoang.
– Viêm thanh quản, khí quản.
– Viêm phế quản.
– Viêm đường ruột.
5. Các biện pháp nào giúp phòng ngừa viêm VA?
– Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, thơm má, ho gần trẻ. Trẻ đi đường nên đeo khẩu trang phòng bụi bẩn, không khí ô nhiễm.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với không khí ô nhiễm, bụi bẩn
– Trẻ nên được ăn dặm đủ chất sau 6 tháng, bổ sung vitamin và khoáng chất.
– Cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt là trước và sau khi vận động.
– Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ, có thể dùng vacxin khô dự phòng nhiễm trùng hô hấp.
– Trẻ viêm mũi họng nên điều trị ngay và dứt điểm, tránh để bệnh nặng gây biến chứng, tránh tự ý sử dụng thuốc, lạm dụng kháng sinh bừa bãi.
– Nếu trẻ có tần suất ho, sổ mũi nhiều, nên cho trẻ đi khám nội soi tai mũi họng để đánh giá tình trạng amydale và VA quá phát.
6. Viêm VA có thể điều trị bằng những phương pháp nào?
– Đối với viêm VA cấp sẽ được điều trị nội khoa từ 1-2 đợt thuốc (kháng sinh, kháng viêm,… mỗi đợt 5 ngày) kết hợp vệ sinh mũi, tăng cường dinh dưỡng.
– Đối với viêm VA mạn tính phương pháp chủ yếu là Bác sỹ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật nạo VA.
7. Nạo VA là gì?
– Nạo VA là một thủ thuật được sử dụng để loại bỏ mô bạch huyết vòm họng, thường được thực hiện cùng với phẫu thuật cắt amydale.
7.1. Những chỉ định để nạo VA
– Viêm VA lớn đến mức gây cản trở việc thở của trẻ, khiến trẻ phải thở miệng, ngủ ngáy.
– Khi ăn trẻ khó nuốt, bị rối loạn tiêu hóa, viêm cầu thận.
– Viêm VA tái đi tái lại nhiều lần trong năm (≥ 5 lần/1năm).
– Viêm VA điều trị nội khoa không hết, kèm theo viêm tai giữa ứ dịch, viêm tai giữa cấp tái phát, viêm tai giữa mạn thủng nhĩ và viêm xoang mạn tính.
7.2. Những chống chỉ định để nạo VA
– Chống chỉ định tuyệt đối với trẻ bị bệnh máu, tim, lao tiến triển và hở hàm ếch.
– Chống chỉ định tương đối với trẻ bị viêm cấp như sốt, ho, ỉa chảy, mụn nhọt, tiêm phòng và trong vùng dịch.
8. Những biến chứng nào có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật nạo VA?
– Chảy máu, đôi khi phải vào phòng mổ cầm máu lại. Nếu trường hợp chảy máu xảy ra, trẻ cần ở lại bệnh viện khoảng 2-3 ngày theo dõi, khi tình trạng ổn định mới ra viện.
– Bội nhiễm hốc mổ, thay đổi giọng nói.
– Đau tức vùng mũi – miệng.
– Thương tổn vùng răng lưỡi do dụng cụ banh miệng hoặc vùng mũi do dùng ống nội soi.
9. Thời gian điều trị phẫu thuật nạo VA là bao lâu?
– Trẻ được nhập viện và thực hiện phẫu thuật ngay trong ngày (nếu tình trạng bệnh ổn định).
– Thời gian phẫu thuật mất khoảng 15 – 30 phút, sau phẫu thuật trẻ nằm tại phòng chăm sóc sau mổ khoảng 2 giờ.
– Sau phẫu thuật trẻ cần nằm lại điều trị thuốc và theo dõi 24h sau mổ sẽ được xuất viện (nếu tình trạng ổn định).
10. Những điều cần lưu ý trong thời gian nằm viện điều trị?
10.1. Các biểu hiện bình thường sau mổ
– Đau sau mổ: Trẻ có thể quấy khóc, ăn ít, bú kém. Tình trạng này sẽ cải thiện sau 5 ngày khi vết mổ đã ổn định.
– Chảy máu: Có thể có hoặc không.
10.2. Các biến chứng cần theo dõi và báo nhân viên y tế?
– Trẻ quấy khóc nhiều, bỏ ăn bỏ bú.
– Sốt.
– Chảy máu ra cửa mũi trước hoặc trẻ trớ ra dịch lẫn máu.
10.3. Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và vận động
– Chế độ dinh dưỡng:
+ Ngày đầu uống sữa lạnh.
+ Ngày thứ 2 sau mổ có thể ăn cháo hoặc ăn cơm. Tăng cường dinh dưỡng, sinh tố cam chanh.
Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ, đặt biệt là cam, chanh
– Chế độ vận động: Tránh để trẻ vận động mạnh, chạy nhảy trong ngày 5 đầu sau mổ.
– Chế độ sinh hoạt:
+ Mặc quần áo bệnh viện và thay hằng ngày để đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm trùng vết mổ.
+ Có thể tắm từ cổ trở xuống, vùng mặt mũi dùng khăn ấm để lau trong vòng 3 ngày đầu sau mổ.
+ Không khịt khạc mạnh.
11. Những điều cần biết sau khi ra viện
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện. Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở,… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.
– Chế độ dinh dưỡng:
+ Uống nhiều nước, uống sữa, bổ sung thêm nước cam, chanh.
+ Ăn uống bình thường tăng cường dinh dưỡng và rau, củ, quả .
+ Tránh các chất kích thích như thức ăn quá cay nóng (vì các thực phẩm này làm chậm lành vết thương và giảm tác dụng của thuốc điều trị).
– Chế độ sinh hoạt và tập luyện:
+ Tắm rửa vệ sinh bình thường, vùng mặt dùng khăn ấm để lau tránh nước vào mũi.
+ Không khịt khạc mạnh.
+ Tránh vận động mạnh, chạy nhảy trong 5 ngày đầu sau mổ.
+ Tránh ngoáy mũi.
12. Sau khi ra viện, triệu chứng như thế nào thì phải khám ngay?
– Chảy máu mũi tăng lên.
Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.
- Tổng Đài: 19002250
- Fanpage: Family Hospital
- Zalo: Family Hospital