1. Dị ứng là gì?
– Dị ứng được định nghĩa là phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với dị nguyên (tác nhân gây ra tình trạng dị ứng).
– Dị ứng là bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi ở bất kỳ thời điểm nào.
– Có vô số tác nhân gây ra tình trạng dị ứng như phấn hoa, thực phẩm, thuốc,…
– Mức độ nghiêm trọng của dị ứng khác nhau ở mỗi người, có thể từ kích thích nhẹ đến sốc phản vệ – một trường hợp khẩn cấp đe dọa đến tính mạng.
2. Dị ứng được phân loại như thế nào?
Có hai loại dị ứng:
– Dị ứng tức thì hay còn gọi là dị ứng thể dịch.
– Dị ứng muộn hay còn gọi là dị ứng tế bào.
3. Những nguyên nhân nào gây ra dị ứng?
Có 2 loại dị nguyên: dị nguyên ngoại sinh và nội sinh (tự dị nguyên).
Một số dị nguyên phổ biến:
– Phấn hoa.
– Nấm mốc.
– Lông động vật như chó, mèo.
– Thức ăn: thường gặp như đậu phụng, các loại hạt (hạnh nhân, hồ đào, óc chó,…) và các loại hải sản có vỏ (tôm, cua, sò hến), cá, sữa, trứng,…
– Thuốc.
– Nọc độc từ vết chích/ đốt côn trùng: ong, kiến lửa.
4. Những triệu chứng thường gặp của dị ứng?
Dị ứng có thể gây ra từ kích thích nhẹ đến sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng
Triệu chứng của dị ứng được chia thành 4 mức độ (mức độ phản vệ):
– Nhẹ (độ I): Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.
– Nặng (độ II): Có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:
+ Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.
+ Khó thở nhanh nông, tức ngực, khan tiếng, chảy nước mũi.
+ Đau bụng, nôn, ỉa chảy.
+ Huyết áp bình thường hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
– Nguy kịch (độ III): Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn:
+ Đường thở: Thở rít thanh quản, phù thanh quản.
+ Thở: Thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.
+ Rối loạn ý thức: Vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.
+ Tuần hoàn: Sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.
– Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
5. Khi trẻ bị dị ứng bạn cần làm gì?
– Ngừng ngay tiếp xúc của trẻ với thuốc hoặc dị nguyên gây dị ứng (nếu có).
– Cho trẻ nằm tại chỗ, kê đầu thấp, nghiêng trái nếu trẻ có nôn.
– Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
– Tất cả trẻ có phản ứng phản vệ cần được theo dõi ở cơ sở y tế trong ít nhất 24 giờ để đề phòng phản vệ pha 2.
6. Bạn cần làm gì để dự phòng tình trạng dị ứng ở trẻ?
Giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng để giảm mốc meo và mối mọt, tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân có thể gây ra dị ứng
Cách tốt nhất là xác định và tránh những tác nhân mà trẻ bị dị ứng. Nếu trẻ có tiền sử dị ứng, hãy thử các cách thức sau:
– Đóng kín cửa sổ trong mùa phấn hoa, đặc biệt là trong các ngày gió khô, đó là thời điểm có nhiều phấn hoa nhất.
– Giữ nhà cửa sạch sẽ và khô ráo để giảm mốc meo và mối mọt.
– Tránh nuôi thú nuôi và trồng cây trong nhà.
– Tránh những thứ mà bạn biết sẽ gây ra các phản ứng dị ứng cho bé.
– Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, đặc biệt là ở môi trường kín (trong nhà, trong xe,…).
– Hỏi bác sỹ về các loại thuốc an toàn và hiệu quả, giúp làm giảm hoặc ngăn chặn các triệu chứng dị ứng.
Khoa Nhi – Bệnh viện ĐK Gia Đình thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em từ sơ sinh đến lứa tuổi thiếu niên. Đội ngũ y bác sỹ tận tâm, giàu kinh nghiệm, hiểu rõ tâm lý và những nỗi sợ của các bé. Với sự hỗ trợ của trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, phòng bệnh tiện nghi, thoáng mát cùng không gian thân thiện, gần gũi, giúp các bé cảm thấy thoải mái, quên đi nỗi sợ và vững tâm lý khi điều trị tại đây. Family sẽ là gia đình và là người bạn thân của bé!