Những điều cần biết về thoái hóa cột sống cổ

1. Thế nào là thoái hóa cột sống cổ?
– Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, tiến triển chậm, thường gặp ở người lớn tuổi và/hoặc liên quan đến tư thế vận động.
– Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và/hoặc đĩa đệm ở cột sống cổ. Có thể gặp thoái hóa ở bất kỳ đoạn nào song đoạn C5-C6- C7 là thường gặp nhất.

2. Những nguyên nhân nào gây thoái hóa cột sống cổ?
– Quá trình lão hóa của tổ chức sụn, tế bào và tổ chức khớp và quanh khớp (cơ cạnh cột sống, dây chằng, thần kinh…).
– Tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp.

3. Các triệu chứng nào thường gặp ở thoái hóa cột sống cổ?
Biểu hiện rất đa dạng, thường gồm bốn hội chứng chính sau:
– Hội chứng cột sống cổ: đau, có thể kèm theo co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ cấp hoặc mạn tính; hạn chế vận động cột sống cổ.
– Hội chứng rễ thần kinh cổ: tùy theo vị trí rễ tổn thương (một bên hoặc cả hai bên) mà đau lan từ cổ xuống tay bên đó. Có thể đau tại vùng gáy, đau quanh khớp vai. Đau sâu trong cơ xương, nhức nhối; cảm giác kiến bò, tê rần dọc cánh tay, có thể lan đến các ngón tay.
– Hội chứng động mạch đốt sống: nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt thường xảy ra vào buổi sáng; có khi kèm chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mờ mắt, nuốt vướng; đau tai, lan ra sau tai, đau khi để đầu ở một tư thế nhất định.
– Hội chứng ép tủy: tùy theo mức độ và vị trí tổn thương mà biểu hiện chỉ ở chi trên hoặc cả thân và chi dưới. Dáng đi không vững, đi lại khó khăn; yếu hoặc liệt chi, teo cơ ngọn chi, dị cảm. Tăng phản xạ gân xương.
– Biểu hiện khác: dễ cáu gắt, thay đổi tính tình, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng làm việc,…

4. Thoái hóa cột sống cổ thường gây ra các biến chứng nào?
– Thiếu máu lên não:
Đốt sống cổ bị thoái hóa chèn ép dây thần kinh, cản trở lưu thông máu gây thiếu máu lên não.
– Rối loạn tiền đình:
Chèn ép động mạch đốt sống gây đau đầu, chóng mặt khi đứng lên, ngồi xuống đột ngột.
– Hẹp đốt sống cổ:
Hẹp đốt sống gây áp lực dây thần kinh lên quanh cổ làm đau nhức vùng cổ-vai-gáy, thậm chí yếu hai cánh tay.
– Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ:
Nếu không được điều trị sớm có thể gây rối loạn thần kinh thực vật, dẫn đến liệt một hoặc cả hai tay.

5. Có các phương pháp nào để điều trị thoái hóa cột sống cổ?
5.1. Nguyên tắc điều trị
– Cần phối hợp phương pháp nội khoa và phục hồi chức năng, luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống cổ, tránh tái phát.
– Áp dụng các liệu pháp giảm đau theo mức độ nhẹ – vừa – nặng, hạn chế sử dụng dài ngày.
– Cần tăng cường các nhóm thuốc điều trị bệnh theo nguyên nhân.

5.2. Điều trị cụ thể
5.2.1. Điều trị nội khoa
– Paracetamol.
– Tramadol.
– Nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid liều thấp: diclofenac, ibuprofen, naproxen,…
– Thuốc giãn cơ.
– Nhóm thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm : piascledine, glucosamine sulfate.
– Các thuốc khác: Khi bệnh nhân có biểu hiện đau kiểu rễ, có thể sử dụng phối hợp với các thuốc giảm đau thần kinh như: Gabapentin/Pregabalin/Các vitamin nhóm B (B1, B6, B12), mecobalamin.
– Tiêm Glucocorticoid cạnh cột sống.

5.2.2. Phục hồi chức năng
– Cần thực hiện các bài tập vận động vùng cổ, đặc biệt với bệnh nhân đã mang nẹp cổ thời gian dài, bệnh nhân có công việc ít vận động vùng cổ.
– Nghỉ ngơi, giữ ấm, tránh thay đổi tư thế cột sống cổ đột ngột.
– Các liệu pháp vật lý trị liệu: sử dụng nhiệt, sóng siêu âm… Có thể kéo dãn cột sống cổ song nên thực hiện với mức độ tăng dần từ từ.

6. Chế độ ăn uống và sinh hoạt cho bệnh nhân thoái hóa cột sống cổ như thế nào?
6.1. Chế độ ăn
– Thực phẩm giàu canxi:
Các sản phẩm từ sữa (sữa, phô mai, sữa chua ít béo), rau xanh đậm như rau chân vịt, súp lơ xanh, rau mồng tơi, cải xoong,…đậu Hà Lan và các loại đậu, cá hồi,…
Liều lượng sử dụng phù hợp nhất là từ 100 đến 120mg/ngày.
– Thực phẩm giàu Vitamin D: nấm, lòng đỏ trứng, cá hồi, cá mòi,…
– Thực phẩm giàu Vitamin C: các loại trái cây có màu đỏ và cam, có thể ăn các loại như kiwi, ổi, cam, chanh, nho, đu đủ, cà rốt, bí đỏ,…
– Thực phẩm giàu Vitamin E: Dầu hướng dương và dầu mầm lúa mì là những nguồn cung cấp vitamin E dồi dào nên được đưa vào chế độ ăn uống.
Ngoài ra:
– Ngũ cốc chọn loại nguyên hạt, ít xay xát.
– Chế độ ăn giàu chất xơ, nhiều rau lá xanh (300-400g/ngày).
– Ưu tiên thịt trắng như thịt gà, cá hơn so với thịt đỏ như thịt heo, thịt bò.
– Chất béo: hạn chế chất béo từ động vật, sử dụng dầu thực vật như dầu ô liu (tốt nhất), dầu hạt cải, dầu đậu nành,…
– Hoa quả ăn ở mức 200-300g/ngày, ưu tiên các loại ít ngọt.
– Sữa và các sản phẩm từ sữa: ưu tiên các loại sữa ít béo, sữa chua ít béo, nên dùng vào bữa phụ.
– Giảm thiểu lượng muối (<5g/ngày) và đường (10% tổng năng lượng/ngày).
– Uống nhiều nước 40ml/kg/ngày.

6.2. Các bài tập cột sống
6.2.1. Tác dụng
– Hỗ trợ trong quá trình lưu thông, tuần hoàn máu.
– Thúc đẩy sự hấp thụ dinh dưỡng của xương khớp được tốt hơn.
– Cơ thể trở nên linh hoạt, dẻo dai, sức bền tốt hơn, từ đó ngăn ngừa bệnh tật tốt hơn.
– Khắc phục, giảm thiểu tình trạng đau, nhức mỏi cơ thể, nhức mỏi xương khớp.
– Giảm thiểu căng thẳng, giúp tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn.
6.2.2. Chỉ định
– Cong vẹo cột sống bẩm sinh hay mắc phải.
– Thoái hóa cột sống.
– Hội chứng cổ vai cánh tay.
– Hạn chế vận động cột sống sau can thiệp phẫu thuật.
– Các bệnh lý của cơ liên quan đến độ vững đốt sống, cột sống.
6.2.3. Chống chỉ định
– Tình trạng nhiễm trùng đốt sống, cột sống như lao đốt sống.
– Chấn thương gây gãy, mất vững đốt sống tủy sống.
– Ung thư cột sống.
– Thời gian tập: Duy trì đều đặn ngày 1-2 lần (buổi sáng hoặc tối trước khi ngủ), mỗi động tác thực hiện 5-10 lần.
6.2.4. Tư thế chuẩn bị
– Người tập ngồi thư giãn (thả lỏng) trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng hai bên vuông góc, thân mình thẳng, đầu và cổ thẳng, hai vai ngang bằng nhau, hai tay duỗi dọc theo thân, trọng lượng dồn đều lên hai mông và hai chân.
– Đặt trước mặt một chiếc gương có thể soi được toàn thân hoặc từ thắt lưng trở lên để có thể tự kiểm tra các động tác. Nơi tập cần thoáng, đủ ánh sáng, yên tĩnh để người tập không bị phân tán trong khi thực hiện các bài tập.

Bài tập 1: Xoa bóp cơ vùng cổ vai
Bài tập 2: Bấm huyệt vùng cổ gáy
Bài tập 3: Gấp và duỗi cột sống cổ
Bài tập 4: Nghiêng cột sống cổ sang bên phải và bên trái
Bài tập 5: Quay cột sống cổ sang bên phải và bên trái
Bài tập 6: Xoay tròn cột sống cổ
Bài tập 7: Tập mạnh cơ cổ phía trước
Đặt bàn tay phải hoặc trái lên trán, đồng thời hít vào tạo một lực ấn vào đầu, đồng thời đầu ép về phía trước tạo một lực kháng lại lực ấn của bàn tay, sao cho không xảy ra cử động cột sống cổ (Giữ yên 3 -5 giây) thả lỏng và thở ra.
Bài tập 8: Tập mạnh cơ cổ phía sau
Một hoặc hai bàn tay đặt phía sau đầu,đồng thời hít vào tạo một lực ấn vào đầu, đồng thời đầu ép về phía sau tạo một lực kháng lại lực ấn của tay, sao cho không xảy ra cử động cột sống cổ. (Giữ yên 3 -5 giây) thả lỏng và thở ra.
Bài tập 9: Tập mạnh cơ cổ hai bên
Lần lượt đặt bàn tay hai bên lên đầu cùng bên, phía trên tai,đồng thời hít vào tạo một lực ấn vào đầu, đồng thời đầu cũng ra một lực kháng lại lực ấn của bàn tay, sao cho không xảy ra cử động cột sống cổ (Giữ yên 3 -5 giây) thả lỏng và thở ra.
Bài tập 10: Kéo giãn cột sống cổ tư thế nghiêng
Lần lượt từng bên, một tay vịn vào ghế, tay kia vòng qua đầu nhẹ nhàng kéo đầu theo đường chéo hướng xuống về phía bên đối diện. Giữ yên 3 -5 giây (vừa kéo giãn vừa thở ra)

7. Tư vấn trước, trong và sau điều trị
7.1.Tư vấn trước điều trị
– Tư vấn chi phí buồng giường, phí chăm sóc, phí điều trị.
– Tư vấn nội quy buồng phòng.
– Cung cấp thông tin dịch vụ (Tư vấn theo đối tượng BHYT, BHCC, viện phí…).

7.2. Tư vấn trong điều trị
7.2.1. Điều dưỡng
– Theo dõi sinh hiệu.
– Theo dõi tình trạng đau các khớp, cột sống.
– Theo dõi tiến triển và biến chứng của bệnh.
– Theo dõi tình trạng dùng thuốc và tác dụng phụ của thuốc.
7.2.2. Bệnh nhân
– Theo dõi tình trạng đau, tiến triển của bệnh để báo cho điều dưỡng hay bác sỹ một cách kịp thời.
7.3. Tư vấn sau điều trị
– Giáo dục tư vấn các bài tập tốt cho cột sống, sửa tư thế xấu.
– Lên kế hoạch tập thể dục.
– Thay đổi chế độ ăn uống.
– Thay đổi lối sống, hoạt động hằng ngày.
– Định hướng nghề nghiệp thích hợp với tình trạng bệnh.
7.4. Dự phòng
– Phát hiện và điều trị sớm các dị tật cột sống cổ.
– Tránh các tư thế cột sống cổ bị quá tải do vận động và trọng lượng, tránh các động tác mạnh đột ngột tại cột sống cổ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...