Tiền sử sảy thai liên tiếp: Những điều cần biết

1. Sảy thai
Sảy thai là trường hợp thai và nhau thai bị tống ra khỏi buồng tử cung trước thời điểm thai nhi 24 tuần (tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối). Sảy thai liên tiếp được định nghĩa khi việc sảy thai lặp lại từ hai lần trở lên.
Khoảng 1-2% phụ nữ gặp phải tình trạng sảy thai liên tiếp.

2. Phân loại
– Sảy thai liên tiếp nguyên phát: thai phụ có từ 2 lần trở lên sảy thai liên tục mà chưa từng có thai kỳ nào vượt qua 24 tuần.
– Sảy thai liên tiếp thứ phát: thai phụ có từ 2 lần sảy thai liên tục mà trước đó có một lần mang thai vượt qua 24 tuần (bất kể thai kỳ khỏe mạnh, sinh non hay tử vong chu sinh)

3. Nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp
3.1. Bất thường nhiễm sắc thể
Bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân chính dẫn đến sảy thai sớm ở quý đầu thai kỳ (50% đến 60%). Ở độ tuổi sinh sản, bất thường nhiễm sắc thể phổ biến nhất là chuyển đoạn cân bằng, đột biến số lượng nhiễm sắc thể và đảo đoạn. Trong đó chuyển đoạn cân bằng cho nhận là một trong những loại đột biến phổ biến nhất ở người.

3.2. Bất thường cấu trúc giải phẫu
Bất thường về tử cung chiếm khoảng 19% nguyên nhân gây sảy thai, bao gồm bẩm sinh và mắc phải.
– Nguyên nhân bẩm sinh bao gồm sự phát triển bất thường ống Muller dẫn đến tử cung dị dạng như tử cung có vách ngăn hoàn toàn/ không hoàn toàn, tử cung đôi, tử cung 1 sừng, thiểu sản tử cung. Ngoài ra, phát triển bất thường ống Muller gây dị dạng vòi trứng (6).
– Nguyên nhân mắc phải bao gồm dính buồng tử cung, polyp nội mạc tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung.

3.3. Nội tiết
Suy hoàng thể
Suy hoàng thể dẫn đến thiếu hụt Progesterone. Progesterone giúp chuyển dạng nội mạc tử cung (NMTC) sau phóng noãn, điều hoà miễn dịch, chống đào thải, tăng tạo nitric oxide, tăng lượng máu và oxy cung cấp cho nội mạc tử cung.

3.4. Rối loạn nội tiết
– Rối loạn hormone tuyến giáp: suy giáp và cường giáp đều liên quan đến sảy thai.
– Đái tháo đường: type I, II kiểm soát không tốt, cường insulin máu đều có nguy cơ cao gây sảy thai liên tiếp.
– Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): cường androgen gây rối loạn phát triển và trưởng thành noãn, phát triển nội mạc tử cung.
– Tăng prolactin máu: thường liên quan đến rối loạn phóng noãn, phát triển nội mạc tử cung, liên quan đến sảy thai liên tiếp.

3.5. Hội chứng kháng phospholipid (APS)
Hội chứng kháng phospholipid (APS): các triệu chứng bao gồm có huyết khối động tĩnh mạch, tiền sử sảy thai liên tiếp và xét nghiệm tăng antiphospholipid, lupus anticoagulant và anticardiolipin.

3.6. Nhiễm trùng
Bất kỳ loại vi khuẩn nào cũng có thể gây sảy thai, ảnh hưởng thai nhi, nhất là khi thai phụ bị nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tác nhân thường gặp là lao, TORCH (Toxoplasma gondii, Rubella, Cytomegalovirus – CMV, Herpes simplex virus – HSV), Chlamydia, giang mai,…

3.7. Lối sống, môi trường và yếu tố nghề nghiệp
– Hút thuốc lá có liên quan đến sảy thai do ảnh hưởng đến chức năng nguyên bào nuôi của phôi.
– Béo phì đã được chứng minh làm tăng nguy cơ sảy thai liên tiếp ở phụ nữ béo phì có thai tự nhiên.
– Thói quen dùng cocaine, rượu (3 đến 5 ly mỗi tuần), uống cafe (> 3 tách) đều liên quan đến nguy cơ sảy thai.

4. Dấu hiệu nhận biết khi sảy thai
– Đau bụng, đau lưng, chuột rút nghiêm trọng
– Cơn co thắt vùng bụng dưới
– Chảy máu âm đạo từ nhẹ đến nặng
– Âm đạo xuất hiện mô giống máu đông
– Không còn cảm giác mang thai như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, hoa mắt,…

5. Phương pháp chẩn đoán
– Khai thác bệnh sử, thăm khám bao gồm khám sản phụ khoa, khám vùng chậu.
– Thực hiện cận lâm sàng: siêu âm, xét nghiệm máu bao gồm miễn dịch, di truyền, nội tiết, nhiễm trùng.

6. Phòng ngừa
6.1. Xây dựng lối sống lành mạnh

Xây dựng lối sống lành mạnh, cân bằng giúp phòng ngừa tình trạng sảy thai, sảy thai liên tiếp

– Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dưỡng chất.
– Vận động thường xuyên.
– Bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế uống rượu và cafein.
– Giảm cân nếu có chỉ số cơ thể (BMI) trên 23.
– Giảm căng thẳng, lo lắng.
– Gặp chuyên gia tư vấn tâm lý nếu cảm thấy trầm cảm, lo âu.

6.2. Phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục
Nếu có các triệu chứng như ngứa âm đạo, tiết dịch âm đạo bất thường, tiểu đau,… cần thăm khám, xét nghiệm nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục và sảy thai.

6.3. Bổ sung axit folic
Bổ sung axit folic (vitamin B9) hàng ngày trước khi mang thai giảm nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh thai nhi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...