1. Bệnh viêm phế quản cấp là gì?
– Viêm phế quản cấp tính là hiện tượng viêm, phù nề, kích thích niêm mạc các ống phế quản – đường dẫn không khí vào phổi.
– Bệnh có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên thường vào mùa thu – đông, kéo dài trong khoảng vài tuần.
– Tác nhân gây bệnh thường là do virus (dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn).
– Có thể kể đến các vi khuẩn phổ biến nhất gây nên viêm phế quản là phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn,…
2. Trẻ bị bệnh viêm phế quản cấp biểu hiện như thế nào?
– Viêm phế quản cấp thường khởi phát sau viêm long hô hấp trên vài ngày. Ho khan tăng dần, thường vào ngày thứ 3 – 4 sau viêm hô hấp trên. Ho khan dữ dội, có thể kèm sò sè nhẹ.
– Sau vài ngày ho có đàm vàng hoặc xanh (trong trường hợp này ho là phản ứng tốt để làm sạch phế quản). Thường kéo dài 2 tuần, tối đa 4 tuần.
– Không sốt hoặc sốt nhẹ.
– Thường có viêm mũi, viêm mũi họng hay viêm kết mạc đi kèm. Giai đoạn đầu nghe phổi không phát hiện gì, về sau âm thở thô, rải rác ran ẩm vừa hạt và ran ngáy.
3. Viêm phế quản cấp có thể dẫn đến biến chứng gì?
– Viêm phế quản cấp nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến việc nhiễm trùng lan ra thành: viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa,…
4. Viêm phế quản cấp điều trị thế nào?
– Cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bù dịch.
– Tránh tiếp xúc với tác nhân kích thích.
– Không khí ấm, ẩm có thể cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi.
– Điều trị triệu chứng giúp hạ sốt, giảm đau, loãng đờm.
– Ho là phản ứng tốt giúp đẩy các chất nhầy, làm sạch phế quản, không cần thiết phải ức chế ho.
– Sử dụng khí dung chủ vận beta trong trường hợp có bệnh hen hoặc biểu hiện sò sè tắc nghẽn đường thở.
– Trong trường hợp bệnh do virus gây ra, hầu hết bệnh sẽ tự giới hạn. Điều trị kháng sinh theo chỉ định trong trường hợp bệnh chưa loại trừ nguyên nhân nhiễm khuẩn.
– Một số trường hợp nặng khó thở nhiều, suy hô hấp,… bác sỹ sẽ chỉ định hỗ trợ thở oxy.
5. Khi nào cần đưa trẻ đi tái khám?
Tái khám ngay nếu trẻ có biểu hiện:
– Sốt cao.
– Li bì.
– Bỏ bú, không ăn uống được.
– Khó thở: thở nhanh, co kéo lồng ngực, sò sè, …
– Tay chân tím, lạnh,…
6. Trẻ bị viêm phế quản cấp cần được chăm sóc như thế nào?
– Giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, tránh khói bụi, khói thuốc lá.
– Giữ ấm cho trẻ, vệ sinh mũi họng sạch bằng nước muối sinh lý.
– Uống nhiều nước, tăng cường dinh dưỡng; tránh thức ăn nhiều đường, nước ngọt có gas, thức ăn nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng, khó tiêu hóa.
– Nên chia khẩu phần ăn của trẻ thành nhiều bữa nhỏ. Thức ăn nên được chế biến dạng nhừ, loãng (cháo, nước, bột,…) để dễ nuốt, dễ tiêu hóa.
– Theo dõi nhiệt độ để dùng thuốc hạ sốt, các dấu hiệu bệnh diễn tiến nặng lên để đưa đi tái khám.
7. Những biện pháp để phòng ngừa bệnh viêm phế quản cấp?
– Rửa tay thường xuyên với xà phòng: trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn; sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, xì mũi, hắt hơi, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
– Sử dụng khăn giấy che miệng khi ho, hắt hơi, vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng, sau đó rửa tay.
– Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ như vaccine phế cầu, cúm, haemophilus influenza,…
– Giữ ấm cho trẻ.
– Giữ cho môi trường sống của trẻ sạch sẽ.
– Với trẻ đã bị dị ứng với phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi nhà,… cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân trên.
– Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá,…
– Tránh tiếp xúc gần với những người đang mắc nhiễm trùng hô hấp trên, trẻ bị mắc bệnh không nên gửi nhà trẻ, trường học để tránh lây sang trẻ khác.
Khoa Nhi – Bệnh viện ĐK Gia Đình thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em từ sơ sinh đến lứa tuổi thiếu niên. Đội ngũ y bác sỹ tận tâm, giàu kinh nghiệm, hiểu rõ tâm lý và những nỗi sợ của các bé. Với sự hỗ trợ của trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, phòng bệnh tiện nghi, thoáng mát cùng không gian thân thiện, gần gũi, giúp các bé cảm thấy thoải mái, quên đi nỗi sợ và vững tâm lý khi điều trị tại đây. Family sẽ là gia đình và là người bạn thân của bé!