1. Bệnh đứt dây chằng chéo của gối là gì?
– Dây chằng chéo nằm ở trung tâm khớp gối, có chức năng chính là chống lại sự di lệch ra sau của mâm chày và lồi cầu đùi, đặc biệt khi gối gấp 90 độ, dây chằng chéo sẽ phối hợp với các dây chằng khác để giữ vững khớp gối.
– Tổn thương đứt dây chằng chéo gây ra tình trạng mất vững khớp gối, mâm chày trượt ra trước và sẽ gây tổn thương các thành phần của khớp gối như rách sụn chêm, lỏng khớp, thoái hóa bong sụn lồi cầu đùi và mâm chày.
Hình 1: Giải phẫu khớp gối
2. Nguyên nhân gây bệnh đứt dây chằng chéo của gối là gì?
– Chấn thương trực tiếp vào gối bằng một lực mạnh do: Tai nạn, tập luyện, thể thao, giao thông và sinh hoạt.
– Chấn thương gián tiếp là loại hay gặp nhất, xảy ra trong các trường hợp:
+ Khi đang chạy mà dừng lại hoặc chuyển hướng đột ngột khi bàn chân vẫn giữ nguyên.
+ Tiếp đất không đúng cách từ một cú nhảy.
Hình 2: Động tác dễ gây đứt dây chằng chéo
3. Triệu chứng của đứt dây chằng chéo của gối là gì?
– Đau: có thể thấy đau chói vùng gối. Nếu tổn thương nhỏ, bệnh nhân có thể không thấy đau.
– Sưng: thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu. Bạn có thể giảm sưng bằng cách chườm đá, nâng cao chân.
– Giảm tầm hoạt động khớp gối: nếu bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, có thể bạn không gấp hay duỗi khớp gối như bình thường được.
– Lỏng gối:
+ Bệnh nhân có cảm giác chân yếu khi đi lại.
+ Khó khăn khi đứng trụ một chân bên gối lỏng.
+ Khi chạy nhanh có cảm giác sụm chân, dễ vấp ngã.
+ Khi đi nhanh trên đường không bằng phẳng, dễ có cảm giác trẹo gối.
+ Lên cầu thang cảm giác không thật chân, khó khăn khi đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang.
– Teo cơ:
+ Đùi bên chấn thương nhỏ dần so với bên lành do teo cơ. Triệu chứng này thường xuất hiện muộn nguyên nhân vì khớp gối lỏng lẻo dẫn đến bệnh nhân ít vận động do đau.
+ Teo cơ dễ xảy ra ở những người ít hoạt động như dân văn phòng, học sinh,…
+ Tuy nhiên đối với vận động viên thể thao, triệu chứng lỏng gối thường biểu hiện không rõ ràng vì cơ đùi rắn chắc làm cho gối vững giả tạo, mặc dù dây chằng chéo trước đã đứt hoàn toàn.
4. Các nghiệm pháp giúp chẩn đoán:
Các nghiệm pháp được bác sĩ thực hiện giúp chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo trước gồm: ngăn kéo trước, Lachsman, Pivot shift đều dương tính tùy mức độ phụ thuộc vào mức tổn thương dây chằng.
– Cận lâm sàng:
+ Khi có các triệu chứng trên các bác sỹ sẽ cho chỉ định chụp X- quang và MRI khớp gối. Chụp X- quang giúp chẩn đoán các trường hợp bong đứt điểm bám và tình trạng xương.
+ Chụp cộng hưởng từ khớp gối ngoài giúp chẩn đoán đứt dây chằng còn giúp phát hiện các tổn thương kèm theo như sụn chêm, sụn khớp, dây chằng chéo sau, dây chằng bên,…
Hình 3: Hình ảnh đứt dây cằng chéo trước trên MRI
Hình 4: Mô phỏng đứt dây chằng chéo trước
5. Biến chứng nếu không điều trị khi bị đứt dây chằng chéo
Những người bị đứt dây chằng chéo khớp gối nhưng không điều trị có nguy cơ cao gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm sau:
– Khớp gối mất vững khi vận động khiến người bệnh dễ bị té ngã, khó hoặc không thực hiện được các động tác phức tạp trong sinh hoạt cũng như khi chơi thể thao.
– Gây ra tổn thương thứ phát cho các thành phần khác trong khớp gối như rách sụn chêm, bong tróc bề mặt sụn khớp, dãn các dây chằng còn lại và dãn bao khớp.
– Tổn thương sụn khớp và thoái hóa khớp.
– Teo cơ đùi do khớp gối bị hạn chế vận động.
6. Các phương pháp điều trị
Điều trị dây chằng chéo trước bao gồm phương pháp không phẫu thuật và phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp nào cần xem xét nhiều yếu tố như: Mức độ tổn thương, nhu cầu hoạt động,…
6.1. Điều trị bảo tồn (Nội khoa)
6.1.1. Điều trị bảo tồn được chỉ định cho các trường hợp sau
– Đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối còn vững.
– Đứt dây chằng chéo trước ở bệnh nhân lớn tuổi.
– Đứt dây chằng chéo trước ở trẻ em còn sụn tăng trưởng.
6.1.2. Những phương pháp được được áp dụng khi điều trị bảo tồn
Trong liệu trình điều trị nội khoa, bác sỹ sẽ phối hợp chủ yếu dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, tập vật lý trị liệu tăng sức mạnh cơ tứ đầu đùi, mang nẹp đùi khi bệnh nhân đi lại.
– Mang nẹp:
+ Nẹp giúp giữ vững khớp gối của bệnh nhân. Để giữ vững hơn nữa, bệnh nhân có thể cần đến nạng. Việc dùng nạng giúp bệnh nhân không đặt áp lực lên chân bị thương.
Hình 5: Nẹp giúp ổn định khớp gối
– Vật lý trị liệu:
+ Khi tình trạng sưng giảm bớt, một chương trình phục hồi chức năng an toàn được khởi động. Các bài tập được thiết kế giúp làm mạnh cơ, lấy lại được tầm hoạt động bình thường của khớp gối.
Hình 6: Bài tập làm mạnh cơ vùng gối
6.2. Điều trị phẫu thuật
– Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo là phẫu thuật phổ biến hiện nay ở Việt nam và trên thế giới. Ưu điểm là vết mổ nhỏ, nhanh lành, thẫm mỹ, phục hồi nhanh.
– Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là sau 1 tuần kể từ khi bị chấn thương.
6.2.1. Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối được chỉ định trong các trường hợp sau đây
– Dây chằng chéo gối đã đứt hoàn toàn hoặc đứt một phần nhưng mất vững.
– Đã trải qua chương trình tập phục hồi chức năng nhưng đầu gối vẫn chưa ổn định.
– Có nhu cầu vận động cao như người hay chơi thể thao hoặc công việc đòi hỏi phải sử dụng đầu gối nhiều.
– Đứt dây chằng chéo khớp gối đã dẫn tới các tổn thương thứ phát là rách sụn chêm hoặc thoái hóa khớp.
6.2.3. Cách thức phẫu thuật?
– Phẫu thuật viên có thể dùng mảnh ghép bằng gân khác thay thế dây chằng chéo trước khớp gối đã bị đứt, có thể là mảnh ghép tự thân hoặc đồng loại. Tuy nhiên do hiện nay ở Việt Nam các ngân hàng mô chưa phát triển nên chủ yếu vẫn là dùng các mảnh ghép tự thân là chính. Các mảnh ghép tự thân hiện nay hay được sử dụng là: mảnh ghép gân hamstring, mảnh ghép gân bánh chè, mảnh ghép gân mác dài, mảnh ghép gân tứ đầu đùi,…
– Việc sử dụng mảnh ghép nào là tùy theo sở thích và kỹ năng được đào tạo của từng phẫu thuật viên, tuy nhiên mảnh ghép hamstring vẫn là mảnh ghép được ưa thích và hay dùng hơn cả.
– Trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân được tê tủy sống hoặc mê nội khí quản.
6.2.4. Những tai biến có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật?
Với bất kỳ phẫu thuật nào đều có tiềm ẩn một số nguy cơ. Đối với phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước cũng sẽ đối mặt với một số ít rủi ro sau đây:
– Tai biến của thuốc gây mê, gây tê trên hô hấp, tim mạch như: trụy tim mạch, suy hô hấp, sẽ được xử trí cấp cứu hỗ trợ tùy vào mức độ cụ thể.
– Chảy máu vết mổ hoặc tê bì vùng da quanh vết mổ.
– Huyết khối tĩnh mạch.
– Lỏng gối.
– Hạn chế biên độ vận động gối.
– Tổn thương sụn dẫn đến rối loại sự phát triển của xương.
6.2.5. Thời gian điều trị phẫu thuật mất bao lâu?
– Bệnh nhân được nhập viện và thực hiện phẫu thuật ngay trong ngày (nếu tình trạng bệnh ổn định).
– Thời gian phẫu thuật mất khoảng 1 – 2 giờ, sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ nằm hậu phẫu khoảng 2 giờ, sau khi tình trạng bệnh nhân ổn định sẽ được chuyển về lại khoa để theo dõi và điều trị tiếp.
– Sau phẫu thuật bệnh nhân cần nằm lại điều trị thuốc, chăm sóc vết thương và theo dõi thêm 5 – 7 ngày sẽ được xuất viện (nếu tình trạng ổn định).
7. Dự phòng chăm sóc
– Tránh các hoạt động thể thao vận động mạnh khớp gối như: đá bóng, chạy nhảy,…
– Phòng tránh các nguy cơ té ngã gây chấn thương trực tiếp lên khớp gối.
– Tập thể dục đều đặn tăng cường sự dẻo dai của khớp gối.
8. Hướng dẫn các bài tập phục hồi khớp gối sau phẫu thuật
– Trước mổ, bệnh nhân nên chuẩn bị tối thiểu một đôi nạng và một nẹp gối (tốt nhất là nẹp khóa), phù hợp với chiều cao của bệnh nhân.
– Quy trình luyện tập chia thành 5 giai đoạn:
8.1. Giai đoạn 1: Tập ngay sau mổ cho đến hết 8 tuần
– Nẹp gối:
+ Tuần đầu: nẹp gối duỗi hoàn toàn, từ tuần 2 có thể tập gấp gối
+ Trước 4 tuần: luôn khóa nẹp khi đi lại.
+ Từ tuần 5: có thể không khóa nẹp khi đi lại.
– Đi nạng, tỳ chân:
+ 3 tuần đầu: không nên tỳ chân (đi hai nạng).
+ Tuần 4-8: có thể tỳ chân một phần (đi một nạng hoặc hai nạng).
+ Sau 8 tuần tỳ chân hoàn toàn (bỏ nạng).
– Gấp gối:
+ Tuần đầu tiên không gấp gối.
+ Từ tuần 2: gấp gối thụ động với biên độ tăng dần, tới tuần 8 có thể gấp đến 90 -100 độ.
– Chương trình tập luyện:
Bệnh nhân luyện tập theo các động tác sau, có thể tiến hành ngay ngày đầu sau mổ, mỗi động tác tập nên giữ trong 10 giây, làm 20-30 lần, ngày tập 3-5 đợt. Sau mỗi đợt tập nên chườm lạnh khoảng 15-30 phút.
8.2. Giai đoạn 2: Từ tuần 9 đến tuần 12
– Nẹp gối, tỳ chân, gấp gối:
+ Bỏ nẹp khóa, thay bằng bao gối.
+ Bỏ nạng, tỳ chân hoàn toàn.
+ Có thể gấp gối tối đa.
– Chương trình tập luyện
Tiếp tục luyện tập như giai đoạn 1, tập thêm các động tác sau:
8.3. Giai đoạn 3: Từ 3 đến 9 tháng
– Tiếp tục tập như giai đoạn 2, nhưng có tải trọng (đeo bao cát hoặc tạ khoảng 3kg vào cổ chân), hoặc tập với 1 chân bên bệnh.
– Mục đích của giai đoạn này là phục hồi hoàn toàn sức cơ tứ đầu đùi, không còn cảm giác đau, hoặc khó chịu ở khớp gối.
– Có thể tập thêm các động tác như bơi, đạp xe, tập lên xuống cầu thang,…
8.4. Giai đoạn 4: Từ 9- 12 tháng
– Tiếp tục các bài tập mềm dẻo và tăng cường sức mạnh.
– Tập các bài hỗ trợ tùy theo mục tiêu cụ thể của bệnh nhân (chơi bóng đá, bóng chuyền,…)
– Bắt đầu tập các bài tập kỹ năng của môn thể thao.
8.5. Giai đoạn 5: Bắt đầu sau 12 tháng
– Quay trở lại hoạt động, chơi thể thao bình thường như trước chấn thương.
– Nên mang bó gối trong 2 năm.
Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.
- Tổng Đài: 19002250
- Fanpage: Family Hospital
- Zalo: Family Hospital