1. Nhọt ống tai ngoài là gì?
– Nhọt ống tai ngoài là tình trạng viêm nhiễm khu trú ở một vị trí của ống tai ngoài, bệnh hay gặp ở một bên tai và vào mùa hè.
– Thường do nhóm tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến bã nhờn và nang lông ở ống tai ngoài.
2. Nguyên nhân gây nhọt ống tai ngoài là gì?
– Ngoáy tai bằng vật cứng, bẩn gây xước da ống tai.
– Viêm ở nang lông hay tuyến bã.
– Chàm ống tai hoặc chảy mủ tai.
– Đối tượng dễ mắc bệnh là những cơ địa suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém (bệnh mạn tính, đái tháo đường,…)
Ngoáy tai không đúng cách, gây xước tai là một trong những nguyên nhân gây nhọt
3. Triệu chứng của nhọt ống tai ngoài là gì?
– Đau tai, đau toả lan ra vùng thái dương, gáy.
– Đau khi há miệng, nhai hoặc khi ấn vào hoặc kéo vành tai.
– Thính lực vẫn bình thường hoặc giảm nhẹ.
– Sốt nhẹ hoặc sốt cao khi viêm tấy, nhiễm trùng lan tỏa
– Khám lâm sàng:
+ Khi nhọt còn nhỏ, soi tai thấy có nốt gờ màu đỏ hồng, chạm vào đau.
+ Khi nhọt lớn, ranh giới không còn rõ, da chung quanh bị phù nề nhiều, lòng ống tai bị thu hẹp, màng nhĩ khó quan sát.
+ Đầu nhọt có điểm trắng khi nhọt sắp vỡ.
4. Biến chứng nào có thể xảy ra nếu không điều trị nhọt ống tai ngoài?
– Viêm bạch mạch sau tai: Da sau tai sưng, nóng, đỏ, đau giống trong viêm tai xương chũm nhưng khác là rãnh sau tai không mất, ấn xương chũm không đau.
– Viêm hạch chung quanh tai: Trong trường hợp sức đề kháng kém có thể dẫn đến mưng mủ hạch.
5. Điều trị nhọt ống tai ngoài như thế nào?
5.1. Giai đoạn nhọt còn nhỏ
– Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau toàn thân.
– Nhỏ thuốc tai tại chỗ chứa kháng sinh và kháng viêm corticoid.
5.2. Giai đoạn nhọt đã chín
– Chích xẻ nhọt dưới gây tê tại chỗ bằng Lidocain 10%.
– Dùng lưỡi dao 11 hoặc đầu kim 18 để xẻ nhọt.
– Sau xẻ nặng sạch mủ, sát khuẩn bằng dung dịch Betadine.
– Đặt đoạn meche tẩm Betadine vào ống tai.
– Toàn thân: Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
– Sau khi xẻ nhọt bệnh nhân dùng thuốc ngoại trú, hằng ngày bệnh nhân phải đến kiểm tra lại vết xẻ đến khi ổn định.
5.3. Giai đoạn nhọt đã tự vỡ
– Vệ sinh tại chỗ ống tai.
– Hút sạch mủ.
– Đặt đoạn meche tẩm Betadine vào ống tai.
– Toàn thân: Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
– Hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc tại chỗ bằng dung dịch Betadine 2 lần/ ngày đến khi ổn định.
6. Những điều cần biết trước khi làm thủ thuật
6.1. Những thông tin chung
– Ước lượng chi phí điều trị.
– Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế:
+ Cung cấp thẻ BHYT/BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong điều trị.
+ Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống.
+ Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi).
+ Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng như: thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn,…
+ Nếu bệnh nhân là nữ cần cung cấp thông tin về vấn đề kinh nguyệt, nghi ngờ mang thai.
6.2. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ làm cho bệnh nhân trước khi thực hiện thủ thuật
– Bệnh nhân hoặc người nhà > 18 tuổi ( gồm ba/mẹ/chồng/vợ) sẽ được nhân viên giải thích và hướng dẫn ký cam kết điều trị.
7. Những điều cần biết sau khi ra viện
7.1. Theo dõi bệnh
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện.
– Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở,… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.
7.2. Chế độ ăn dinh dưỡng
– Uống nhiều nước 2.5 l/ngày, bổ sung thêm nước cam, chanh.
– Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế ăn các thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ; tránh các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, café… (vì các thực phẩm này làm chậm lành vết thương).
7.3. Chế độ vận động, sinh hoạt, chăm sóc vết thương
– Chế độ vận động:
+ Vận động trong giới hạn bình thường, tăng cường tập thể dục nhẹ nhàng.
– Chế độ chăm sóc vết thương:
+ Vệ sinh ống tai bằng dung dịch povidin.
+ Phải giữ vết thương sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay.
Vệ sinh ống tai hằng ngày bằng dung dịch providin sau phẫu thuật
– Chế độ sinh hoạt và tập luyện:
+ Có thể tắm rửa bình thường, khi tắm tránh để nước ướt vào vết thương
+ Loại bỏ các yếu tố nguy cơ: Không tắm ao hồ, sông, suối,… tự lấy ráy tai không dùng chung vật dụng lấy ráy với người khác.
+ Không làm trầy sước ống tai.
– Tái khám sau khi uống hết thuốc để kiểm tra tình trạng bệnh. Hoặc khi vết thương sưng nóng đỏ đau, chảy dịch tiết nhiều.
Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.
- Tổng Đài: 19002250
- Fanpage: Family Hospital
- Zalo: Family Hospital