1. Chấn thương sọ não là gì?
Chấn thuơng sọ não (CTSN) còn gọi là chấn thuơng đầu bao gồm những tổn thuơng xưng sọ và não do tác động đột ngột của vật cứng đập (xâm nhập) vào đầu hoặc đầu đập vào vật cứng.
2. Nguyên nhân nào gây ra chấn thương sọ não?
Chấn thương sọ não có thể xảy ra do đầu bị đập mạnh đột ngột hoặc khi có vật gì đó đâm vào trong não. Nguyên nhân thường gặp là do chấn thương đầu, tai nạn xe cộ, té ngã, bị hành hung hoặc do luyện tập thể thao. Những chấn thương sâu bên trong có thể do súng đạn hoặc các vật dụng khác như dao hoặc những mẩu xương trong đầu.
3. Phân loại chấn thương sọ não?
– Theo giải phẫu: CTSN hở (xuyên thấu) và CTSN kín.
– Theo cơ chế: Tổn thương nguyên phát và tổn thương thứ phát. Phân loại theo các thể lâm sàng:
+ Chấn động não.
+ Nứt sọ.
+ Giập não.
+ Các loại máu tụ nội sọ.
+ Thương tổn phối hợp.
– Phân loại theo mức độ nặng CTSN: thường dựa vào mức độ rối loạn ý thức được tính theo thang điểm Glasgow Coma Scale – GCS:
+ CTSN mức độ nhẹ: GCS từ 13 – 15 điểm.
+ CTSN mức độ vừa: GCS từ 9 – 12 điểm.
+ CTSN mức độ nặng: GCS < 9 điểm.
4. Triệu chứng chấn thương sọ não?
Các triệu chứng chấn thương sọ não ở mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào vị trí chấn thương, tốc độ va chạm, tác nhân gây chấn thương và mức độ tổn thương, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi xảy ra chấn thương hoặc chậm hơn.
Hoàn cảnh xuất hiện sau một chấn thương do tai nạn rủi ro, đánh nhau, tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
– Rối loạn tri giác:
+ Mất trí nhớ về lúc xảy ra chấn thương.
+ Nhìn chằm chằm vô định, ngủ gà.
+ Đáp ứng với ngôn ngữ chậm.
+ Mất khả năng tập trung.
+ Nói ú ớ không thành tiếng.
+ Hôm mê, không đáp ứng với các kích thích.
+ Đại tiểu tiện không tự chủ.
– Rối loạn vận động:
+ Mất phối hợp đồng vận, đi vấp, không thể đi theo đường thẳng.
+ Cơn co giật khu trú hoặc co giật toàn thân.
+ Dấu hiệu liệt: Liệt mặt, méo miệng, liệt chân tay, kèm mất cảm giác.
– Dấu hiệu phù não:
+ Đau đầu, đau ngày càng tăng.
+ Chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng.
+ Buồn nôn, nôn mửa, nôn vọt.
– Biểu hiện ở mắt: Mắt nhìn mờ, đồng tử hai bên không đều, đồng tử giãn >3mm,
đồng tử co nhỏ <1mm, đồng tử không đáp ứng ánh sáng.
– Các tổn thương phối hợp:
+ Tổn thương da đầu: Vết rách, lóc da hộp sọ, máu tụ dưới da đầu.
+ Tổn thương xương sọ: Vết thương sọ não hở, vết thương lún sọ, vỡ xương sọ, vật xuyên thấu hộp sọ.
+ Dấu hiệu vỡ nền sọ: Chảy máu, dịch não tủy qua tai, qua mũi, bầm tím hai ổ mắt, bầm tím vùng xương chũm.
5. Các biện pháp chẩn đoán chấn thương sọ não?
– Chụp cắt lớp vi tính sọ não: Đây là một kỹ thuật nhanh với độ nhạy rất cao để xác định chấn thương sọ não, do tính khả dụng cao của nó mà đây được coi như tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định chấn thương sọ não trong các khoa cấp cứu.
– Chụp X quang sọ não: Thực hiện tại các cơ sở không có chụp cắt lớp vi tính sọ não, phát hiện được các tổn thương xương sọ.
6. Cách xử trí cấp cứu bệnh nhân bị CTSN tại hiện trường?
Xử trí ban đầu cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não có ý nghĩa rất quan trọng, giúp bệnh nhân có cơ hội thoát khỏi cái chết và giảm được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho bệnh nhân. Những việc cần làm khi thấy nạn nhân bị chấn thương sọ não là:
Đánh giá hiện trường an toàn, gọi hỗ trợ, đưa nạn nhân ra vùng an toàn.
Giữ cố định cột sống cổ
Nằm ngửa tư thế trung gian, đầu nghiêng một bên.
Lấy bỏ dị vật trong miệng, hút hút sạch đờm giãi và dịch máu họng miệng.
Nới lỏng quần áo, tháo đồ trang sức
Cầm máu vết thương nếu có, cố định xương gãy.