1. Thế nào là viêm quanh khớp vai?
Viêm quanh khớp vai là tất cả các trường hợp đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương phần mềm quanh khớp gồm: gân, cơ, dây chằng,bao khớp.
2. Những nguyên nhân nào gây viêm quanh khớp vai?
– Thoái hóa gân do tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.
– Nghề nghiệp lao động nặng có các chấn thương gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai.
– Tập thể thao quá sức như chơi cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền.
– Chấn thương vùng vai do ngã, trượt, tai nạn ô tô, xe máy.
– Một số bệnh lý khác (tim mạch, hô hấp, tiểu đường, ung thư vú, thần kinh, lạm dụng thuốc ngủ).
3. Các triệu chứng thường gặp trong viêm quanh khớp vai là gì?
Cứng khớp, cử động vùng vai khó khăn, khó đưa, với tay lên xuống hoặc ra trước sau. Tê bì cánh tay, bả vai và rối loạn vận động 2 tay. Ấn có điểm đau nhói.
4. Viêm quanh khớp vai có thể gây ra các biến chứng nào?
– Hạn chế vận động.
– Biến dạng khớp vai.
– Liệt, tàn phế.
5. Có các phương pháp nào điều trị viêm quanh khớp vai?
– Điều trị nội khoa: Thuốc giảm đau, kháng viêm.
– VLTL: Nhiệt nóng, điện phân, điện xung, các bài tập với dụng cụ hỗ trợ.
– Điều trị ngoại khoa: Chỉ định ở người trẻ tuổi có đứt các gân vùng khớp vai do chấn thương thì phẫu thuật nối gân bị đứt.
6. Các biện pháp dự phòng chăm sóc đối với viêm quanh khớp vai như thế nào?
6.1. Chế độ dinh dưỡng
– Bệnh nhân nên ăn tăng cường các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, rau xanh và hoa quả tươi.
– Hạn chế những thực phẩm dầu mỡ, chất béo, bia rượu, chất kích thích.
6.2. Chế độ luyện tập
Nên luyện tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, các bài tập cho xương khớp như bơi lội, các bài tập theo hướng dẫn.
6.3. Dự phòng
– Tránh lao động quá mức, tránh các động tác dạng quá mức hay nâng tay lên cao quá vai.
– Tránh các chấn thương ở vùng khớp vai.
– Phát hiện và điều trị sớm các trường hợp đau vai đơn thuần và đau vai cấp.
7. Những dấu hiệu cần tái khám là gì?
– Đau, cứng khớp.
– Hạn chế vận động.
– Cảm giác yếu, tê bì cánh tay, nhức mỏi tay.