1. Viêm loét dạ dày tá tràng là gì?
Viêm loét dạ dày tá tràng (VLDDTT) là sự không còn nguyên vẹn cấu trúc hay có thay đổi trên mô học của một hay nhiều vùng niêm mạc dạ dày tá tràng, do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công.
– VLDDTT nguyên phát: Hầu hết đều liên quan đến nhiễm Helicobacter pylori.
– VLDDTT thứ phát:
+ Nhóm viêm trợt và xuất huyết: Stress (shock, toan chuyển hóa, nhiễm trùng, thiếu oxy, bỏng, đại phẫu, suy đa cơ quan, chấn thương đầu,…), sang chấn (nôn ói dữ dội), dùng một số loại thuốc, rượu,…
+ Nhóm không trợt: Viêm dạ dày dị ứng, bệnh Crohn,…
2. Triệu chứng thường gặp của VLDDTT là gì?
– Triệu chứng của bệnh không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn các bệnh lý khác:
+ Đau bụng: Đau thượng vị ở trẻ lớn hay đau quanh rốn ở trẻ nhỏ, đau thường xuất hiện lúc đói hoặc ngay sau ăn, kèm theo cảm giác: nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát ngay sau xương ức, đau gây thức giấc về đêm.
+ Triệu chứng khác: Ói ra máu, tiêu phân đen, thiếu máu, khó tiêu, đầy hơi, chán ăn, sụt cân.
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị như thế nào?
– Nội soi dạ dày tá tràng: Giúp chẩn đoán chính xác mức độ viêm loét, sinh thiết khảo sát mô học, tìm vi khuẩn HP.
– Mục tiêu điều trị: làm lành vết loét, ngừa loét tái phát và biến chứng.
– Điều trị VLDDTT không do nhiễm HP:
+ Thời gian điều trị: 2-4 tuần.
+ Ngưng các thuốc có ảnh hướng đến dạ dày.
+ Điều trị thuốc chống loét: Kháng acid, ức chế thụ thể H2, ức chế bơm proton, thuốc bảo vệ niêm mạc.
– Điều trị VLDDTT do HP:
+ Thời gian điều trị: 4 – 8 tuần.
+ Điều trị theo kháng sinh đồ ngay từ đầu.
4. Các biến chứng thường gặp và tiên lượng trong điều trị?
– Tỷ lệ biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thủng, nghẽn do viêm loét dạ dày tá tràng gây ra ở trẻ em cao hơn nhiều so với người lớn.
– VLDDTT không do HP: Nguyên nhân do thuốc, stress, hóa chất,… tiên lượng tốt sau khi điều trị, các trường hợp khác thì tiên lượng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
– VLDDTT do HP: Thường khó khăn trong điều trị do khả năng tuân thủ điều trị kém, thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị, kiến thức người nhà chưa cao, tính kháng thuốc,… khả năng tái nhiễm cao.
5. Chăm sóc, theo dõi bệnh nhân VLDDTT như thế nào?
Không nên cho trẻ ăn bữa cuối trong ngày gần giấc ngủ
– Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo âu.
– Không ăn bữa cuối trong ngày gần giấc ngủ, nên ăn trước lúc đi ngủ ít nhất 3 giờ.
– Không ăn thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá nhiều gia vị.
– Nên ăn nhiều bữa ăn nhỏ, đúng giờ, không để quá đói hoặc quá no.
– Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít mỡ, ít chất kích thích (sôcôla,…).
– Đảm bảo chế độ ăn phải đầy đủ các chất dinh dưỡng.
– Tránh dùng café, trà, nước có ga, nước tăng lực.
– Tránh các thuốc ảnh hưởng đến dạ dày (thông báo với bác sỹ trước khi sử dụng các thuốc khác uống kèm).
– Uống thuốc đủ liều, đúng giờ.
– Không tự ngưng điều trị ngay cả khi cảm thấy trẻ đã giảm bệnh nhiều.
– Sử dụng vật dụng cá nhân riêng giữa những người thân trong gia đình để giảm lây nhiễm chéo, đặc biệt đối với người đang nhiễm vi khuẩn HP.
6. Khi nào cần tái khám?
– Tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ.
– Tái khám khi có các dấu hiệu bất thường: Đau bụng nhiều, nôn máu, đi cầu phân đen,…
Khoa Nhi – Bệnh viện ĐK Gia Đình thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em từ sơ sinh đến lứa tuổi thiếu niên. Đội ngũ y bác sỹ tận tâm, giàu kinh nghiệm, hiểu rõ tâm lý và những nỗi sợ của các bé. Với sự hỗ trợ của trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, phòng bệnh tiện nghi, thoáng mát cùng không gian thân thiện, gần gũi, giúp các bé cảm thấy thoải mái, quên đi nỗi sợ và vững tâm lý khi điều trị tại đây. Family sẽ là gia đình và là người bạn thân của bé!