1. Định nghĩa
– Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là một trong những loại gãy đầu dưới xương cánh tay thường gặp, xảy ra sau chấn thương do té ngã chống tay.
– Gãy trên lồi cầu xương cánh tay thể ưỡn và thể gấp là tai nạn thường gặp ở trẻ em.
Hình ảnh cấu tạo đầu dưới xương cánh tay
2. Triệu chứng thường gặp
– Sau chấn thương: Đau, sưng nề, bầm tím vùng khuỷu.
– Mất vận động vùng khuỷu do đau.
– Mốc giải phẫu vùng khuỷu thay đổi.
– Chụp phim cánh tay thẳng/nghiêng: Cho biết đặc điểm ổ gãy.
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay
3. Biến chứng sau gãy trên lồi cầu xương cánh tay nếu không được điều trị?
– Gãy hở rất ít gặp.
– Tổn thương mạch máu thần kinh.
– Hạn chế vận động khớp khuỷu.
– Thiểu dưỡng vùng dưới ổ gãy do sưng nề nhiều.
– Nhiễm trùng.
– Chèn ép khoang ở cẳng tay.
– Vẹo khuỷu tay vào trong hoặc ra ngoài.
4. Điều trị bảo tồn trong gãy trên lồi cầu xương cánh tay
Điều trị bảo tồn trong gãy xương là phương pháp điều trị nắn chỉnh, bó bột đưa vị trí xương gãy về lại cấu trúc giải phẫu bình thường, đồng thời phối hợp dùng thuốc giảm đau, canxi giúp xương nhanh liền và trả lại chức năng bình thường cho chi gãy.
Hình ảnh nắn chỉnh gãy xương và sau bó bột
– Điều trị bảo tồn được áp dụng trong các trường hợp bệnh nhân gãy xương kín, ít di lệch.
– Thời gian điều trị: Sau bó bột bệnh nhân cần phải giữ bột trong vòng 4 tuần.
4.1. Những nguy cơ có thể xảy ra sau bó bột
– Biến chứng do bột chèn ép sẽ có biểu hiện sưng đau, tê, tím đầu chi cần phải tháo bột.
– Biến chứng do lỏng bột do chi giảm sưng nề, làm mất tác dụng cần thay bột.
– Dị ứng với bột: Biểu hiện bỏng da, ngứa, viêm da…
– Biến chứng do vật lạ rơi vào trong bột biểu hiện ngứa, khó chịu.
– Biến chứng do rối loạn dinh dưỡng nguyên nhân do bất động lâu ngày thiếu tập luyện, biểu hiện Teo cơ, cứng khớp, loãng xương, tăng kali máu, bệnh nhân thấy đau khi vận động sau tháo bỏ bột, chức năng chi bị giảm.
– Hư bột do di chuyển, va chạm nhiều, làm mất tác dụng cần thay bột.
4.2. Những điều cần biết khi bó bột
– Bệnh nhân điều trị bảo tồn thực hiện ở ngoại trú.
– Bệnh nhân phải mang bột cố định cánh cẳng bàn tay trong vòng 4 tuần.
– Trong thời gian mang bột bệnh nhân cần tuân thủ những điều sau:
+ Không để ướt bột, hạn chế vận động.
+ Treo tay cao theo hướng dẫn.
+ Theo dõi các đầu chi nếu sưng đau nhiều hoặc chặt bột phải tái khám ngay.
+ Không dùng que đưa vào trong bột để gãi sẽ gây xây xát da dễ dẫn đến nhiễm trùng vết thương hoặc làm đùn bông gây chèn ép mạch máu.
+ Không cọ xát bột với vật cứng sẽ gây hỏng bột.
+ Tập vận động theo hướng dẫn của kỹ thuật viên.
+ Uống thuốc theo đơn, tái khám sau 05 ngày hoặc tái khám ngay khi bột bị hư, vỡ.