Phôi phân chia trực tiếp là gì? Vì sao phôi lại phân chia bất thường và điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả điều trị?
Trong quá trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), thông báo kết quả phôi có lẽ là một bước quan trọng mà các cặp vợ chồng thường rất mong chờ. Trong một số trường hợp, chuyên viên phôi học sẽ thông báo cho các cặp vợ chồng về kết quả có một số phôi phân chia bất thường. Điều này dẫn đến nhiều câu hỏi và băn khoăn xoay quanh vấn đề về khả năng đậu thai hoặc những nguy cơ thai kỳ nào có thể xảy ra khi sử dụng những phôi này.
Vậy, phôi phân chia trực tiếp là gì, vì sao phôi lại phân chia bất thường và điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả điều trị? Dưới đây là một số chia sẻ của Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY, hy vọng sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho các cặp vợ chồng đang trên con đường điều trị.
Hình ảnh minh hoạ phôi phân chia bất thường: phân chia trực tiếp
1. Phôi phân chia trực tiếp là gì?
Theo lý thuyết, với tốc độ phân chia bình thường thì số lượng tế bào tiêu chuẩn tại thời điểm đánh giá phôi ngày 2 là bốn tế bào, phôi ngày 3 sẽ là tám tế bào. Tuy nhiên, trong thực tế số tế bào có thể ít hoặc nhiều hơn số lượng tế bào tiêu chuẩn. Tốc độ phân chia chậm hay nhanh hơn có thể ảnh hưởng đến chất lượng và tiềm năng của phôi. Sự phân chia và tốc độ phân chia của phôi có thể được theo dõi và đánh giá bằng công cụ Time-lapse.
Phôi phân chia trực tiếp (Direct cleavage – DC) là hiện tượng phôi phân chia bất thường khi một phôi bào sau khi hoàn tất quá trình phân bào sẽ phân chia thành nhiều hơn hai phôi bào con hoặc có khoảng thời gian của chu kỳ tế bào ít hơn năm giờ. Hiện tượng phân chia trực tiếp có thể xảy ra ở lần phân bào đầu tiên của hợp tử (DC1), lần phân bào thứ hai (DC2) hoặc lần phân bào thứ 3 (DC3). Trong đó, từ một hợp tử phân chia thành ba, bốn phôi bào hoặc từ hai phôi bào phân chia thành năm hoặc sáu phôi bào.
Theo một thống kê với cỡ mẫu lớn trên 26261 phôi từ 3155 chu kỳ điều trị, phôi phân chia trực tiếp chiếm tỷ lệ 26,1% trên tổng số phôi. Ngoài ra, tần suất xuất hiện DC rất cao, có hơn 71,1% số chu kỳ với hơn một nửa số phôi bị phân chia trực tiếp, trong khi đó, chỉ có 0,1% số ca có toàn bộ phôi phân chia bình thường.
Nguyên nhân dẫn đến DC có thể do các sai sót trong quá trình hình thành trục phân bào do bất thường trong quá trình sao chép của trung thể, giao tử lưỡng bội hay sự thụ tinh với nhiều tinh trùng. DC không liên quan đến tuổi mẹ, nguồn gốc của noãn (noãn tự thân hoặc noãn hiến tặng), tinh trùng tươi, trữ hay tinh trùng thủ thuật [1].
2. Ảnh hưởng của phôi phân chia bất thường đến kết quả điều trị thụ tinh trong ống nghiệm
Sự phát triển của những phôi DC đến giai đoạn phôi nang thường bị ảnh hưởng và số lượng phôi phát triển thành phôi ngày 5 hữu dụng sẽ ít hơn so với phôi phân chia bình thường. Có khoảng 8,2% – 40,2% phôi DC đến được giai đoạn ngày 5 so với kết quả 61,0% ở nhóm phôi không bị DC [1]. Một thống kê khác của Ebrebelli trên 15,081 phôi từ 3.962 chu kỳ TTTON, tỷ lệ này là 14,5%-42,5% so với 64,6% ở nhóm không bị DC.
Điều đặc biệt đáng chú ý là các nghiên cứu cũng ghi nhận không có sự khác biệt đáng kể nào về tình trạng di truyền của những phôi nang phát triển từ phôi DC này. Tỷ lệ phôi nguyên bội khi phân tích di truyền của phôi nang từ hai nhóm DC và không DC tương đương nhau [1], [2]. Điều này được lý giải dựa trên khả năng tự sửa sai của phôi. Một số phôi bị phân chia trực tiếp có thể tự điều chỉnh các sai lỗi và phát triển thành phôi ngày 5 hoàn chỉnh.
Tỷ lệ trẻ sinh sống sau khi chuyển phôi ngày 3 của phôi có phân chia trực tiếp thấp hơn đáng kể so với phôi không DC. Tuy nhiên, khi các phôi DC phát triển đến được giai đoạn phôi nang, tỷ lệ trẻ sinh sống sau khi chuyển phôi ngày 5 giữa hai loại phôi này lại không khác biệt [1], [2]. Qua đó, cho thấy những phôi phân chia trực tiếp không nên được chuyển phôi ngày 3, mà nên theo dõi và sử dụng ở giai đoạn ngày 5.
3. Ứng dụng của công nghệ Timelapse trong đánh giá phôi
Thông thường, ở đa số các trung tâm TTTON, phôi được đánh giá hình thái dưới kính hiển vi tại một số thời điểm nhất định. Tuy nhiên, phương pháp này có thể sẽ bỏ lỡ những sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của phôi, do đó có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn phôi có tiềm năng đậu thai.
Công nghệ quan sát phôi liên tục (Time-lapse imaging) được ứng dụng trong TTTON giúp cung cấp dữ liệu quá trình phát triển của phôi một cách toàn diện, bao gồm cả sự xuất hiện của các hình thái bất thường xảy ra trong quá trình phân chia của của tế bào. Từ đó cung cấp thêm thông tin giúp cho các chuyên viên phôi học có thể đánh giá và lựa chọn phôi một cách chính xác. Những thông tin hữu ích này sẽ giúp cho bác sĩ và bệnh nhân có thể đưa ra quyết định phù hợp, hạn chế tỷ lệ thất bại làm tổ, giảm căng thẳng về mặt tâm lý và chi phí cho bệnh nhân. Hiện tại IVFMD FAMILY không thu phí theo dõi phôi bằng Timelapse và nuôi phôi ngày 5.
Chuyên viên phôi học IVFMD FAMILY đang theo dõi phôi trên hệ thống Timelapse
Tóm lại, sự phân chia bất thường của phôi có thể do một số nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phân chia của hợp tử. Các nghiên cứu đã chứng minh phôi phân chia bất thường ở giai đoạn sớm sẽ làm giảm khả năng phát triển đến phôi nang và giảm tỉ lệ đậu thai khi chuyển phôi ở ngày 3. Tuy nhiên, nếu những phôi phân chia trực tiếp phát triển đến được giai đoạn phôi nang – phôi ngày 5 thì khả năng thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm và có em bé khỏe mạnh không khác biệt so với phôi phân chia bình thường. Chính vì vậy, những bố mẹ có phôi phân chia trực tiếp nên cân nhắc không chuyển phôi ngày 3, mà nên theo dõi và chuyển ở giai đoạn ngày 5.
Bs. Nguyễn Đỗ Thị Phương Thảo, Bs. Mai Đức Tiến, ThS Nguyễn Thị Liên Thi
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY
Bệnh viện Đa khoa Gia Đình
Tài liệu tham khảo
[1] Zhan Q, Ye Z, Clarke R, Rosenwaks Z, Zaninovic N. Direct Unequal Cleavages: Embryo Developmental Competence, Genetic Constitution and Clinical Outcome. PLoS One. 2016 Dec 1;11(12):e0166398.
[2] Erberelli R, Nicolielo Barreto M, Jacobs CK, Motta ELA, Alegretti JR, Lorenzon AR, O-100Incidence, morphology, ploidy and developmental arrest in direct cleavage embryos: what are they teaching us? Morphokinetic analysis of 15.081 embryos, Human Reproduction, Volume 37, Issue Supplement_1, July 2022, deac105.123