1. Nang tuyến bartholin là gì?
– Tuyến Bartholin thuộc cơ quan sinh dục ngoài, mỗi tuyến có dạng hình cầu; kích thước khoảng 0,5 cm; rất khó để nhìn hay nhận thấy khi tuyến hoạt động bình thường.
– Tuyến được cấu tạo bởi tế bào trụ tiết nhầy, có chức năng tiết ra chất nhầy vào bề mặt môi nhỏ của âm hộ bao quanh âm đạo, giữ ẩm cho vùng âm đạo và bôi trơn khi giao hợp.
– Nang tuyến Bartholin là loại tổn thương dạng nang thường gặp nhất ở vùng âm hộ. Nang tuyến khi viêm sưng chứa đầy chất lỏng bên trong, kích thước nang 1,5 – 3 cm.
– Mặc dù phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc nang tuyến Bartholin, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là từ 20 – 29 tuổi. Nang tuyến Bartholin và áp xe tuyến Bartholin có triệu chứng chiếm khoảng 2% tổng số lần khám phụ khoa mỗi năm.
Vị trí tuyến Bartholin và hình ảnh nang tuyến Bartholin
2. Nguyên nhân gây nang tuyến bartholin là gì?
– Các tuyến Bartholin chứa các ống dẫn nhỏ, hoặc các lỗ hở, cho phép chất lỏng chảy ra, sự hình thành nang là do các ống dẫn bị tắc nghẽn, chất nhầy do tuyến tiết ra sẽ tích tụ lại, dẫn đến giãn nở nang.
– Tắc nghẽn thường do:
+ Phù nề âm hộ tại chỗ hoặc lan tỏa.
+ Do chấn thương hoặc kích ứng.
+ Do sự phát triển của da.
– Nang tuyến Bartholin thường vô trùng. Trong một số trường hợp, ống tuyến Bartholin bị tắc nghẽn có thể bị nhiễm trùng và tạo thành áp xe.
– Áp- xe tuyến Bartholin phổ biến hơn nang tuyến Bartholin gấp 3 lần. Tác nhân gây nhiễm trùng bao gồm Escherichia coli, đa vi khuẩn, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn nhóm B, lậu cầu hoặc chlamydia.
3. Những triệu chứng thường gặp của nang tuyến Bartholin?
– Phần lớn nang tuyến Bartholin không có triệu chứng và ít gây đau.
– Nang lớn có thể gây kích thích, khó chịu khi đi lại, ngồi hoặc quan hệ tình dục.
– Nang tuyến Bartholin mềm, thường xuất hiện ở một bên và ở gần lỗ âm đạo, gây ảnh hưởng đến môi lớn ngoài âm hộ và mất đối xứng vùng âm hộ.
– Trong trường hợp áp-xe tuyến Bartholin sẽ gây đau âm hộ dữ dội và đôi khi gây sốt, khó hoặc không thể đi lại, ngồi, quan hệ tình dục. Chất dịch chảy ra từ ổ áp –xe thường có màu trong hoặc trắng và màu vàng hoặc xanh trong trường hợp áp xe có mủ.
4. Chẩn đoán nang tuyến Bartholin dựa vào yếu tố nào?
– Chẩn đoán nang tuyến Bartholin dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng.
– Phương pháp chẩn đoán bao gồm:
+ Quan sát tổn thương.
+ Xác định kích thước, mật độ, độ di động.
+ Cảm giác đau khi ấn.
– Khám thấy một khối mềm, nóng, mềm hoặc di động tại vị trí tuyến Bartholin, đôi khi được bao quanh bởi ban đỏ và phù nề.
– Nang tuyến Bartholin và áp xe có kích thước trung bình từ 1 – 3 cm và thường ở một bên. Tuy nhiên, một áp xe lớn có thể mở rộng vào môi âm hộ trên.
5. Phân biệt nang tuyến Bartholin với các bệnh lý vùng âm hộ – âm đạo khác
– U mỡ hay nang vùng môi lớn: khối u nằm ngoài vùng âm hộ, bác sỹ xác định bằng cách khám bằng tay và quan sát tổn thương.
– Tụ máu vùng âm hộ: xảy ra sau chấn thương hay sang chấn vùng âm hộ; có triệu chứng đau nhức, khối u to, bầm tím, rịn máu.
– Nang tuyến Skene: vị trí nang nằm ngang lỗ niệu đạo, cao hơn tuyến Bartholin 2 – 3 cm.
6. Làm thế nào để điều trị nang tuyến Bartholin?
– Việc điều trị phụ thuộc vào kích thước của nang và tình trạng áp-xe.
– Đối với nang tuyến Bartholin < 3cm không triệu chứng:
+ Có thể theo dõi chưa cần điều trị.
+ Nếu có triệu chứng có thể ngâm hoặc chườm ấm vùng âm hộ.
– Đối với các nang tuyến Bartholin lớn ≥ 3 cm và áp-xe:
+ Rạch và đặt dẫn lưu dưới gây tê tại chỗ để hút sạch dịch mủ bên trong.
+ Lấy mẫu dịch mủ để nuôi cấy và làm kháng sinh đồ.
– Đối với áp-xe nang tuyến Bartholin:
+ Điều trị kháng sinh toàn thân.
+ Giảm đau.
+ Kháng viêm chống phù nề.
+ Sau điều trị 24 – 48 giờ, rạch khối áp-xe tại cửa tuyến và đặt penrose dẫn lưu hoặc bóc hoàn toàn nang tuyến Bartholin.
+ Tiếp tục dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sỹ
– Lưu ý rằng khoảng 20% trường hợp nang tuyến và áp-xe tuyến Bartholin bị tái phát.
7. Những điều bạn cần biết trước trong và sau khi điều trị?
7.1. Trước khi điều trị
Đối với trường hợp có thực hiện thủ thuật tại phòng mổ:
– Nhập viện theo hướng dẫn của bác sỹ.
– Nhịn ăn uống trước khi thực hiện thủ thuật 6 – 8 giờ.
– Tắm rửa sạch sẽ trước thủ thuật 1 giờ
– Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, căng thẳng.
7.2. Trong khi điều trị
– Uống hoặc tiêm thuốc theo y lệnh của bác sỹ.
– Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng không kiêng khem.
– Thay băng vết thương hằng ngày hoặc theo y lệnh.
– Giữ vệ sinh: tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh âm hộ bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý.
– Giữ tinh thần thoải mái.
Giữ vệ sinh vùng âm hộ đúng cách để chăm sóc tốt cho nang tuyến Bartholin
7.3. Sau điều trị
– Sử dụng thuốc đủ, đúng liệu trình điều trị.
– Thay băng vết thương theo hướng dẫn của bác sỹ.
– Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
– Tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh âm hộ bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý.
– Tái khám khi có triệu chứng bất thường: Chảy máu đỏ tươi, sưng nề, đau vết thương, chảy dịch hôi, sốt.
8. Làm gì để dự phòng và chăm sóc tốt cho nang tuyến Bartholin?
– Giữ vệ sinh đặc biệt là trong thời gian kinh nguyệt.
– Vệ sinh vùng âm hộ, tầng sinh môn sạch sẽ, khô thoáng, vệ sinh bên ngoài theo hướng từ trước ra sau để tránh nhiễm vi khuẩn hậu môn.
– Quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
– Vệ sinh sau khi quan hệ tình dục.
– Khám phụ khoa định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường như sưng, đỏ, đau vùng âm hộ để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất trong điều trị bệnh lý phụ khoa cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt giúp chăm sóc phục hồi sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ và sản phụ.