Thiếu máu trong thai kỳ là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Mặc dù thiếu máu sinh lý do pha loãng thường gặp trong thai kỳ, nhưng một số trường hợp thiếu máu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ và con. Vì vậy, điều quan trọng là phải phân biệt thiếu máu do thiếu sắt với thiếu máu sinh lý, cũng như xác định các nguyên nhân gây thiếu máu ít phổ biến khác để cân nhắc điều trị
1. Bệnh lý thiếu máu
Thiếu máu được định nghĩa thay đổi theo từng giai đoạn mang thai
+ Quý I: Hgb <11 g/dL (tương đương Hct < 33%)
+ Quý II: Hgb <10.5 g/dL (Hct < 32%)
+ Quý III: Hgb <11 g/dL (Hct < 33%)
+ Sau sinh: Hgb <10 g/dL (Hct < 30%)
2. Tỷ lệ
Thiếu máu ảnh hưởng đến khoảng 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và 40% phụ nữ mang thai, chủ yếu là do thiếu sắt. Phần lớn phụ nữ bị thiếu sắt mà không bị thiếu máu có thể tiến triển thành bệnh lý thiếu máu trong thai kỳ.
3. Các nguyên nhân gây thiếu máu
Thiếu máu sinh lý và thiếu máu do thiếu sắt là 2 nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất trong thai kỳ.
– Thiếu máu sinh lý: Do hiện tượng pha loãng máu trong thai kỳ. Thể tích huyết tương tăng 40-50%, trong khi thể tích hồng cầu tăng thấp hơn (10-15%).
– Thiếu máu thiếu sắt: Một số yếu tố làm dẫn đến tình trạng này bao gồm
+ Chế độ dinh dưỡng thiếu sắt
+ Mất máu ở lần mang thai trước, mất do chu kỳ kinh, hay khoảng cách giữa 2 lần sinh quá ngắn
+ Nhu cầu sắt tăng lên trong thai kỳ
Các nguyên nhân khác bao gồm
– Các bệnh lý về huyết sắc tố:
+ Thalassemia
+ Bệnh hồng cầu hình liềm
– Rối loạn màng tế bào
– Thiếu máu mắc phải:
+ Thiếu folate
+ Thiếu Vitamin B12
+ Thiếu một số chất dinh dưỡng: như thiếu Vitamin A, nhiễm trùng mạn tính
+ Thiếu máu tán huyết miễn dịch (lupus ban đỏ, nhiễm virus cấp tính)
+ Suy giáp hoặc các bệnh lý thận mạn tính
4. Sàng lọc thiếu máu trong thai kỳ
– Sàng lọc thiếu máu cho tất cả phụ nữ mang thai ở lần khám thai đầu tiên bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu. Lặp lại xét nghiệm công thức máu ở tuần thai 24 -28.
– Nên sàng lọc thiếu sắt ở những phụ nữ có nguy cơ thiếu sắt cao:
+ Đã được chẩn đoán thiếu sắt trước đó
+ Đái tháo đường
+ Hút thuốc lá
+ Nhiễm HIV
+ Viêm ruột mạn tính
+ Mang thai nhiều lần (đặc biệt là khoảng cách giữa 2 lần sinh < 6 tháng)
+ Tiền sử chảy máu tử cung bất thường
+ BMI trên hoặc dưới mức bình thường
+ Ăn chay trường
– Sàng lọc thiếu sắt: Dùng chỉ số ferritin
5. Hậu quả của thiếu máu khi mang thai
– Mẹ: băng huyết sau sinh, nhiễm trùng, tăng tỉ lệ mổ lấy thai, cần phải truyền máu…
– Thai kỳ: thai chậm tăng trưởng, sinh non, nhiễm trùng sơ sinh….
6. Quản lý
6.1. Trong thời gian mang thai
– Dự phòng thiếu sắt: Bổ sung đủ lượng sắt trong thai kỳ ít nhất 27 – 30mg/ngày.
– Điều trị thiếu sắt: Đường uống hoặc đường tĩnh mạch. Có thể phải truyền máu nếu tình trạng thiếu máu nghiêm trọng. Tuy nhiên khi sử dụng có thể có 1 số tác dụng phụ lên đường tiêu hóa như kích ứng dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy và/hoặc táo bón.
– Đánh giá hiệu quả điều trị: Thường bắt đầu bằng tăng hồng cầu lưới sau khoảng một tuần, tăng nồng độ hemoglobin ít nhất 1 g/dL trong vòng hai đến ba tuần và tăng ferritin huyết thanh về mức bình thường trong vòng ba tuần. Khi huyết sắc tố đã đạt đến mức bình thường, nên tiếp tục bổ sung sắt bằng đường uống trong ba tháng và đến ít nhất sáu tuần sau khi sinh
– Cần bổ sung thêm acid folic, vitamin B12…tùy thuộc nguyên nhân của thiếu máu.
6.2. Sau sinh
– Có thể kiểm tra lại công thức máu + ferritin trong 4-6 tuần sau sinh để đánh giá lại tình trạng thiếu máu.
– Tiếp tục uống vitamin trước khi sinh và bổ sung sắt trong vòng 6 đến 8 tuần sau khi sinh để tăng lượng sắt dự trữ sau khi bị mất máu sau khi sinh.
– Sau khi xuất viện một số triệu chứng gợi ý về thiếu máu như mệt mỏi, tâm trạng chán nản hoặc không chịu được tập thể dục… cần đến thăm khám để được điều trị.