Thông tin cập nhật
Tính đến ngày 10 tháng 5 năm 2022, toàn thế giới có khoảng 450 trường hợp viêm gan nặng chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em được báo cáo từ hơn 20 quốc gia tập trung ở Mỹ, các nước châu Âu và một số nước châu Á. Hiện nay, ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra viêm gan ở trẻ em hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Những loại virus thường gây ra viêm gan cấp tính như: virus A, B, C, D, E không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn này.
Các nghiên cứu cho thấy nhiều khả năng liên quan đến adenovirus, đây là loại virus gây bệnh cảm lạnh thông thường, bệnh viêm kết mạc và bệnh lý dạ dày ruột. Có khoảng 50 loại adenovirus gây bệnh cho người và adenovirus 41 được nghi ngờ có thể là nguyên nhân gây ra viêm gan.
Trong số 163 trường hợp viêm gan bí ẩn ở trẻ em được báo cáo ở Vương quốc Anh, có 126 trường hợp thực hiện xét nghiệm adenovirus và 72% trong số đó cho kết quả dương tính. Hơn một nửa số trường hợp đang được nghiên cứu ở Hoa Kỳ cũng cho kết quả dương tính với adenovirus. Ở Alabama, có 9 trường hợp thể trạng khỏe mạnh bị viêm gan nặng và nhiễm adenovirus sau đó.
Kết quả nghiên cứu liên quan đến viêm gan “bí ẩn” được báo cáo tại Vương quốc Anh cho thấy phần lớn nguyên nhân liên quan đến adenovirus
Cho đến nay, các nghiên cứu đều cho thấy không có sự liên quan giữa nhiễm SARS-CoV-2 và viêm gan bí ẩn cũng như không có bằng chứng chứng minh các trường hợp viêm gan bí ẩn này liên quan đến tiêm chủng vaccine covid-19.
Biểu hiện lâm sàng
Bao gồm các triệu chứng của các bệnh viêm gan nói chung như: sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu, đau khớp và vàng da. Trong đó triệu chứng thường gặp là triệu chứng của nhiễm trùng hô hấp trên như ho, chảy mũi nước và các triệu chứng dạ dày ruột như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng. Sốt là triệu chứng ít gặp.
Phòng bệnh
Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn ở trẻ em nhiều khả năng được cho là adenovirus. Do đó sự lây truyền của mầm bệnh có thể thông qua sự tiếp xúc cá nhân, qua các giọt tiết của đường hô hấp hay thông qua các vật trung gian truyền bệnh như đồ chơi, tay nắm cửa,… Chính vì thế, để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh nên:
– Cho trẻ tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan virus khác như vaccine viêm gan A, B.
– Ăn chín uống sôi, ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất.
– Tăng cường các hoạt động ngoài trời để tăng khả năng thích nghi thời tiết và tăng sức đề kháng.
– Vệ sinh môi trường, vệ sinh các vật dụng cá nhân, đồ chơi, nhà cửa, rửa tay thường xuyên.
– Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ viêm gan nên ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám.
Thạc sỹ Bác sỹ Đỗ Châu Minh Tuệ
Khoa Nhi, Bệnh viện Gia Đình
Nguồn:
1. https://www.ecdc.europa.eu/en/news-events/epidemiological-update-hepatitis-unknown-aetiology-children
2. https://www.medscape.com/viewarticle/973614#vp_1
3. https://www.medscape.com/viewarticle/973461#vp_1
4. https://www.businessinsider.com/cdc-5-dead-109-ill-pediatric-hepatitis-outbreak-2022-5
5. Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh