1. Phản vệ là gì?
Phản vệ là một phản ứng quá mẫn toàn thân khởi phát nhanh và có thể đe doạ tính mạng. Phản vệ có thể liên quan đến dị ứng tuy nhiên cũng có những trường hợp không liên quan tới dị ứng hoặc vô căn.
2. Những đối tượng có nguy cơ bị phản vệ?
– Phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, thiếu niên, người già là những đối tượng có nguy cơ bị phản vệ cao. Một số yếu tố nguy cơ khác như những người có tạng atopy, những người đang trong tình trạng stress, những người có mức sống cao, những người đang mắc các bệnh nhiễm trùng. Bên cạnh đó một số mùa trong năm cũng có tỷ lệ phản vệ cao hơn các mùa khác ( mùa hè, mùa thu).
– Phản vệ nặng thường liên quan tới những bệnh nhân hen không được kiểm soát tốt, những người phơi nhiễm với dị nguyên trong khi đang sử dụng các thuốc như ACEs, BBs, NSAIDs và những người có tiền sử phản vệ.
– Thông thường, phản vệ diễn biến càng nhanh và xảy ra càng sớm sau khi tiếp xúc với dị nguyên thì tỷ lệ phản vệ nặng và tử vong càng cao. Đối với một số loại thuốc, đường dùng và liều dùng cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ phản vệ ( Ví dụ: một số thuốc dùng đường uống có tỷ lệ phản vệ thấp hơn khi dùng theo đường tiêm).
3. Những nguyên nhân gây phản vệ?
Trên thực tế, bất kỳ bất kỳ chất nào tiếp xúc với cơ thể đều có thể là dị nguyên gây phản vệ. Theo một số nghiên cứu, 60% người lớn và 10% trẻ em phản vệ không thể xác định được dị nguyên, những trường hợp này được phân loại vào nhóm Phản vệ vô căn. Đối với những trường hợp tìm được nguyên nhân, có 3 nhóm dị nguyên hàng đầu gây phản vệ là thực phẩm, côn trùng đốt và thuốc.
– Thực phẩm là nhóm dị nguyên hàng đầu gây phản vệ. Một số loại thực phẩm thường gây phản vệ bao gồm các loại hạt cây, đậu phộng, hải sản, sữa đậu nành, sữa bò, trứng. Phản vệ có thể xảy ra ngay sau khi ăn nhưng cũng có thể xảy ra 6 – 12 giờ sau bữa ăn. Một số trường hợp phản vệ có thể xảy ra sau khi hít phải hoặc tiếp xúc ngoài da.
– Côn trùng đốt là nhóm dị nguyên thứ hai gây phản vệ. Một số loại côn trùng thường gây phản vệ gồm ong mật, ong vò vẽ, kiến, bọ cánh cứng. Phản vệ do côn trùng đốt ở trẻ em thường xuất hiện phản ứng đỏ da toàn thân, ngược lại, ở người lớn thường gây truỵ mạch.
– Thuốc là nhóm nguyên nhân thứ ba gây phản vệ. Với sự phát triển của y tế, việc phát minh ra nhiều loại thuốc mới cũng làm gia tăng nguy cơ phản vệ do thuốc. Một số loại thuốc gây phản vệ hàng đầu bao gồm các thuốc kháng sinh – đặc biệt là kháng sinh nhóm Beta-lactam, các thuốc kháng viêm non-steroid – NSAIDs, các thuốc điều chỉnh miễn dịch.
Các thuốc corticoide thường được sử dụng trong các trường hợp phản vệ tuy nhiên vẫn có những báo cáo về các trường hợp phản vệ sau khi sử dụng corticoid. Những trường hợp này rất hiếm và thường liên quan đến tá dược trong thuốc.
4. Vì sao phản vệ lại gây nguy hiểm đến tính mạng?
– Hậu quả của phản vệ dẫn tới giải phóng ồ ạt các chất trung gian hoá học:
+ Histamine: Gây giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch, tăng tiết dịch, phù niêm mạc phế quản, co thắt cơ trơn phế quản, mày đay, phù, sẩn ngứa, ban đỏ.
+ Serotonine: Gây co thắt cơ trơn phế quản, tăng tính thấm thành mạch, co thắt các mạch máu tim, phổi, não, thận, kích thích các đầu mút thần kinh ngoại biên gây ngứa.
+ Brandykinine: Gây co thắt cơ trơn chậm hơn histamine, giãn mạch, hạ huyết áp, tăng tính thấm thành mạch.
+ Prostaglandine: Làm co thắt cơ trơn phế quản, tăng tính phản ứng phế quản.
+ Yếu tố hoạt hoá tiểu cầu: Ngưng kết tiểu cầu, kích thích tiểu cầu giải phóng histamine và các chất trung gian hoá học khác, làm tăng tính thấm thành mạch, co thắt cơ trơn và phế quản.
+ Leucotriene: Gây co thắt cơ trơn phế quản, làm tăng tác dụng của histamine
+ Chất phản ứng chậm của phản vệ: Làm tăng tính thấm thành mạch, tăng sản sinh IL1 và co thắt phế quản.
– Các chất trung gian hoá học trên gây ra những hậu quả sau:
+ Hệ tuần hoàn: Làm giãn mạch ngoại biên mạnh, tăng tính thấm thành mạch, thoát quản nhanh làm giảm thể tích tuần hoàn dẫn tới giảm cung lượng tim, co thắt mạch vành, thiếu máu cục bộ cơ tim, tụt huyết áp, ngừng tuần hoàn.
+ Hệ hô hấp: Làm tắc nghẽn đường thở do phù miệng, phù lưỡi, phù họng – hạ họng, phù nề thanh quản, thanh môn, co thắt phế quản, tăng tiết dịch, làm hẹp đường dẫn khí, giảm thông khí phế nang, suy hô hấp cấp.
+ Hệ tiêu hoá: Gây tăng tiết dịch dạ dày đau bụng, nôn, tiêu chảy.
+ Da, niêm mạc: Kích thích các đầu mút thần kinh ngoại biên gây mày đay, ban đỏ, ngứa.
5. Cách nhận biết triệu chứng khi nghi ngờ phản vệ?
– Triệu chứng trên da, tổ chức dưới da, niêm mạc
+ Đỏ da, nổi mày đay, ngứa, phù nề, nổi ban đỏ
– Triệu chứng trên hệ hô hấp
+ Mũi: Ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi
– Thanh quản: Phù nề thanh quản, khàn giọng, khó thở, ho khan, nuốt nghẹn
+ Phổi: Khó thở, đau ngực, ho, thở khò khè, co thắt phế quản
– Triệu chứng trên hệ tiêu hoá
+ Nôn, đau thắt bụng, tiêu chảy
– Triệu chứng trên hệ tim mạch
+ Đau ngực, hồi hộp, nhịp nhanh hoặc chậm hoặc rối loạn nhịp tim
– Hậu quả của tụt huyết áp: Chóng mặt, thay đổi tri giác, choáng, ngừng tim
– Triệu chứng trên hệ thần kinh trung ương
+ Chóng mặt, đau đầu, thay đổi ý thức.
+ Ở trẻ em có thể đột ngột thay đổi hành vi và khóc thét
– Các triệu chứng khác
+ Có vị kim loại trong miệng khó nuốt
+ Co thắt tử cung ở những phụ nữ hậu sản
6. Phản vệ có chẩn đoán phân biệt với bệnh cảnh nào?
Chẩn đoán phân biệt
– Các nguyên nhân đường hô hấp
+ Cơn hen cấp
+ Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Khó thở thanh quản
+ Hội chứng đỏ da
Đỏ da liên quan tới thực phẩm Rượu, bia
Bột ngọt (MSG) Hội chứng carcinoid Bệnh bạch cầu
+ Bệnh tế bào Mast
– Các nguyên nhân gây shock
+ Shock nhiễm trùng Shock giảm thể tích Shock tim
+ Shock rối loạn phân bố Shock chèn ép
– Các nguyên nhân khác
+ Ngất
+ Red man syndrome (Vancomycin) Hạ đường huyết, cơn bão giáp
– Các bệnh lý thần kinh: Đột quỵ, động kinh Phù mạch do thuốc (ACEi)
7. Cách đánh giá mức độ nặng nhẹ khi bị phản vệ?
– Độ I – Nhẹ:
Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch
– Độ II – Nặng: Có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:
+ Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.
+ Khó thở, thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi, phổi có rales
rít.
+ Đau bụng, nôn, tiêu chảy.
+ Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.
– Độ III – Nguy kịch: Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn:
+ Đường thở: Tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.
+ Thở: Thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.
+ Rối loạn ý thức: Vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.
+ Tuần hoàn: Shock, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.
– Độ IV – Ngừng tuần hoàn hô hấp
8. Khi phát hiện nghi ngờ phản vệ ta cần phải làm gì?
– Ngừng ngay tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên.
– Đánh giá nhanh mức độ phản vệ.
– Trấn an bệnh nhân, nằm đầu bằng, nghiêng trái an toàn.
– Sử dụng các thuốc chống dị ứng có sẵn (Adrenalin được sử dụng khi có phản vệ độ II trở lên).
– Gọi hỗ trợ, nhanh chóng đưa bệnh nhân tới trung tâm cấp cứu gần nhất.
– Tất cả bệnh nhân nghi ngờ phản vệ đều phải được điều trị bệnh viện, phải nằm viện để điều trị và theo dõi tiếp tối thiểu 24 giờ từ khi triệu chứng ổn định.
9. Người bệnh cần làm gì để dự phòng phản vệ?
– Cách phòng phản vệ tốt nhất là tránh xa các yếu tố gây phản vệ.
– Luôn mang theo mình thông tin cho biết bạn bị dị ứng với thuốc nào hay chất nào khác (đeo vào cổ hay cổ tay, hay để trong ví).
– Phải luôn luôn có một túi đồ cấp cứu với các thuốc cần thiết. Khi bạn có một bơm tiêm tự động adrenaline, phải luôn kiểm tra hạn sử dụng và thay thế trước khi hết hạn.
– Khi bị phản vệ mà không có sẵn bơm tiêm tự động, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm adrenaline và ổn định sinh hiệu trước khi chuyển đến cơ sở chuyên khoa điều trị tiếp tục.
– Cẩn thận báo cho các bác sĩ của bạn biết về các phản ứng thuốc mà bạn có.
– Khi đang tiêm một thuốc nào đó, nếu bạn cảm thấy bất thường như bồn chồn, hốt hoảng, tê lưỡi, ngứa da… hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử trí phản vệ.
– Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường
– Nếu có tiền sử bị dị ứng với côn trùng đốt, phải cẩn thận khi gần chúng. Mặc quần dài và áo dài tay, không đi chân trần lên cỏ, tránh các màu sáng, không dùng nước hoa, không mở soda bên ngoài nhà. Bình tĩnh khi gần loại côn trùng đó.
– Nếu tiền sử dị ứng với thức ăn, đọc cẩn thận nhãn. Quá trình chế biến có thể thay đổi, bạn cần kiểm tra định kỳ nhãn hiệu các thứ mà bạn thường ăn. Khi bạn đi ăn ở tiệm, tìm hiểu cách chế biến và các thành phần có trong món ăn. Một tí thức ăn mà bạn dị ứng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng.
10. Đối với cán bộ y tế cần làm gì để dự phòng phản vệ?
– Khai thác kỹ tiền sử dị ứng, tiền sử bệnh của bệnh nhân.
– Kê thuốc đúng chỉ định, cân nhắc sử dụng thuốc trên những bệnh nhân cơ địa dị ứng.
– Khi thực hiện thuốc cho bệnh nhân, luôn đem theo hộp chống sốc.
– Đối với các thuốc có nguy cơ phản vệ cao thì phải thử test trước khi dùng, ví dụ như huyết thanh kháng uốn ván, Streptomycin,…
– Khi nghi ngờ phản vệ, cần xử lý đùng phác đồ phòng chống phản vệ.
– Đối với những trường hợp bất khả kháng phải dùng thuốc trên cơ địa dị ứng thuốc mà bệnh nhân đã thông báo, phải hội chẩn với chuyên khoa dị ứng hoặc dùng thuốc dự phòng dị ứng trước khi dùng thuốc.