Cung cấp thông tin và tư vấn hội chứng buồng trứng đa nang

1. Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?
– Hội chứng buồng trứng đa nang (HCBTĐN) là một tình trạng rối loạn nội tiết toàn thân.
– Đặc trưng bởi:
+ Buồng trứng có kích thước lớn.
+ Số lượng nang noãn nhiều hơn buồng trứng bình thường.
+ Sự không đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt.
+ Các thay đổi về ngoại hình.
+ Bất thường về khả năng sinh sản.
+ Các vấn đề sức khỏe dài hạn (nguy cơ đái tháo đường, bệnh lý tim mạch,…)
– Hội chứng buồng trứng đa nang phức tạp và không phải là vấn đề đơn thuần của buồng trứng mà tác động đến sức khoẻ toàn thân.

Buồng trứng đa nang

2. Nguyên nhân nào gây ra hội chứng buồng trứng đa nang?
– Nguyên nhân gây ra hội chứng hiện vẫn chưa được xác định chính xác.
– HCBTĐN thường có tính chất gia đình. Nếu mẹ, dì, chị em gái của bạn mắc hội chứng thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cao hơn so với người bình thường.
– Hội chứng có mối quan hệ với các rối loạn, bất thường nồng độ nội tiết bao gồm: tăng nội tiết sinh dục nam và giảm nhạy cảm với insulin.

3. Hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán như thế nào?
3.1. Dựa vào triệu chứng lâm sàng
– Rối loạn kinh nguyệt: là triệu chứng thường gặp nhất, biểu hiện bằng tình trạng kinh thưa hoặc vô kinh, mỗi năm chỉ có một vài lần hành kinh hoặc hành kinh nhiều lần trong 1 tháng.
– Những triệu chứng do tăng nội tiết sinh dục nam:
– Rậm lông vùng mặt, thân mình.
– Mụn ở mặt, mụn trứng cá nhiều, da dầu.
– Hói đầu.

3.2. Dựa vào cận lâm sàng
– Siêu âm:
+ Quan sát được hình ảnh một hoặc hai bên buồng trứng dạng đa nang.
+ Siêu âm phụ khoa qua đầu dò âm đạo.
+ Nếu bệnh nhân chưa từng quan hệ tình dục có thể kiểm tra bằng siêu âm qua đường trực tràng.
– Xét nghiệm máu: ghi nhận sự tăng nồng độ testosterone, chỉ số androgen tự do.

4. Hội chứng buồng trứng đa nang có nguy hiểm không?
– Nếu được chẩn đoán mắc HCBTĐN bạn không nên quá lo lắng. HCBTĐN là một bệnh lý với tỷ lệ khoảng 10% ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
– Hiện tại có thể điều trị các rối loạn do HCBTĐN gây ra bằng cách sử dụng thuốc, không bắt buộc phải phẫu thuật.

5. Hội chứng buồng trứng đa nang được điều trị như thế nào?
– Điều trị hội chứng hướng đến mục tiêu quản lý tốt các rối loạn và vấn đề về mặt sức khỏe, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

5.1. Quản lý tình trạng rối loạn kinh nguyệt
– Tình trạng rối loạn kinh nguyệt phản ánh rối loạn liên quan tới nội tiết, không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản mà còn làm tăng tình trạng ung thư nội mạc tử cung sau này.
– Một số loại thuốc (thuốc tránh thai hàng ngày, viên nội tiết) có thể được chỉ định nhằm tái lập chu kỳ kinh nguyệt, giảm nguy cơ tăng sinh và ung thư nội mạc tử cung.
– Việc sử dụng thuốc cần được chỉ định từ bác sỹ chuyên khoa.

5.2. Quản lý nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung
– Chu kỳ kinh nguyệt dài bất thường (< 4 lần/năm) làm tăng nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung và nguy cơ ung thư nội mạc tử cung khi lớn tuổi.
– Khi gặp tình trạng này, bạn nên gặp bác sỹ để được kê thuốc nội tiết nhằm tái lập chu kỳ kinh, bảo vệ nội mạc tử cung.

5.3. Quản lý tăng cân/ béo phì
– Tình trạng tăng cân ở phụ nữ có HCBTĐN khó kiểm soát hơn các trường hợp thừa cân khác do ảnh hưởng của tăng nội tiết sinh dục nam, tình trạng đề kháng insulin.
– Dẫn tới tình trạng tăng cân và tích lũy mỡ đặc trưng tại vùng bụng, tình trạng béo bụng giống nam giới; làm tăng các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
– Việc kiểm soát cân nặng ở phụ nữ có HCBTĐN có vai trò cực kỳ quan trọng. Người bệnh cần duy trì thì chỉ số khối cơ thể dưới 23 kg/m².
– Ở những phụ nữ thừa cân, việc giảm 5 – 10% cân nặng có thể tái lập chu kỳ kinh nguyệt đều và tăng phóng noãn.

5.3.1. Những việc cần thực hiện để đạt được mục tiêu kiểm soát cân nặng tốt?

– Thực hiện lối sống lành mạnh, mục tiêu đầu tiên là không tăng cân thêm.
– Duy trì lối sống năng động và hoạt động nhiều nhất có thể, để sắp xếp đi bộ tối thiểu 30 phút mỗi ngày tương đương 150 đến 180 phút/tuần.
– Tìm kiếm hỗ trợ từ các chuyên gia dinh dưỡng nhằm xây dựng thực đơn phù hợp, giảm mức năng lượng dư thừa nhưng vẫn đảm bảo đủ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày của cơ thể.
– Theo dõi cân nặng thường xuyên.
– Kiểm soát cảm xúc.

5.3.2. Cách để xây dựng lối sống lành mạnh
– Cố gắng duy trì trạng thái hoạt động nhiều nhất có thể, để mỗi ngày đi bộ hay vận động thể lực ít nhất 30 phút/ngày.
– Không ngồi một chỗ trong một thời gian dài, thay vào đó có thể đứng dậy mỗi giờ để thư giãn cơ bắp.
– Không hút thuốc lá, giảm sử dụng rượu bia nếu có.
– Kiểm soát cân nặng và tránh tăng cân quá mức.

5.3.3. Cách xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
– Ăn chậm nhai kỹ, thời gian một bữa ăn nên kéo dài trên 20 phút.
– Dùng nước lọc làm nước uống chính hạn chế nước ngọt và các thức ăn uống giàu năng lượng.

– Tăng cường sử dụng rau xanh trái cây tươi và củ quả nhằm bổ sung chất xơ và giảm hấp thu đường ở đường ruột. Chế độ ăn giảm carbohydrate và các loại bột đường giúp giảm insulin và testosterone trong máu, tăng nhạy cảm insulin, góp phần giảm cân tốt hơn.
– Giảm bớt hoặc không sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo.
– Không bỏ bữa sáng. Chế độ ăn với khẩu phần chính vào bữa sáng, ăn nhẹ về chiều có thể cải thiện nồng độ các nội tiết tố và tình trạng phóng noãn.
– Bổ sung đầy đủ các chất béo không bão hòa như axit béo omega 3. Một số chất béo tốt cho cơ thể có trong các loại cá (cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích,…), các loại hạt (óc chó, đậu nành,…) và dầu cá.
– Chế độ ăn giàu protein (chất đạm) tốt như như thịt nạc, trứng, đậu,…
– Bổ sung vitamin D và Crome có thể cải thiện các triệu chứng của HCBTĐN. Một số thực phẩm giàu crome như tôm, cua, sò, bông cải xanh, quả lê, cà chua,…

5.4. Quản lý tình trạng mụn trứng cá
– Tình trạng tăng nội tiết tố sinh dục nam làm tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn kèm theo sự tác động từ các yếu tố nguy cơ như stress, bụi bẩn, bít tắc lỗ chân lông khiến cho mụn trứng cá xuất hiện.
– Mụn không chỉ xuất hiện ở mặt mà còn ở các vị trí khác trên cơ thể như cổ, ngực, lưng.
– Bệnh nhân cần được điều trị bác sỹ sản phụ khoa kết hợp với bác sỹ da liễu.

* Làm thế nào để giảm mụn trứng cá?
– Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ: viên nội tiết tránh thai hàng ngày, thuốc kháng androgen, thuốc điều trị mụn, vitamin A, vitamin C và kẽm.
– Giảm stress.
– Tăng sử dụng các loại thức ăn có tính kháng viêm: cà chua, hạnh nhân, hạt óc chó, dầu ô liu, nghệ, cá hồi. Giảm thịt đỏ, đường tinh luyện.
– Giữ da mặt sạch sẽ, không nặn hay lấy nhân mụn bằng tay tránh nguy cơ nhiễm trùng.

5.5. Quản lý các vấn đề về mong con
– Trong 10 phụ nữ có vấn đề về hiếm muộn thì có một phụ nữ có HCBTĐN và ước tính cứ 100 phụ nữ có HCBTĐN thì có 25 đến 50 phụ nữ có vấn đề về mong con.
– Nguyên nhân vì quá trình rụng trứng diễn ra không đều đặn, thậm chí không có trứng rụng làm quá trình thụ tinh không diễn ra.
– Ngoài ra đối với phụ nữ có hội chứng, nguy cơ mắc bệnh lý trong quá trình mang thai như đái tháo đường, tăng huyết áp, sảy thai, sinh non cũng cao hơn.

* Làm nên làm thế nào để cải thiện tình trạng này?
– Đối với những cặp vợ chồng có quan hệ đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai mà sau 1 năm chưa có em bé thì nên gặp bác sỹ hiếm muộn để được đánh giá toàn diện, tư vấn và hỗ trợ điều trị.

– Biện pháp đầu tay và quan trọng nhất là thay đổi lối sống lành mạnh.
– Giảm cân trước điều trị giúp các biện pháp đáp ứng tốt hơn và tăng khả năng có được thai kỳ khỏe mạnh nhờ giảm nguy cơ sinh non, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ.
– Bác sỹ có thể chỉ định sử dụng thuốc gây phóng noãn đường uống hoặc đường tiêm và hướng dẫn hai vợ chồng quan hệ với nhau hoặc lọc rửa tinh trùng bơm vào buồng tử cung trong giai đoạn phóng noãn.
– Nếu phương pháp gây phóng noãn thất bại hoặc kèm theo hiếm muộn do các nguyên nhân khác bác sỹ có thể chỉ định các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization-IVF) hoặc kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (In Vitro Maturation-IVM).
– Phụ nữ béo phì, trên 35 tuổi hoặc có các nguyên nhân gây hiếm muộn khác nên có kế hoạch mang thai sớm vì khả năng thành công khi thực hiện hỗ trợ sinh sản có thể giảm.

3.6. Quản lý các vấn đề liên quan đến tinh thần
– HCBTĐN khiến phụ nữ giảm tự tin vào ngoại hình do các tình trạng mụn trứng cá, rậm lông, béo phì,… Những tâm trạng tiêu cực họ trở nên buồn chán, tự ti, thậm chí trầm cảm.
– Ngoài ra, HCBTĐN có liên quan tới chứng ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ dẫn đến mệt mỏi buồn ngủ về ban ngày.

* Giải pháp pháp để cải thiện chất lượng cuộc sống về mặt tinh thần:
– Thay đổi lối sống tích cực, tăng cường vận động thể chất để tăng cường sức khỏe tinh thần và kiểm soát cân nặng tốt hơn.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
– Luyện tập và duy trì cách suy nghĩ lạc quan, yêu bản thân nhiều hơn.
– Tham vấn bác sĩ về nội tiết, da liễu và tâm lý nhằm xây dựng chiến lược chăm sóc sức khỏe phù hợp với bản thân.

Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất trong điều trị bệnh lý phụ khoa cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt giúp chăm sóc phục hồi sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ và sản phụ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...