1. Mổ lấy thai là gì?
Mổ lấy thai (MLT) hay sinh mổ là một phẫu thuật nhằm lấy thai nhi, nhau và màng ối qua một vết mổ ở thành tử cung. Đây là một phương pháp kết thúc thai kỳ được chỉ định trong trường hợp sinh đường âm đạo không an toàn cho sản phụ và thai nhi.
2. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ là tình trạng rối loạn chuyển hoá đường xuất hiện hoặc phát hiện lần đầu tiên trong thời gian sản phụ mang thai. Tình trạng rối loạn này có thể hồi phục hoàn toàn sau sinh khoảng 6 tuần hoặc có thể trở thành ĐTĐ type II về sau.
3. Đái tháo đường thai kỳ được điều trị như thế nào?
– Insulin là thuốc duy nhất được sử dụng để điều trị ĐTĐ thai kỳ. Liều insulin thay đổi tuỳ theo từng bệnh nhân nhằm đảm bảo mục tiêu điều trị.
– Không sử dụng thuốc hạ đường huyết bằng đường uống (sulfamid) vì có khả năng gây dị tật thai nhi.
4. Khi điều trị đái tháo đường thai kỳ mục tiêu đường máu cần đạt được là bao nhiêu?
– Đường máu trước ăn < 5,3 mmol/l.
– Đường máu 1 giờ sau ăn < 7,8 mmol/l.
– Đường máu 2 giờ sau ăn < 6,7 mmol/l.
– HbA1c < 7%.
Trong suốt quá trình chuyển dạ, sinh hoặc mổ, sản phụ được theo dõi sát đường máu mỗi 1 – 2 giờ và điều chỉnh đường máu bằng insulin cho phù hợp mới mục tiêu trên.
Sau sinh sản phụ mắc ĐTĐ thai kỳ không cần sử dụng insulin nữa.
5. Sản phụ mắc đái tháo đường thai kỳ được chỉ định mổ lấy thai trong trường hợp nào?
– Ngoài các chỉ định mổ lấy thai thông thường, sản phụ mắc ĐTĐ thai kỳ được chỉ định mổ lấy thai trong trường hợp thai to nếu cân nặng ước lượng của thai nhi > 4000gr nhằm tránh nguy cơ kẹt vai và chấn thương lúc sinh cho sản phụ và thai nhi.
6. Thời điểm mổ lấy thai cho sản phụ là lúc nào?
– Nếu nồng độ glucose máu của sản phụ được kiểm soát tốt thì thời điểm thích hợp nhất là tuần thứ 39 – 40 của thai kỳ.
– Nếu nồng độ glucose máu không được kiểm soát tốt thì việc mổ lấy thai phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ và độ trưởng thành phổi của thai nhi.
Kiểm soát đường huyết trước trong và sau thai kỳ rất quan trọng đối với sức khoẻ, an toàn của mẹ & thai nhi
7. Các biến chứng có thể xảy ra nếu không mổ lấy thai là gì?
– Nguy cơ vỡ tử cung, thai suy, ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con.
– Nguy cơ trẻ sơ sinh bị kẹt vai hoặc chấn thương khi mẹ sinh thường.
8. Những vị trí mổ lấy thai mẹ cần biết?
– Đường rạch ngang đoạn dưới tử cung: 90% trường hợp áp dụng phương pháp này.
– Đường rạch dọc tử cung: Chỉ định tuyệt đối trong trường hợp mẹ có ung thư cổ tử cung xâm lấn.
9. Các biến chứng có thể xảy ra đối với mổ lấy thai?
9.1. Trong giai đoạn mổ lấy thai
– Tăng đường huyết trong giai đoạn phẫu thuật MLT. Nếu lượng đường bổ sung quá thấp sẽ gây ra tình trạng nhiễm toan ceton và hôn mê tăng thẩm thấu.
– Rách tử cung phức tạp.
– Nguy cơ tổn thương bàng quang, niệu quản, ruột,…
– Các tai biến do gây mê.
– Chảy máu, mất máu do phạm phải động mạch tử cung, do đờ tử cung.
– Chấn thương con.
9.2. Sau giai đoạn mổ lấy thai
– Nhiễm trùng: Sản phụ có thể bị nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi. Nhiễm trùng ối gây viêm phúc mạc có thể dẫn đến việc phải cắt tử cung trong thời gian hậu phẫu.
– Chảy máu vết mổ,
– Hở vết mổ, thoát vị thành bụng.
– Dính ruột.
– Bí tiểu.
– Lạc nội mạc tử cung.
– Các tai biến do gây mê – hồi sức: tụt huyết áp, nhức đầu sau mổ (trong trường hợp gây tê tủy sống), phản ứng thuốc.
– Nguy cơ tử vong mẹ: có thể do thuyên tắc mạch ối, chảy máu không cầm được hoặc do không có đủ máu khi người mẹ thuộc nhóm máu hiếm.
10. Những điều sản phụ cần biết trước khi thực hiện mổ lấy thai là gì?
– Nhịn ăn trước 8h, nhịn uống nước lọc trước mổ 2h đối với trường hợp mổ lấy thai chủ động.
– Nhập viện trước mổ ít nhất 3 – 4 giờ, theo giờ hẹn của Bác sỹ hoặc khi có dấu hiệu chuyển dạ/ bất thường: thai máy yếu, đau bụng từng cơn, ra nước ối, ra máu âm đạo.
– Chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho mẹ và trẻ sơ sinh.
* Lưu ý: Mẹ nên tham khảo nữ hộ sinh để biết được những vật dụng cần thiết, tránh mang quá nhiều đồ.
– Tắm rửa toàn thân bằng xà phòng trước mổ nhiều nhất 1h.
– Nằm nghỉ ngơi, thư giãn, giữ tinh thần thoải mái.
– Cần có người nhà hỗ trợ trong suốt quá trình nằm viện.
11. Những điều sản phụ cần biết trong khi thực hiện mổ lấy thai?
– Nằm thư giãn, giữ tinh thần thoải mái.
– Thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
– Nếu gặp 1 trong những vấn đề sau phải báo ngay cho nhân viên y tế: Ngứa, nổi mẫn đỏ, khó thở, buồn nôn, đau đầu, hoa mắt,…
12. Những điều sản phụ cần biết sau khi thực hiện mổ lấy thai?
12.1. Đối với sản phụ
– Được ăn cháo đặc và uống nước ấm sau mổ 6 tiếng.
– Hạn chế ăn uống tinh bột, đường (bánh mì, bánh ngọt, cơm trắng, xôi, nước ngọt, kẹo…) bởi nhóm thức ăn này có chứa nhiều carbonhydrat sẽ làm đường máu tăng nhanh.
– Từ ngày thứ ba sản phụ có thể tích cực bổ sung:
+ Các loại rau củ không tinh bột như rau diếp, rau cải, cần tây, súp lơ xanh, cà rốt,…
+ Thực phẩm giàu protein như thịt lợn, gà, bò, trứng, đậu và các sản phẩm được chế biến từ sữa.
+ Thực phẩm có nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu bắp,…
– Uống nước 2 – 3 lít/ ngày (kể cả canh, sữa, nước ép, …) bắt đầu từ ngày thứ 2.
– Không nên ăn các thực phẩm chứa chất béo bão hòa (xúc xích, thịt xông khói,…), chỉ sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật như dầu oliu, dầu hướng dương, các loại hạt.
– Vận động sớm, co duỗi chân, trở người, nghiêng người qua phải – trái, có thể ngồi dậy, cử động sớm sẽ tốt cho mẹ, tránh được tình trạng dính vết mổ:
+ Mẹ được gây tê tủy sống sẽ bắt đầu tập đi lại sau 24h sau mổ.
+ Mẹ được gây mê có thể tập đi lại sau khi được rút sonde tiểu.
– Sản phụ xoa đáy tử cung trong 12h đầu sau mổ theo hướng dẫn của nhân viên y tế (NVYT).
– Sản phụ nên cho bé bú mẹ sớm sau mổ (sữa non rất tốt cho bé trong những ngày đầu), lau vú trước và sau khi cho bú bằng nước và khăn sạch.
– NVYT sẽ thay băng vết mổ lần đầu sau 48h hay có chỉ định của BS hoặc vết mổ dịch thấm băng nhiều.
– Mẹ có thể đánh răng bằng bàn chải mềm, súc miệng, xông hơi, hoặc tắm bằng nước ấm.
– Thường xuyên massage 2 vú để tránh tắc tuyến sữa.
– Những trường hợp cần báo ngay cho NVYT:
+ Vết mổ đau nhiều
+ Sau mổ ngày thứ 3, mức độ đau không giảm hoặc chỉ giảm ở mức độ ít.
+ Máu âm đạo màu đỏ tươi, máu âm đạo ra nhiều hoặc máu âm đạo ra từng mảng to, máu âm đạo có mùi hôi,…
+ Đang đặt sonde tiểu nhưng vẫn có cảm giác mắc tiểu.
+ Nổi mẫn đỏ, ngứa, khó thở, buồn nôn, nôn,…
12.2. Đối với trẻ sơ sinh
Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển của trẻ
– Sau sinh 90 phút, trẻ sẽ được tiêm thuốc vitamin K1, để chống xuất huyết não.
– Nếu trẻ sinh ra cân nặng > 4000gr bác sỹ sẽ kiểm tra đường huyết và đường huyết sau 1h.
– Mẹ cho trẻ bú tích cực có thể dự phòng hạ đường huyết. Việc bú sữa mẹ hoàn toàn là tốt nhất.
– Trường hợp mẹ không đủ sữa cho trẻ bú, cần phải bổ sung thêm sữa công thức thì phải dùng cốc và thìa để nhỏ sữa cho trẻ theo hướng dẫn của NVYT.
– Trường hợp mẹ có chỉ định không cho con bú thì cho trẻ bú sữa công thức theo định mức:
+ Từ 7-10ml sữa/1 lần.
+ Tăng dần 15-20ml/ 1 lần, thời gian bú cách nhau 2h.
+ Những ngày sau có thể cho trẻ bú theo nhu cầu.
– Khi cho trẻ bú cần nâng cao đầu trẻ và áp ngực trẻ vào ngực mẹ để trẻ ợ hơi tránh trào ngược.
– Sau sinh trong vòng 24h trẻ sẽ được tiêm vaccin viêm gan B. Nếu mẹ có HbsAg (+) nên tiêm huyết thanh sớm cho trẻ trong vòng 24h.
– Nên lấy máu gót chân để thực hiện sàng lọc sau sinh kết hợp với siêu âm tim, đo thính lực cho trẻ.
– Trẻ xuất hiện vàng da nhẹ từ ngày thứ 3 đến 4 trở đi, đây là vàng da sinh lý, chỉ cần bú mẹ và vàng da sẽ giảm dần trong 15 ngày đầu.
– Những trường hợp cần phải báo ngay cho NVYT:
+ Sau 24h trẻ chưa đi tiểu, đi cầu phân phân su.
+ Sau bú trẻ trớ hoặc nôn nhiều, liên tục.
+ Trẻ ít bú, không bú, ngủ li bì, thở nhanh, da tím tái, mắt có ghèn nhiều…
+ Trong 3 – 4 ngày đầu, mức độ vàng da toàn thân, vàng xuống bụng hoặc xuống chân bé.
– Trong quá trình nằm viện có gì bất thường, hay cần sự hỗ trợ, mẹ hãy bấm chuông đầu giường để gọi NVYT.
12. 3. Sau khi mẹ ra viện
– Mẹ có thể đăng ký dịch vụ ngoại viện: tắm bé, vệ sinh rốn và theo dõi tình trạng của rốn, vàng da, viêm da… hằng ngày cho trẻ kết hợp theo dõi tình trạng vết mổ hằng ngày cho mẹ.
– Uống thuốc theo đơn. Tiếp tục theo dõi sát đường máu và sử dụng insulin cho phù hợp với mục tiêu điều trị.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và vận động, tập thể dục, tránh béo phì.
– Lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp: bú vô kinh, bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày chỉ có progestin, thuốc tránh thai khẩn cấp,…
– Nên mang thai lại sau ít nhất 18-24 tháng.
– Tái khám sau 06 tuần để làm nghiệm pháp dung nạp đường tại Trung tâm Nội tiết đái tháo đường Family để kịp thời có hướng điều trị tránh ĐTĐ thai kỳ chuyển thành ĐTĐ type 2.
– Tái khám ngay khi có dấu hiệu bất thường:
+ Mệt mỏi, chóng mặt nhiều.
+ Sốt cao.
+ Đau bụng nhiều.
+ Ra máu âm đạo bất thường.
+ Vết mổ nề đỏ, chảy dịch mủ, liền sẹo không tốt.
Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho mẹ và bé sẽ tạo nên sự thoải mái, thư giãn tối đa sau sinh để mẹ có thể nhanh chóng hồi phục, tận hưởng trọn vẹn những phút giây hạnh phúc bên con yêu.
Tại Khoa Phụ Sản Family Hành trình của Bố, Mẹ và Em bé sẽ là hành trình tuyệt vời nhất!