1. Nôn nghén trong thai kỳ – Những điều bạn cần biết?
1.1. Nôn trong thai kỳ
– Nôn do thai nghén được định nghĩa là sự xuất hiện những cơn buồn nôn đơn thuần hay kết hợp xuất hiện trong thời gian đầu của thời kỳ thai nghén.
– Khoảng 50-80% phụ nữ mang thai sẽ có biểu hiện buồn nôn và 50% sẽ nôn.
– Thường gặp trong khoảng tuần thứ 6 đến tuần thứ 14 từ thời gian mất kinh, ít khi tồn tại qua tuần thứ 16. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp nghén kéo dài qua vài tháng và có thể suốt thai kỳ.
1.2. Nghén trong thai kỳ
– Nghén là tình trạng rất phổ biến trong thai kỳ với các triệu chứng như: buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, ăn uống kém ngon miệng, giảm cân, mất nước,…
– Nghén nhẹ là trường hợp buồn nôn và nôn có tần số ít, chỉ khoảng 2 lần/ngày và cảm giác buồn nôn, nôn chỉ kéo dài ít hơn 1 giờ.
– Nghén nặng là trường hợp buồn nôn kéo dài liên tục hơn 6 giờ, buồn nôn và nôn xuất hiện nhiều hơn 5 lần/ngày.
– Một chỉ số về mức độ nặng của nôn nghén trong quý I đã được phê chuẩn và công bố là thang điểm đánh giá mức độ nôn trong thai kỳ PUQE (Pregnancy-Unique Quantification of Emesis and Nausea).
2. Những điều bạn cần biết về Thang điểm đánh giá mức độ nôn trong thai kỳ
3. Nguyên nhân nôn nghén trong thai kỳ là gì?
Mặc dù chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra buồn nôn và nôn trong thai kỳ, nhưng nó có liên quan đến:
– Nồng độ hormon tăng cao trong 3 tháng đầu của thai nghén mà chủ yếu là nồng độ estrogen, progesteron và hCG. Những biến động này có thể gây ra những thay đổi trong sự co cơ và các mô hình thư giãn dạ dày và ruột, dẫn đến buồn nôn và nôn.
– Thuyết tâm lý học giải thích căn nguyên của buồn nôn và nôn khi mang thai là do rối loạn chuyển hoá và mất khả năng đáp ứng lại với các căng thẳng trong cuộc sống.
– Di truyền học: Các gen liên quan đến sự phát triển của nhau thai: GDF15 (growth differentiation factor 15) và IGFBP7 (insulin-like growth factor-binding protein 7) có liên quan đến chứng buồn nôn, nghén nặng.
4. Những yếu tố nguy cơ gây nôn nghén trong thai kỳ là gì?
– Nôn do thai hay gặp ở con so hơn con rạ.
– Nếu lần đầu thai nghén có nôn thì nguy cơ sẽ cao hơn cho lần mang thai sau.
Một số yếu tố nguy cơ gây ra nôn nghén trong thai kỳ như:
– Tăng hormone Estrogen và các hormone khác ảnh hưởng đến tiêu hóa và vị giác.
– Đường huyết trong máu giảm do nuôi thai.
– Tác nhân có mùi gây kích thích.
– Các nhà khoa học đã tìm được mối liên hệ những người thường bị đau đầu, dị ứng, say tàu xe cũng dễ bị nghén nặng hơn khi mang thai.
– Một số yếu tố khác làm tăng tình trạng nghén như: Thể trạng sức khỏe yếu, làm việc quá sức, mang thai lần đầu, mang đa thai, sử dụng estrogen trước mang thai, người thừa cân béo phì, căng thẳng mệt mỏi,…
5. Triệu chứng của nôn nghén là gì?
5.1. Nhóm nôn nghén thường
– Có khoảng 80% phụ nữ mang thai thuộc nhóm có biểu hiện nghén bình thường.
– Sau khi tắt kinh vài tuần thai phụ cảm thấy tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn vào buổi sáng, hoặc khi ăn hoặc ngửi thấy thức ăn lạ.
– Tình trạng cơ thể mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn ói xuất hiện không quá thường xuyên từ 1 – 2 lần/ ngày hoặc khi gặp tác nhân kích thích.
– Cơ thể mệt mỏi nhưng vẫn có thể kiểm soát, vẫn có thể ăn uống sinh hoạt bình thường.
– Thai phụ thường không bị sụt cân, toàn thân ít thay đổi, chỉ gặp tình trạng này trong những tuần đầu của thai kỳ.
– Triệu chứng nôn ói mệt mỏi giảm sau 12 – 20 tuần hoặc sớm hơn.
5.2. Nhóm nôn nghén nặng
– Có khoảng 3% phụ nữ mang thai bị nghén nặng.
– Thai phụ thường xuyên bị nôn ói, mệt mỏi, không có sức lực.
– Nôn ói quá nhiều nên thức ăn trong dạ dày không giữ được, cơ thể không hấp thu được dinh dưỡng, kết hợp với tình trạng chán ăn, sụt cân từ 2 – 10kg.
– Cơ thể suy nhược, mất nước, mất cân bằng điện giải ở phụ nữ nghén nặng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến sự phát triển và sức khỏe thai nhi.
– Nguyên nhân gây nghén nặng đôi khi không chỉ do thai kỳ mà còn do vấn đề về dạ dày, đường ruột của thai phụ.
– Điều trị nghén nặng khó khăn, ảnh hưởng đến sức khoẻ của thai phụ, một số trường hợp buộc phải đình chỉ thai nghén.
– Bệnh cảnh có thể bắt đầu từ nôn nhẹ hay đột ngột, và có thể chia làm 3 thời kỳ:
+ Thời kỳ nôn: nôn liên tục, ăn gì cũng nôn, nôn ra cả mật xanh, mật vàng.
+ Thời kỳ suy dinh dưỡng: do hậu quả của nôn dẫn đến suy dinh dưỡng và mất nước. Bệnh nhân gầy mòn, mắt lõm, da nhăn nheo, bụng lõm hình thuyền, mạch nhanh 100 – 120 lần/ phút.
+ Thời kỳ biến cố thần kinh: hiếm gặp, đây là hậu quả của quá trình suy dinh dưỡng và mất nước kéo dài. Thai phụ lơ mơ, mê sảng, thở nhanh nông 40-50lần/phút. Mạch nhanh, tiểu ít hoặc vô niệu có trường hợp đe doạ tử vong.
6. Chẩn đoán nôn nghén trong thai kỳ dựa vào yếu tố nào?
6.1. Chẩn đoán xác định
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng:
– Mức độ nôn.
– Mức độ mất nước.
– Hôn mê.
6.2. Các xét nghiệm cần thiết
– Xét nghiệm máu: trong các trường hợp nặng, hematocrit tăng.
– Xét nghiệm điện giải đồ.
– Xét nghiệm nước tiểu có Ceton niệu.
7. Phân biệt nôn nghén trong thai kỳ với các bệnh lý khác?
7.1. Thai trứng
– Có triệu chứng tắc kinh, nôn mửa hoặc ra máu âm đạo.
– Siêu âm và xét nghiệm βhCG giúp chẩn đoán phân biệt bệnh lý này
7.2. Nguyên nhân thuộc về bệnh lý tiêu hoá
– Một số bệnh lý tiêu hoá có thể gây ra nôn, buồn nôn như: viêm ruột thừa, viêm dạ dày, viêm túi mật, viêm tuỵ, tắc ruột, xoắn ruột,… thai phụ nên thăm khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị.
7.3. Nguyên nhân thuộc gan
– Viêm gan siêu vi, bệnh gan mỡ cấp do thai nghén (teo gan vàng da cấp khi có thai), nếu không phát hiện và điều trị bệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
– Sau một vài triệu chứng khó chịu, buồn nôn, nôn, bệnh nặng lên nhanh chóng: vàng da, biểu hiện của bệnh não – gan và các biến chứng ngoài gan của nó như: thiểu năng thận, rối loạn chức năng đông chảy máu, xuất huyết tiêu hoá, viêm tuỵ cấp, hội chứng HELLP.
7.4. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
– Thường xuất hiện dưới dạng nôn vào 3 tháng giữa và cuối thời kỳ thai nghén.
– Xét nghiệm nước tiểu giữa dòng giúp chẩn đoán bệnh lý này.
7.5. Nguyên nhân thần kinh
– Viêm màng não, tăng áp lực nội sọ,… khi thăm khám thai phụ có biểu hiện nôn, bác sỹ sẽ thực hiện soi đáy mắt để kiểm tra.
8. Nôn nghén trong thai kỳ gây ra những biến chứng gì?
– Mất nước, mất cân bằng điện giải.
– Giảm cân nhanh.
– Có thể gây nguy cơ cho thai nhi: thai nhẹ cân, sinh non.
9. Làm thế nào để điều trị nôn nghén thai kỳ?
9.1. Thay đổi lối sống hằng ngày
Thai phụ thuộc nhóm nôn nghén thường không cần can thiệp điều trị chỉ cần cải thiện chế độ sinh hoạt ăn uống hằng ngày bệnh sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc
– Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và thư giãn càng nhiều càng tốt.
– Uống nước thường xuyên để tránh mất nước: uống từng ngụm nhỏ và uống giữa các bữa ăn.
– Chia nhỏ bữa ăn và hạn chế để dạ dày trống.
– Ăn một lượng nhỏ thức ăn ít đường, thực phẩm giàu chất xơ, chứa nhiều carbohydrate và ít chất béo như bánh mì, cơm hoặc mì ống, đặc biệt nên ăn đồ lạnh.
– Ăn loại thực phẩm có hàm lượng protein cao như thịt, trứng, các loại hạt hoặc các sản phẩm từ sữa như bánh quy giòn.
– Gừng được xem là một trong những phương pháp giúp giảm buồn nôn, sử dụng gừng dưới dạng sản phẩm như bánh quy gừng, trà gừng, sirô gừng, viên nang hoặc viên nén.
– Chỉ khi đã thực hiện những biện pháp trên mà không cải thiện nôn nghén thì mới dùng đến thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.
9.2. Sử dụng thuốc chống nôn
– Thuốc đối kháng thụ thể H1: cyclizine và promethazine.
– Thuốc thuộc nhóm Phenothiazin: prochlorperazine và chlorpromazine.
– Thuốc đối kháng Dopamine: metoclopramide và domperidone.
– Thuốc đối kháng thụ thể 5-Ht3: ondansetron.
9.3. Bổ sung dịch truyền
– Truyền dung dịch Natri clorid 0,9% và Ringer lactate, ít nhất 3 lít/ngày.
– Tránh sử dụng dịch truyền chứa glucose vì glucose có thể làm nặng thêm bệnh não Wernicke ở những bệnh nhân bị thiếu thiamine (Vitamin B1).
– Xét nghiệm điện giải, nếu thai phụ rối loạn điện giải cần lưu ý khi truyền dịch:
+ Hạ natri máu là kết quả của việc nôn liên tục, vì vậy cần bổ sung từ từ tránh tăng nguy cơ rối loạn thần kinh.
+ Sử dụng 40mmol kali (K+) cho mỗi lít dịch truyền tương thích để điều chỉnh hạ Kali máu.
9.4. Pyridoxine (Vitamin B6)
– Từ năm 2013, việc kết hợp vitamin B6 (pyridoxine) và doxylamine đã được chấp thuận bởi FDA ở Mỹ trong điều trị nôn nghén đối với những thai phụ không đáp ứng với thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng.
– Điều trị nôn nghén trong thai kỳ với vitamin B6 hoặc vitamin B6 kết hợp với doxylamine (Pruzena, Diclegis) được xem là thuốc điều trị đầu tay vì tính an toàn và hiệu quả.
– Các nghiên cứu đã cho thấy việc kết hợp vitamin B6 và doxylamine được dung nạp tốt ở thai phụ nôn nghén, không gây ra tác dụng phụ với mẹ và an toàn đối với thai nhi.
9.5. Thiamine (Vitamin B1)
– Bệnh não Wernicke có thể được ngăn ngừa và điều trị bằng cách thay thế thiamine. Thiamine có sẵn dưới dạng chế phẩm uống và truyền tĩnh mạch. Thiamin sẽ được bác sỹ chỉ định ở những thai phụ bị nôn mửa liên tục.
– Thiamin đường uống hấp thu kém vì sẽ được chia nhỏ liều để cải thiện sự hấp thu:
+ Uống 25-50mg thiamine 2-3 lần/ngày.
+ Sử dụng chế phẩm vitamin B1 truyền tĩnh mạch, nếu thai phụ không đáp ứng với thiamine đường uống.
9.6. Corticosteroid
– Việc chỉ định corticosteroid là điều trị cuối cùng khi các liệu pháp khác đã thất bại.
– Điều trị corticosteroid nên ngưng sau 3 ngày nếu không thấy cải thiện tình trạng nôn nghén.
– Khi điều trị bằng corticosteroids thành công, nên tiếp tục ở liều thấp nhất để kiểm soát triệu chứng và duy trì điều trị trong thời gian ngắn nhất có thể.
– Thuốc điển hình cho chỉ định này là hydrocortisone IV 100mg 2 lần/ngày, sau đó là prednisolone đường uống 40-50mg 1 lần/ngày khi các triệu chứng cải thiện, liều uống sau đó sẽ giảm dần.
– Nếu điều trị nội khoa không đáp ứng, ảnh hưởng đến sức khoẻ thai phụ (rối loạn tâm thần) thì phải đình chỉ thai.
10. Ảnh hưởng của nôn nghén tới thai kỳ đến mẹ và bé như thế nào?
10.1. Đối với thai nhi
– Nếu mẹ nghén mức độ nhẹ hoặc trung bình thì không gây nguy hiểm tới em bé.
– Nghén cho thấy thai đang phát triển tốt, bánh nhau tăng tiết một số nội tiết tố như BhCG, estrogen vào máu mẹ và làm mẹ bị nghén.
– Một vài nghiên cứu cho thấy ở những phụ nữ có chứng ốm nghén thì tỷ lệ sẩy thai thấp hơn.
– Tuy nhiên nếu mẹ bị nghén quá nhiều và bị sụt cân thì có liên quan đến nguy cơ sinh non, nhẹ cân. Tình trạng này hiếm gặp, ảnh hưởng đến khoảng 3% phụ nữ.
– Thai phụ cần điều trị sớm với chứng ốm nghén nặng để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và sụt cân không lành mạnh có thể gây hại cho mẹ và thai nhi.
10.2. Đối với mẹ
– Nôn nghén thai kỳ làm tăng tỷ lệ nhập viện, ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý của thai phụ.
– Một số trường hợp nặng có thể dẫn tới ý định chấm dứt thai kỳ.
11. Những điều bạn cần biết trong quá trình điều trị nôn nghén?
11.1. Chế độ ăn
– Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, có thể 5-6 bữa, nên ăn chậm, nếu quá no hoặc quá đói cũng gây kích thích dạ dày gây buồn nôn – nôn.
– Ăn sớm, trước khi ra khỏi giường cần có một món ăn nhẹ, chẳng hạn như bánh mì nướng khô, hoặc bánh quy giòn và ăn từ từ. Sau đó nghỉ ngơi từ 20 đến 30 phút trước khi dậy vì cảm giác buồn nôn có thể xảy ra khi dạ dày trống rỗng.
– Ăn nhẹ ngay trước khi đi ngủ, nên ăn thức ăn nhẹ đơn giản như: bánh quy giòn,…
– Sử dụng thực phẩm giàu protein: các loại hạt, thịt nạc, trứng, đậu phụ và sữa chua có thể giúp ổn định dạ dày.
– Sử dụng thực phẩm chứa Carbohydrate phức hợp: bánh mì, ngũ cốc, các loại rau củ giàu tinh bột.
– Sử dụng thức ăn đơn giản, dễ tiêu hóa, không mùi, không dầu mỡ, khô như chuối, cơm, bánh mì, khoai tây, ngũ cốc,…
– Thực phẩm cung cấp vitamin B6: Các loại hạt, đậu xanh, cà rốt, súp lơ, khoai tây, thịt nạc và cá là những nguồn cung cấp vitamin này dồi dào, chúng đã được chứng minh là làm giảm cảm giác buồn nôn ở một số phụ nữ.
– Đồ ăn lạnh: Các loại thực phẩm mát lạnh như sữa chua, trái cây họ cam quýt hoặc súp lạnh cũng giúp ích cho hệ tiêu hóa trong thai kỳ.
– Không nằm ngay sau khi ăn vì có thể làm chậm quá trình tiêu hoá.
11.2. Chế độ uống
– Uống nước thường xuyên để tránh mất nước: uống từng ngụm nhỏ và thường xuyên uống nước giữa các bữa ăn.
– Uống các loại nước làm lạnh, có mùi dễ chịu như nước chanh, nước cam,… Nên
uống nước 30 phút trước và sau khi ăn thức ăn đặc để tránh làm dạ dày quá đầy sau ăn.
– Bổ sung các loại nước cung cấp điện giải: orezol, pocari sweat,…
– Trà bạc hà hoặc ngậm kẹo bạc hà tạo cảm giác dễ chịu đặc biệt là sau khi ăn.
– Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng gừng thực sự làm giảm buồn nôn và nôn trong thai kỳ, mùi gừng tươi làm dịu cơn đau bụng. Thử ngậm gừng tươi, mứt gừng, kẹo gừng, trà gừng.
– Thuốc sắt có thể gây kích thích dạ dày và tăng cảm giác buồn nôn. Do đó có thể ngưng sắt trong giai đoạn nghén nhiều và bắt đầu uống lại khi nghén giảm đi.
– Tiếp tục uống viên acid folic đơn thuần trong giai đoạn này.
11.3. Tinh thần
– Nghỉ ngơi và tránh căng thẳng: Thư giãn bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng như: yoga, đi bộ,…
– Đánh lạc hướng bản thân: Xem một chương trình truyền hình hoặc thưởng thức một bản nhạc có thể giúp giảm bớt căng thẳng và giúp tâm trí bạn bớt khó chịu.
– Tránh các yếu tố gây kích hoạt: Tránh các loại mùi gây khó chịu có thể khởi phát cảm giác buồn nôn như mùi nước hoa, nước xịt phòng, nước tẩy rửa, mùi tỏi, cà phê,… Mở cửa sổ để phòng thông thoáng và tránh nơi ngột ngạt.
– Trò chuyện với người thân/ bạn bè: Ốm nghén có thể làm mất niềm vui khi mang thai. Có thể hữu ích khi chia sẻ cảm giác của bạn với một người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình, những người có thể thông cảm và hỗ trợ.
11.4. Vận động
– Đi dạo: Tận hưởng không khí trong lành bằng cách đi dạo hoặc mở cửa sổ.
– Đứng dậy từ từ: Vào buổi sáng, hãy ngồi trên giường vài phút, thay vì bật dậy ngay
11.5. Vệ sinh
– Đánh răng và súc miệng: Hãy thử cách này sau khi ăn để làm mất mùi vị của thức ăn.
– Nếu đánh răng khiến bạn cảm thấy buồn nôn, hãy thử chuyển sang một loại kem đánh răng khác ít bạc hà hơn.
– Tắm rửa, vệ sinh thân thể hằng ngày cho tinh thần thoải mái.
12. Những dấu hiệu bất thường cần khám và nhập viện?
– Khi có dấu hiệu mất nước: tiểu không thường xuyên, nước tiểu sẫm màu, khô môi.
– Giảm từ 2 kg trở lên.
– Nôn nhiều lần trong ngày, đặc biệt nôn ra máu.
– Không ăn uống được bất cứ thứ gì trên 12 giờ.
– Chóng mặt khi khi thay đổi tư thế.
– Sốt hoặc tiêu chảy kéo dài kèm theo buồn nôn và nôn.
– Cảm giác tuyệt vọng, muốn kết thúc thai kỳ hoặc có ý định tự tử vì mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng buồn nôn/ nôn.
Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho mẹ và bé sẽ tạo nên sự thoải mái, thư giãn tối đa sau sinh để mẹ có thể nhanh chóng hồi phục, tận hưởng trọn vẹn những phút giây hạnh phúc bên con yêu.
Tại Khoa Phụ Sản Family Hành trình của Bố, Mẹ và Em bé sẽ là hành trình tuyệt vời nhất!