Dị vật giác mạc

1. Dị vật giác mạc là gì?
Dị vật giác mạc là những vật lạ bên ngoài bám vào giác mạc, gây tổn thương giác mạc.
Tùy theo mức độ xâm nhập, có thể chia thành 2 loại dị vật giác mạc:
Dị vật giác mạc nông là dị vật đính vào lớp biểu mô giác mạc.
Dị vật giác mạc sâu là dị vật đính vào giác mạc từ lớp màng Bowmans đến lớp nội mô.

2. Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Một số dị vật giác mạc gặp phải trong sinh hoạt hằng ngày:
– Rỉ sắt.
– Mùn cưa.
– Cánh côn trùng.
– Bụi và cát (do gió hoặc do các mảnh vụn rơi xuống).
– Hạt kim loại, thủy tinh (do vụ nổ, tai nạn với tốc độ cao, có nguy cơ gây chấn thương).

3. Triệu chứng thường gặp của dị vật giác mạc là gì?
– Cảm giác căng tức hoặc khó chịu.
– Cảm giác cộm trong mắt.
– Mắt đau nhức.
– Chảy nước mắt rất nhiều.
– Đau mắt khi nhìn vào ánh sáng.
– Nháy mắt liên tục.
– Mắt đỏ.

4. Biến chứng có thể xảy ra là gì?
– Giảm thị lực.
– Tróc biểu mô giác mạc.
– Viêm – loét giác mạc, viêm nội nhãn.
– Thủng giác mạc.
– Sẹo giác mạc.

5. Các phương pháp điều trị hiện nay?
– Khi gặp dị vật giác mạc, bệnh nhân cần băng nhẹ mắt và đến cơ sở chữa bệnh chuyên khoa gần nhất. Tuyệt đối không dụi mắt, tự ý mua thuốc về nhỏ mắt.
– Khi đến cơ sở chữa bênh, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra đánh giá thị lực. Nếu bệnh nhân không mở mắt được có thể nhỏ tê bề mặt trước, sau đó kiểm tra thị lực.
– Sau đó, bác sỹ nhãn khoa sẽ thăm khám bằng máy sinh hiển vi để tìm kiếm dị vật. Bệnh nhân ngồi trên ghế, cằm kê lên khung hỗ trợ, bác sỹ soi đèn vào mắt qua một khe nhỏ, nhìn qua kính hiển vi. Điều này giúp bác sỹ nhìn rõ giác mạc, mống mắt, thể thủy tinh và các chất lỏng bên trong mắt.
– Trong quá trình thăm khám nếu bệnh nhân kích thích khó chịu sẽ được nhỏ tê bề mặt nhãn cầu và tiến hành nhuộm huỳnh quang, soi đèn với ánh sáng xanh để tìm kiếm các vết trầy xước trên giác mạc.
– Sau khi xác định vị trí dị vật, tiến hành lấy dị vật:
+ Gây tê tại chỗ.
+ Dùng dụng cụ lấy dị vật ra ngoài, làm sạch vùng dị vật đính vào giác mạc.
+ Rửa mắt, tra thuốc mỡ kháng sinh, băng mắt.
Trong quá trình lấy dị vật cần bệnh nhân phải hợp tác tuyệt đối, ngồi yên không nhúc nhích. Nếu trẻ nhỏ không hợp tác cần kết hợp với phòng mổ gây mê để lấy dị vật ra.
Sau khi lấy dị vật bệnh nhân sẽ được băng ép. Bệnh nhân sẽ thấy cộm xốn mắt do hết thuốc tê. Trong trường hợp này bệnh nhân không cần lo lắng, uống thuốc giảm đau kèm với tra thuốc mỡ băng mắt sẽ giảm khó chịu. Sang ngày hôm sau mắt sẽ trở lại bình thường.

6. Thời gian điều trị mất bao lâu?
Tùy theo dị vật đơn giản hay phức tạp, thời gian điều trị thường kéo dài 3 – 5 ngày.

7. Cách dự phòng chăm sóc như thế nào?
– Khi nghi ngờ có dị vật trong mắt tuyệt đối không dụi mắt, rửa mắt bằng nước muối sinh lý. Nếu không đỡ phải đến ngay cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa gần nhất để được bác sỹ nhãn khoa kiểm tra.
– Sử dụng bảo hộ lao động, mang kính khi tiếp xúc với môi trường bụi bẩn.
– Đeo kính khi chay xe trên đường.
– Đeo kính bảo hộ khi hàn sắt.
– Dị vật giác mạc nếu không lấy ra sẽ để lại những biến chứng nặng nề, vì vậy không được tự ý mua thuốc điều trị.

8. Những dấu hiệu cần tái khám là gì?
– Cần tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ.
– Nếu có các triệu chứng bất thường về mắt khi nhỏ thuốc như sưng đỏ, chảy ghèn, nhức mắt… cần tái khám ngay để được bác sỹ nhãn khoa kiểm tra.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...