Điều trị và chăm sóc nhiễm trùng vết mổ

1. Nhiễm trùng vết mổ là gì?
– Nhiễm trùng vết mổ (NTVM) là tình trạng nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật, xảy ra trong vòng 30 ngày với phẫu thuật không cấy ghép hoặc 90 ngày với phẫu thuật có cấy ghép các bộ phận nhân tạo.

2. Các tác nhân gây nhiễm trùng vết mổ là gì?
Các tác nhân gây NTVM hay gặp nhất là:
+ Vi khuẩn Staphylococcus aureus (30.4%)
+ Vi khuẩn Coagulase- negative staphylococci (11.7%)
+ Vi khuẩn Escherichiacoli (9.4%)
+ Vi khuẩn Enterococcus faecalis (5.9%)

3. Nhiễm trùng vết mổ được phân loại như thế nào?
NTVM được phân loại theo mức độ sâu của vết mổ:
– Nhiễm trùng nông: nhiễm trùng liên quan đến da và mô dưới da.
– Nhiễm trùng sâu: nhiễm trùng liên quan mô mềm sâu hơn như ở cân và cơ.
– Nhiễm trùng cơ quan: nhiễm trùng ở cơ quan hoặc khoang cơ thể được mở ra trong quá trình làm thủ thuật, phẫu thuật.

Hoặc phân loại NTVM theo mức độ như sau:
– Độ 1: nhiễm trùng da và chân chỉ đỏ.
– Độ 2: nhiễm trùng mô dưới da.
– Độ 3 nhiễm trùng cân và cơ.
– Độ 4: thấy tạng và lớp phúc mạc che phủ.

4. Các yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng vết mổ là gì?
4.1. Yếu tố bệnh nhân
– BN đang mắc nhiễm trùng tại vùng phẫu thuật hoặc vị trí khác trên cơ thể.
– BN bị đa chấn thương, vết thương dập nát.
– BN mắc đái tháo đường.
– BN nghiện thuốc lá.
– BN suy giảm miễn dịch, đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.
– BN bị béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
– BN có thời gian nằm viện lâu trước khi mổ.
– BN có tình trạng bệnh càng nặng thì nguy cơ nhiễm trùng vết mổ càng cao.

4.2. Yếu tố môi trường
– Vệ sinh tay trước phẫu thuật không đủ thời gian hoặc không đúng kỹ thuật.
– Xà phòng khử khuẩn, vệ sinh vùng rạch da, cạo lông không đúng thời điểm và kỹ thuật.
– Thiết kế buồng phẫu thuật, điều kiện khu phẫu thuật không bảo đảm kiểm soát nhiễm trùng, vô khuẩn.
– Dụng cụ y tế không đảm bảo vô khuẩn.
– Nhân viên tham gia phẫu thuật không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn.

Dụng cụ y tế có vai trò đặt biệt quan trọng trong việc dự phòng nhiễm trùng vết mổ

4.3. Yếu tố phẫu thuật
– Thời gian phẫu thuật: thời gian càng dài thì nguy cơ NTVM càng cao.
– Loại vết mổ: Phẫu thuật cấp cứu, phẫu thuật nhiễm và bẩn có nguy cơ NTVM cao hơn so với các loại phẫu thuật khác.
– Thao tác: Phẫu thuật làm tổn thương, bầm dập nhiều mô tổ chức, mất máu nhiều, vi phạm nguyên tắc vô khuẩn trong phẫu thuật làm tăng nguy cơ NTVM.

4.4. Yếu tố vi sinh vật
– Mức độ ô nhiễm, độc lực và tính kháng kháng sinh của vi khuẩn càng cao, xảy ra ở bệnh nhân có sức đề kháng càng yếu thì nguy cơ mắc nhiễm trùng càng lớn.
– Sử dụng rộng rãi các kháng sinh phổ rộng ở bệnh nhân là yếu tố quan trọng làm tăng tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, qua đó làm tăng nguy cơ mắc NTVM.

5. Nhiễm trùng vết mổ được chẩn đoán như thế nào?
Dựa vào triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán NTVM với 3 mức độ: nông, sâu và cơ quan.
5.1. Nhiễm trùng nông
Nhiễm trùng xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật và chỉ xuất hiện ở vùng da hay vùng dưới da tại đường mổ. Và có các triệu chứng:
– Chảy mủ từ vết mổ nông.
– Phân lập vi khuẩn từ cấy dịch hay mô được lấy vô trùng từ vết mổ.
– Có ít nhất 1 trong những triệu chứng: sưng, nóng, đỏ, đau và cần mở bung vết mổ, trừ khi cấy dịch vết mổ âm tính.

5.2. Nhiễm trùng sâu
– Nhiễm trùng sâu xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hay 1 năm đối với đặt implant.
– Xảy ra ở mô mềm sâu (cân/cơ) của đường mổ và có ít nhất 1 trong các triệu chứng sau:
+ Chảy mủ từ vết mổ sâu nhưng không từ cơ quan hay khoang nơi phẫu thuật.
+ Vết thương hở da sâu tự nhiên hay do mở vết thương khi có ít nhất một trong các triệu chứng sốt > 38oC, sưng, nóng, đỏ, đau, trừ khi cấy dịch vết mổ âm tính.
– Áp-xe hay bằng chứng khác của nhiễm trùng qua thăm khám, phẫu thuật lại, Xquang hay giải phẫu bệnh.

5.3. Nhiễm trùng cơ quan/khoang phẫu thuật
Nhiễm trùng xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hay 1 năm đối với đặt implant, ở bất kỳ cơ quan bên trong nào của cơ thể.
– Chảy mủ từ dẫn lưu nội tạng.
– Phân lập vi khuẩn từ cấy dịch hay mô, được lấy vô khuẩn ở cơ quan hay khoang nơi phẫu thuật.
– Áp xe hay bằng chứng khác của nhiễm trùng qua thăm khám, phẫu thuật lại, Xquang hay giải phẫu bệnh.

6. Những cận lâm sàng giúp chẩn đoán nhiễm trùng vết mổ
– Siêu âm.
– Xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng cao, bạch cầu trung tính chiếm ưu thế.
– Nuôi cấy dịch tại vết mổ và làm kháng sinh đồ.
– CRP.
– Xét nghiệm chức năng gan, thận.

7. Nhiễm trùng vết mổ gây ra những biến chứng gì?
– Biến chứng tại chỗ bao gồm:
+ Vết thương chậm liền và không liền.
+ Viêm mô tế bào.
+ Hình thành áp- xe.
+ Viêm tủy xương.
– Biến chứng toàn thân:
+ Nhiễm trùng huyết do khả năng lây lan theo đường máu xa.
+ Nguy cơ tử vong.

8. Làm thế nào để điều trị nhiễm trùng vết mổ nông?
– Điều trị bằng thuốc kháng sinh không cần dẫn lưu: đối với nhiễm trùng vết thương liên quan đến viêm mô tế bào đơn độc.
– Thoát mủ (bằng loại bỏ chỉ khâu) không dùng kháng sinh đối với NTVM nông. Trong trường hợp cần thiết có thể điều trị kháng sinh đường uống trong 5-7 ngày.

9. Làm thế nào để điều trị nhiễm trùng vết mổ sâu?
9.1. Thuốc kháng sinh
– Khi nhiễm trùng lan rộng vào mô lân cận hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân.
– Sử dụng kháng sinh phối hợp đường tĩnh mạch trong 5-7 ngày.

9.2. Cắt lọc vết thương
– Cắt lọc vết thương để lấy đi các mô chết, may lại khi vết mổ đã sạch, mọc mô hạt sau khoảng 4 – 5 ngày.

9.3. Hạ sốt
– Sốt nhẹ 37,5 – 38oC: Chườm mát vùng trán, nách, bẹn; lau mát cơ thể bằng nước ấm 32- 35oC.
– Sốt cao từ 38,5oC: Dùng thêm thuốc hạ sốt.

9.4. Bù nước và điện giải
– Kiểm soát nghiêm ngặt lượng nước đưa vào và thải ra.
– Theo dõi nước tiểu để phát hiện tình trạng thiếu niệu, vô niệu, đồng thời bù đủ nước điện giải qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.

10. Tiêu chuẩn đánh giá kết quả điều trị nhiễm trùng vết mổ là gì?
– Sau 48h điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhân được theo dõi tình trạng lâm sàng, bạch cầu, CRP để xem xét sự cải thiện và điều chỉnh điều trị nếu cần thiết.
– Đánh giá điều trị được coi là có kết quả khi:
+ Thể trạng bệnh nhân tiến triển tốt: tỉnh táo, hơi thở không hôi, môi không khô, mạch huyết áp ổn định, sốt giảm dần và sau đó hết sốt.
+ Các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau giảm và hết dần
+ Vết mổ lên tổ chức hạt tốt, vết mổ liền sẹo tốt

– Thất bại điều trị khi: BN viêm mô tế bào lan rộng nhanh mặc dù được điều trị kháng sinh. Lúc này BN cần được:
+ Đánh giá khẩn cấp tìm những dấu hiệu và triệu chứng của viêm hoại tử cân.
+ Chỉ định phẫu thuật thăm dò và loại bỏ các mô hoại tử nhiễm bệnh.
+ Gởi mẫu bệnh phẩm cho khoa vi sinh.
+ Xem xét lâm sàng bằng chứng về lý do không do nhiễm trùng vết thương: dinh dưỡng kém hoặc các vấn đề phẫu thuật cơ bản (ví dụ: sự tụ mủ, rò rỉ miệng nối hoặc dị vật).

11. Những điều bạn cần biết trước, trong và sau điều trị nhiễm trùng vết mổ?
– Tuân thủ quy trình điều trị và chăm sóc.
– Uống thuốc theo toa.
– Ăn uống bồi dưỡng đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn nhiều tôm, cua, cá, thịt, rau của quả tươi, không nên kiên khem.
– Uống 2 – 3 lít nước/ ngày (kể cả sữa, canh, nước ép trái cây).
– Không dùng đồ uống có cồn, chất kích thích.
– Vận động nhẹ nhàng.
– Nghỉ ngơi, thư giãn, giữ tinh thần thoải mái.
– Tắm rửa, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
– Thay băng vết mổ hằng ngày.
– Tái khám theo hẹn hoặc tái khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như:
+ Đau bụng hoặc đau vết mổ tăng dần.
+ Đỏ hoặc sưng tấy.
+ Vết mổ trông có vẻ lớn hơn, sâu hơn.
+ Bung chỉ khâu.
+ Vùng da xung quanh phù nề, sưng đau hay ấn thấy dịch chảy ra, dịch có mùi hôi.
+ Sốt trên 38,5oC.

12. Làm thế nào để dự phòng nhiễm trùng vết mổ cho bệnh nhân?
12.1. Trước phẫu thuật

Hệ thống phòng mổ áp lực âm tại bệnh viện Gia Đình

– Tắm bằng dung dịch xà phòng khử khuẩn.
– NVYT loại bỏ lông và chuẩn bị vùng rạch da cho bệnh nhân đúng quy định.
– Cần bồi dưỡng nâng cao thể trạng trước phẫu thuật nếu bệnh nhân mổ suy dinh dưỡng nặng.
– Kiểm soát và duy trì đường huyết ở ngưỡng sinh lý (6 mmol/L trong suốt thời gian phẫu thuật cho tới 48 giờ sau phẫu thuật) và ủ ấm trong quá trình phẫu thuật.
– Phát hiện và điều trị mọi ổ nhiễm trùng trên cơ thể trước mổ nếu có thể.
– Khử khuẩn tay ngoại khoa và thường quy bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn.
– Áp dụng đúng liệu trình kháng sinh dự phòng trong vòng 30 phút trước rạch ra. Có thể cân nhắc tiêm thêm 1 liều kháng sinh dự phòng trong các trường hợp:
+ Phẫu thuật kéo dài > 4 giờ.
+ Phẫu thuật mất máu nhiều.
+ Phẫu thuật ở người bệnh béo phì.

12.2. Trong phẫu thuật
– Buồng phẫu thuật phải đảm bảo đúng chuẩn kiểm soát nhiễm khuẩn.
– Thực hiện đúng quy trình các phương tiện phòng hộ trong phẫu thuật.
– Các thành viên trực tiếp tham gia phẫu thuật phải tuân thủ quy trình vệ sinh tay ngoại khoa bằng dung dịch khử khuẩn.
– Các thành viên không tham gia phẫu thuật phải vệ sinh tay bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn thường quy trước khi vào khu vực vô khuẩn của phòng mổ.
– Hạn chế nói chuyện, hạn chế đi lại, tiếp xúc tay với bề mặt môi trường trong buồng phẫu thuật.
– Chuẩn bị vùng da phẫu thuật đúng quy trình.
– Kỹ thuật mổ:
+ Khi phẫu thuật cần thao tác nhẹ nhàng.
+ Duy trì cầm máu tốt, tránh làm đụng rập, thiểu dưỡng mô/tổ chức.
+ Cần loại bỏ hết tổ chức chết, chất ngoại lai và các khoang chết trước khi đóng vết mổ.
+ Nếu phải dẫn lưu, cần sử dụng hệ thống dẫn lưu kín, không đặt ống dẫn lưu qua vết mổ. + Trước khi đóng vết mổ phải kiểm tra và đếm kiểm dụng cụ, gạc đã sử dụng để bảo đảm không bị sót.

12.3. Sau phẫu thuật
– Băng vết mổ bằng gạc vô khuẩn liên tục từ 24 – 48 giờ sau mổ. Chỉ thay băng khi băng thấm máu/dịch, băng bị nhiễm bẩn hoặc khi mở kiểm tra vết mổ.
– Hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cách theo dõi phát hiện và thông báo ngay cho nhân viên y tế khi vết mổ có các dấu hiệu/triệu chứng bất thường.
– Cần rút dẫn lưu sớm nhất có thể.
– Theo dõi vết mổ hằng ngày.

Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất trong điều trị bệnh lý phụ khoa cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt giúp chăm sóc phục hồi sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ và sản phụ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...