Hạ Kali máu – Những điều cần biết

1. Hạ kali máu là gì ?
Hạ kali máu là rối loạn điện giải thường gặp trong lâm sàng. Ở cơ thể khoẻ mạnh, tình trạng này còn bù trừ được, nhưng hạ kali máu nặng nếu không được xử lý kịp thời thì có thể đe doạ tính mạng. Kali được đưa vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc đường truyền tĩnh mạch, phần lớn kali được dự trữ trong tế bào và sau đó được bài tiết vào nước tiểu. Do đó giảm đưa kali vào hoặc tăng vận chuyển kali vào trong tế bào hoặc hay gặp hơn là mất qua nước tiểu, qua đường tiêu hóa hoặc qua mồ hôi dẫn đến giảm nồng độ kali máu.
Kali máu bình thường 3,5-5mmo/l và hạ khi kali máu < 3,5mmol/l.

2. Nguyên nhân gây hạ kali máu?
Hạ kali máu có nhiều nguyên nhân như:
– Mất kali qua thận:
+ Đi tiểu liên tục
+ Đái tháo đường không kiểm soát.
+ Hạ magie máu, hạ clo máu, tăng calci máu.
+ Toan ống thận typ I hoặc typ II.
+ HC Fanconi, HC Bartter.
– Mất kali qua đường tiêu hóa:
+ Nôn hoặc mất do dẫn lưu qua sonde dạ dày.
+ Tiêu chảy (ỉa chảy).
+ Dẫn lưu mật, mở thông hồi tràng, sau phẫu thuật ruột non.
+ Thụt tháo hoặc dùng thuốc nhuận tràng.
– Ảnh hưởng Do thuốc:
+ Thuốc lợi tiểu thải kali (thiazid, furosemid).
+ Insulin, Glucose, Natri bicarbonat.
+ Cường Beta-adrenergic.
+ Corticoid.
+ Kháng sinh: amphotericinB, aminoglycosides, penicillin, ampicillin, rifampicin,
ticarcillin, insulin.
+ Kiềm máu.
+ Điều trị thiếu hụt vitamin B12 và acid folic.
– Lượng kali đưa vào không đủ:
+ Ăn ít, nghiện rượu, chế độ ăn kiêng.
– Thừa corticoid chuyển hóa muối nước:
+ Cường aldosterol tiên phát ( hội chứng Conn), cường aldosterol thứ phát.
+ Tăng huyết áp ác tính.
+ Hội chứng Cushing, ung thư thận, u tế bào cạnh cầu thận, uống nhiều cam thảo…

3. Chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng hạ kali máu?
3.1. Triệu chứng lâm sàng
– Cơ yếu.
– Đau cơ.
– Chuột rút.
– Bị táo bón kéo dài.
– Cơ thể người bệnh thường xuyên mệt mỏi.
– Rối loạn nhịp tim và luôn cảm thấy hồi hộp.

Hạ kali máu có thể gây rối loạn nhịp tim

3.2. Triệu chứng cận lâm sàng 
– Xét nghiệm kali máu < 3,5 mmo/l.
– Dấu hiệu hạ Kali máu trên ECG thường đa dạng, có sóng U, sóng T dẹt, ST chênh xuống, QT kéo dài, dấu hiệu nặng trên điện tim loạn nhip thất (nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh).

4. Biến chứng khi bị hạ kali máu?
– Hạ kali máu gây biến chứng nhịp chậm, giảm sức bóp cơ tim hoặc nhịp nhanh xoắn đỉnh, là một trong những nguyên nhân rối loạn nhịp dẫn đến ngừng tim.
– Cấp cứu ngừng tuần hoàn những bệnh nhân này mà không phát hiện hạ kali máu sẽ dẫn tới thất bại.
– Suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, thậm chí liệt tứ chi.
Hạ kali máu là một cấp cứu nội khoa, bệnh tiên lượng nặng có nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong nên cần phải được đưa tới bệnh viện sớm để chẩn đoán và xử trí kịp thời.

5. Phòng ngừa hạ kali máu?
– Tránh các hoạt động thể chất nặng và kéo dài. Chế độ ăn uống đủ chất, kiêng rượu bia.
– Tránh dùng các thảo dược hoặc thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng,… có thể gây ra hạ kali máu. Luôn dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ cũng như có chế độ dự phòng và theo dõi kali máu khi điều trị các thuốc này.
– Bù đủ lượng kali mất đi hàng ngày ở những bệnh nhân tiêu chảy hoặc tiểu nhiều do dùng thuốc lợi tiểu.
– Bù đủ kali đường uống với những người có nguy cơ hạ kali máu.
– Sử dụng thực phẩm và hoa quả có nồng độ kali cao như: khoai tây, chuối, cam và đào.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...