1. Chậm nói là gì?
Chậm nói là một thuật ngữ phổ thông thường được dùng để chỉ những trẻ có khả năng ngôn ngữ – lời nói – giao tiếp – nhận thức thấp hơn so với đại đa số trẻ cùng tuổi.
2. Chậm nói là biểu hiện của những bệnh lý nào?
Chậm nói là triệu chứng phổ biến giúp phát hiện các bệnh lý thường gặp như:
- Rối loạn phổ tự kỷ
- Khiếm thính
- Khe hở môi vòm miệng
- Chậm ngôn ngữ phát triển
- Rối loạn ngôn ngữ phát triển
- Chậm phát triển toàn bộ
3. Làm thế nào để phát hiện sớm trẻ bị chậm nói?
Để phát hiện sớm trẻ chậm nói, bố mẹ cần có kiến thức cơ bản để phát hiện các bất thường sớm của con thông qua bộ câu hỏi sàng lọc ASQ 3 do bộ Y tế khuyến cáo sử dụng. Tùy vào tuổi của bé để chọn mẫu phiếu phù hợp. Khi bé có dấu hiệu nghi ngờ thì bố mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng – Âm ngữ trị liệu để được chẩn đoán và can thiệp sớm.
Ngoài bộ công cụ trên, bố mẹ cũng có thể tham khảo các dấu hiệu phát hiện sớm ngắn gọn hơn TẠI ĐÂY
5 dấu hiệu cờ đỏ gồm:
– Vào khoảng 12 tháng: Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, dấu.
– Khi 16 tháng: Không biết nói từ đơn.
– Không biết đáp lại khi được gọi tên.
– Khi 24 tháng: Không tự nói được câu có hai từ.
– Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.
4. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp sớm sẽ để lại những hậu quả nào?
- Hạn chế giao tiếp thể hiện nhu cầu cơ bản
- Hạn chế tương tác xã hội
- Hạn chế sự phát triển ngôn ngữ – lời nói
- Hạn chế sự phát triển nhận thức
- Hạn chế khả năng học tập, tư duy
- Hạn chế sự phát triển toàn diện của trẻ
- Hạn chế sự tham gia các hoạt động trong gia đình, ở trường lớp và ngoài xã hội
- Trẻ có xu hướng phát triển các hành vi không phù hợp để thể hiện nhu cầu: ăn vạ, cắn, đánh người khác,…
Sự can thiệp sẽ kém hiệu quả, gây tốn thời gian và tiền bạc cho gia đình, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của gia đình, cơ quan tổ chức và xã hội nếu được phát hiện muộn.
5. Chậm nói ở trẻ có phòng ngừa được không?
Hiện nay, chưa tìm được nguyên nhân cụ thể gây ra các bệnh lý liên quan đến triệu chứng chậm nói ở trẻ đều nên việc phòng ngừa trở nên khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta có thể ngăn ngừa được diễn biến nặng của trẻ bằng các cách sau:
– Dành thời gian tương tác với trẻ phù hợp theo từng độ tuổi trong tất cả các hoạt động sống của trẻ như ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, chơi đùa và học tập.
– Khi tương tác với trẻ, gọi tên những thứ trẻ đang quan tâm, chú ý bằng những từ ngữ đơn giản và dễ hiểu.
– Làm mẫu – làm gương về lời nói, hành động mà bố mẹ muốn trẻ thực hiện thay vì chỉ bắt trẻ làm.
– Hạn chế xem Tivi – Điện thoại. Thời gian xem Tivi – Điện thoại tối đa 30 phút/ngày và mỗi lần xem không quá 10 phút, khi xem cần có sự tương tác qua lại giữa phụ huynh với trẻ.
– Hạn chế để trẻ chơi một mình.
– Tách việc xem Tivi – Điện thoại ra khỏi bữa ăn của trẻ.
– Cho trẻ ăn cùng gia đình càng sớm càng tốt giúp trẻ tăng cường giao tiếp và tương tác với những người trong gia đình.
– Bố mẹ nắm được các mốc phát triển của trẻ để phát hiện sớm các bất thường của con và cho con đi khám sớm để can thiệp kịp thời.
6. Các biện pháp điều trị cho trẻ chậm nói?
Chậm nói là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau và mỗi một bệnh lý sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau:
– Trẻ chậm nói do khiếm thính thì cần được đo thính lực và cần có phương pháp hỗ trợ thính giác phù hợp trước khi can thiệp phát triển thính lực lời, ngôn ngữ và nhận thức cho trẻ. Trường hợp gia đình không có điều kiện mua máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử theo chỉ định của bác sĩ thì cho trẻ học ngôn ngữ ký hiệu hoặc các phương pháp giao tiếp tăng cường và thay thế khác (AAC) để trẻ có thể giao tiếp được.
– Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ hạn chế nhiều về giao tiếp và tương tác xã hội kèm các rối loạn giác quan hoặc sự gắn bó quá mức với các sở thích, tính rập khuôn trong lời nói và hành động. Dẫn đến việc trẻ khó khăn trong học tập, tương tác với môi trường xung quanh và phát triển. Vì vậy việc kết hợp giữa giáo dục đặc biệt, âm ngữ trị liệu của gia đình cùng với y tế giáo dục và cộng động là điều cần thiết để hỗ trợ trẻ.
– Trẻ chậm ngôn ngữ phát triển thì can thiệp âm ngữ trị liệu kết hợp với can thiệp tại gia đình và trường mẫu giáo để hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện.
– Trẻ khe hở môi vòm miệng thì cần kết hợp phẫu thuật vá môi – vòm và can thiệp âm ngữ trị liệu sau phẫu thuật kết hợp với gia đình và nhà trường trong việc hoàn thiện ngôn ngữ – lời nói cho trẻ.
ThS. BS. Nguyễn Thị Hoài Vũ
Phòng khám Âm ngữ trị liệu
Đv. Đông y – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình