1. Loét áp-tơ tái phát là gì?
– Loét áp-tơ tái phát (Recurrent Aphthous Ulcers – RAU) là tổn thương loét phổ biến nhất được tìm thấy trong khoang miệng. Loét áp-tơ đặc trưng bởi sự xuất hiện của các tổn thương loét đơn lẻ hoặc nhiều vết loét ở niêm mạc miệng.
Loét áp tơ
2. Nguyên nhân của loét áp-tơ là gì?
Chưa rõ nguyên nhân của bệnh một cách chính xác. rõ ràng vì có nhiều yếu tố liên quan đến phát sinh bệnh, như:
– Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong bệnh Loét áp-tơ tái phát. Khoảng 40% bệnh nhân có tiền sử trong gia đình bị loét áp tơ. Những người này thường khởi phát bệnh sớm hơn và mức độ bệnh nặng hơn. Có mối liên quan giữa các kháng nguyên bạch cầu người (HLA) với bệnh. Ở những người loét áp tơ có sự tăng tần suất các kháng nguyên HLA loại A2, A11, B12 và DR2. Mối liên quan này thay đổi theo nguồn gốc dân tộc và chủng tộc.
– Chấn thương cơ học: Các sang chấn của niêm mạc miệng do các yếu tố cơ học như: tiêm tê, răng sắc nhọn, bàn chải chải răng thô ráp hoặc các can thiệp nha khoa có thể gây khởi phát loét áp tơ.
– Sự căng thẳng tinh thần từng được xem yếu tố căn nguyên của loét áp tơ. Gián tiếp gây bệnh thông qua các hành động làm sang chấn mô mềm như cắn môi, cắn má. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy không có mối tương quan giữa mức độ căng thẳng với độ nặng của loét áp tơ. Vì vậy, căng thẳng tâm lý đóng vai trò làm vượng bệnh hơn là yếu tố căn nguyên trên những cá thể đã có sẵn cơ địa loét áp tơ.
– Nhiễm virus: Herpes simplex virus (HSV), human herpesvirus (HHV), varicella-zoster virus (VZV), cytomegalovirus (CMV), Streptococcus sanguis, Helicobacter pylori,…
– Nhiễm khuẩn: Do mất cân bằng sinh học của tạp khuẩn trong miệng bao gồm: các vi khuẩn ái khí, kỵ khí và nấm cộng sinh.
– Yếu tố nội tiết: Thể hiện khá rõ ở phụ nữ dễ bị áp-tơ trong thời kỳ sau sinh, thời kỳ mãn kinh hoặc trong khi mang thai.
– Các yếu tố tâm lý và xúc cảm: Stress được xem như một yếu tố thuận lợi cho bệnh.
– Các yếu tố thực phẩm liên quan đến bệnh áp-tơ như: gia vị (tiêu, ớt,…), trái cây chua (giấm, chanh,…) làm tăng độ pH nước bọt, làm thuận lợi cho sự tăng sinh của các vi sinh vật ưa axit trong miệng.
– Vitamin: Người ta thấy những người bị áp-tơ miệng luôn luôn bị thiếu sắt và thiếu sinh tố B12.
3. Phân loại loét áp tơ như thế nào?
Áp – tơ niêm mạc miệng được chia làm 3 dạng lâm sàng:
– Áp-tơ niêm mạc miệng thể nhỏ (RAU minor).
– Áp-tơ niêm mạc miệng thể lớn (RAU major).
– Áp-tơ niêm mạc miệng dạng herpes (Herpetiform RAU).
4. Biểu hiện lâm sàng của loét áp-tơ là gì?
4.1. Triệu chứng ban đầu
– Ban đầu là những sẩn, dát đỏ, nhỏ, đau. Sau đó là những vết loét, phủ giả mạc màu vàng (fibrin), bờ viêm đỏ, rõ. Kích thước, số lượng tuỳ theo từng thể.
– Loét áp-tơ tái phát major khi lành có thể để lại sẹo gây co kéo.
4.2. Vị trí
– Ở niêm mạc miệng phía trong môi, trong má, gần nướu răng, hầu.
4.3. Triệu chứng cơ năng
– Đau, ăn uống kém.
4.4. Triệu chứng toàn thân
– Hạch góc hàm sưng đau, bệnh Behcet, HIV.
4.5. Tiến triển của bệnh
Bệnh tiến triển qua 4 giai đoạn:
– Giai đoạn khởi phát: 24 giờ đầu, bệnh nhân có cảm giác nóng rát ở vùng niêm mạc sẽ bị loét, ở giai đoạn này thường khó nhìn thấy trên lâm sàng chủ yếu dựa vào cảm nhận của bệnh nhân.
– Giai đoạn trước loét: Từ 18 giờ đến 3 ngày, xuất hiện một vết ban nhỏ có màu đỏ hoặc xuất hiện một nốt sần có giả mạc ở giữa màu vàng, có quầng đỏ bao quanh. Tổn thương này có thể tự khỏi sau 2 – 3 ngày.
– Giai đoạn loét: Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6. Tổn thương lúc này rộng ra, màng hoại tử tróc ra để lại một vết loét hình tròn có đường kính 2 – 10mm đáy trũng, bờ rõ rệt, có viền đỏ bao quanh và tiết dịch nhầy ở giữa.
– Giai đoạn lành bệnh: Đau giảm dần sau 5 – 7 ngày. Viêm và quầng đỏ biến dần. Đáy vết loét trở lại màu hồng, biểu mô mọc trở lại, vết loét lành không để lại sẹo.
5. Biến chứng nếu không điều trị là gì?
– Vết loét lan rộng gây đau, rát kéo dài.
– Không ăn uống được suy nhược cơ thể.
– Càng đau càng stress khiến bệnh nặng thêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và chất lượng cuộc sống.
6. Những trường hợp nào chống chỉ định điều trị loét áp tơ bằng liệu pháp laser?
6.1. Chống chỉ định tương đối
– Bệnh nhân đang có sốt, mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính.
– Bệnh nhân suy kiệt.
– Bệnh nhân mắc các bệnh giai đoạn cuối (suy tim, suy gan, suy thận).
– Bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân mắc bệnh tim, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ cần thận trọng khi sử dụng.
6.2. Chống chỉ định tuyệt đối
– Bệnh nhân có máy tạo nhịp tim.
– Bác sỹ có máy tạo nhịp tim.
7. Điều trị loét áp-tơ tái phát bằng liệu pháp laser công suất thấp trong nha khoa tại bệnh viện Gia Đình như thế nào?
7.1. Mục tiêu điều trị
– Các mục tiêu chính của điều trị Loét áp-tơ tái phát là giảm đau, giảm thời gian loét và phục hồi chức năng miệng bình thường.
– Các mục tiêu phụ bao gồm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt tái phát và duy trì sự thuyên giảm. Do đó, có ba loại phác đồ liệu pháp laser công suất thấp (low level laser therapy)
7.2. Phác đồ điều trị
7.2.1. Giảm đau
– Khi tổn thương bắt đầu từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 lúc này triệu chứng chính là đau dữ dội. Liệu pháp laser công suất thấp là liệu pháp duy nhất có khả năng thúc đẩy giảm đau tức thì mà không có tác dụng phụ.
– Ngoài ra, khi thực hiện thủ thuật tại thời điểm này, thời gian của chu kỳ loét áp-tơ tái phát cũng sẽ giảm xuống.
– Phác đồ điều trị là chiếu tia laser hồng ngoại hàng ngày cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
7.2.2. Tăng tốc độ lành thương
– Sau khi giảm đau, thủ thuật cũng có thể được thực hiện để đẩy nhanh quá trình chữa lành vết loét.
– Phác đồ điều trị là chiếu tia laser đỏ hàng ngày cho đến khi lành thương hoàn toàn.
7.2.3. Phòng ngừa loét áp-tơ tái phát
– Liệu pháp laser công suất thấp cũng có thể được sử dụng khi bệnh nhân không có biểu hiện Loét áp-tơ tái phát. Thủ thuật sẽ kích thích hệ thống miễn dịch và tăng sức đề kháng của niêm mạc đối với sự hình thành vết loét.
– Phác đồ điều trị là chiếu tia hồng ngoại hoặc tia laser đỏ hàng tuần trong 10 tuần ở tất cả các vùng có tỷ lệ biểu hiện Loét áp-tơ tái phát cao (bệnh nhân nên được yêu cầu chỉ ra các vùng có biểu hiện nghiêm trọng hơn).
7.2.4. Điều trị tại chỗ và toàn thân khác
Ngoài ra chúng ta cần phải kết họp với các phương pháp điều trị tại chỗ và toàn thân khác để tăng hiệu quả lành thương.
a) Điều trị tại chỗ
– Làm sạch răng và mô lợi.
– Bôi vaselin, VNP nhiệt miệng để che chở vết loét đỡ cọ xát.
– Sử dụng các nước súc miệng có chứa clohexidine hoặc nước muối sinh lý hằng ngày.
– Thuốc bôi tê, corticoid.
b) Điều trị toàn thân
– Kháng viêm, kháng sinh.
– Bổ sung sinh tố.
8. Những điều cần lưu ý trước khi điều trị là gì?
8.1. Cung cấp thông tin, tiền sử y khoa
– Tiền sử bản thân: Đã có nằm viện dài ngày hay phẫu thuật chưa, khi nào.
– Bệnh lý toàn thân: Cao huyết áp, tiểu đường, hen xuyễn, bệnh lý về máu, tim mạch, xạ trị,…
– Tiền sử dị ứng: Thuốc, thức ăn,…
– Tiền sử gia đình: Cha mẹ, anh chị em ruột.
– Thông tin khác: Đã ăn cách đây bao lâu, có đói bụng không.
– Đối với bệnh nhân nhỏ tuổi hay người lớn tuổi cần có người nhà đi cùng.
8.2. Thông tin về các xét nghiệm và chi phí điều trị
– Bệnh nhân sẽ được thông báo về các xét nghiệm cần thực hiện (nếu có), chi phí và quyền lợi điều trị.
– Sau khi được bác sỹ, điều dưỡng tư vấn đầy đủ thông tin, bệnh nhân sẽ tiến hành tạm ứng.
– Bệnh nhân được hướng dẫn thực hiện các cận lâm sàng: chụp phim X quang, làm các xét nghiệm khác (trong trường hợp cần thiết).
8.3. Thông báo về các yếu tố nguy cơ
– Bệnh nhân được thông báo về các yếu tố nguy cơ, tai biến, biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi kết thúc thủ thuật.
– Bệnh nhân ký giấy cam kết sau khi đã nắm rõ các thông tin.
9. Những điều cần biết trong điều trị là gì?
– Bệnh nhân cần biết trước các công việc sẽ thực hiện, để chuẩn bị tâm lý tốt.
– Cần tuân thủ theo y lệnh của bác sỹ, hợp tác tốt trong quá trình thực hiện thủ thuật để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
– Trong quá trình thực hiện sẽ không đau, có thể cảm thấy hơi nóng.
– Bệnh nhân cần thả lỏng, hít thở đều bằng mũi, không nín thở, không thở miệng.
– Trong khi thực hiện thủ thuật phải đeo kính phòng hộ.
– Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ được theo dõi liên tục tình trạng sức khoẻ thông qua: mạch, nhiệt độ, huyết áp,…
10. Những điều cần biết sau khi thực hiện thủ thuật là gì?
– Giữ vệ sinh cá nhân thường xuyên, vệ sinh răng miệng, họng; súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch kháng khuẩn.
– Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng.
– Ăn uống, khoa học, đều đặn và đầy đủ dưỡng chất, bổ sung nhiều vitamin, ăn nhiều ảu xanh, hạn chế đồ ăn cay nóng,…
– Thường xuyên tâp luyện thể thao để nâng cao sức khoẻ và sức chịu đựng.
– Khi có biểu hiện bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị thích hợp. Tuyệt đối không để bệnh kéo dài hoặc tự ý điều trị theo kinh nghiệm dân gian hoặc cá nhân.
– Tái khám điều trị theo lịch hẹn với bác sỹ.
Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
- Tổng Đài: 19002250
- Fanpage: Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ Family
- Zalo: Family Hospital