1. Máy Piezotome là gì?
– Máy Piezotome là máy tích hợp nhiều chế độ được dùng cho phẫu thuật xương chuyên sâu, ứng dụng trong việc mở xương, tạo hình xương, nâng xoang cũng như được sử dụng trong điều trị nội nha, nha chu.
– Nguyên lý hoạt động:
+ Piezotome là một dụng cụ cắt bằng năng lượng rung siêu âm ở tần số cao thay vì dùng lực ma sát gây ra do chuyển động xoay của mũi khoan. Nguyên lý hoạt động của Piezotome là sử dụng các đầu mũi khoan chuyên dụng, rất mỏng (khoảng từ 0,2 – 0,5mm), mũi khoan rung theo sóng siêu âm với các tần số và biên độ khác nhau, đồng thời rung liên tục.
+ Piezotome kết hợp thêm hệ thống bơm nhu động trong tay cầm, hệ thống này phun nước để làm mát các mũi cắt, giúp chúng không rơi vào tình trạng quá nóng và giảm bớt nguy cơ hoại tử tế bào xương khi làm phẫu thuật.
2. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp điều trị bằng Piezotome trong nha khoa là gì?
2.1. Ưu điểm
Piezotome có thể giảm được rất nhiều các vấn đề như: đau, sưng, tê bì
– Giảm cảm giác đau: Tác động sóng siêu âm của Piezotome giúp bóc tách mô, nướu khỏi chân răng một cách nhẹ nhàng nhất.
– An toàn:
+ Cắt xương ở vị trí chính xác, có chọn lọc, tránh tổn thương gây ra do nhiệt, rất ít làm tổn thương cấu trúc mô mềm xung quanh, giảm chảy máu trong quá trình phẫu thuật.
+ Công nghệ nhổ răng siêu âm Piezotome xác định chính xác vị trí răng cần nhổ, định hình được chính xác cấu trúc xương hàm để giúp cho việc nhổ răng an toàn, hầu như không tác động vào dây thần kinh, mạch máu quanh vùng chân răng.
+ Giảm tê bì môi má sau khi nhổ: Đối với những ca phẫu thuật răng khôn hàm dưới khó, ống thần kinh răng dưới nằm sát chân răng khôn, việc lên kế hoạch phẫu thuật răng khôn và cắt xương bằng máy phẫu thuật siêu âm làm giảm tối đa nguy cơ tổn thương thần kinh và mạch máu. Tuy nhiên nó chỉ giúp làm giảm chứ không hoàn toàn biến mất được nguy cơ này do việc tổn thương dây thần kinh còn do nhiều nguyên nhân khác.
+ Khả năng cắt xương mỏng của máy phẫu thuật siêu âm ít làm tổn thương các mô xương nên ít nguy cơ biến chứng trong và sau phẫu thuật cho bệnh nhân.
– Nhanh lành thương:
+ Piezotome làm giảm lượng sưng nề, khít hàm sau 24h phẫu thuật.
+ Kiểm soát quá trình viêm tốt hơn, quá trình liền thương diễn ra nhanh hơn.
– Tâm lý: Bệnh nhân cảm thấy giảm căng thẳng, sợ hãi vì sự rung động của đầu cắt siêu âm tạo ra ít tiếng ồn, ít làm tổn thương hơn so với sử dụng bẩy và tay khoan siêu tốc.
– Sử dụng công nghệ Piezotome có thể giảm được rất nhiều các vấn đề như đau, sưng, tê bì. Tuy nhiên nó chỉ giảm chứ không phải hoàn toàn hết đau, sưng. Chính vì vậy bệnh nhân cần phải chuẩn bị tốt để có các biện pháp hỗ trợ sau khi phẫu thuật hay nhổ răng như uống thuốc, chườm đá, chú ý chế độ ăn uống,…
2.2. Nhược điểm
– Do những lợi ích tuyệt vời mà Piezotome mang lại vì thế phương pháp điều trị này có chi phí cao hơn so với phương pháp truyền thống.
– Không khuyến cáo ở bệnh nhân có máy tạo nhịp tim.
3. Ứng dụng của phương pháp điều trị bằng Piezotome trong nha khoa là gì?
Ứng dụng Piezotome mang lại nhiều lợi ích trong điều trị cho bệnh nhân
– Trong nha khoa tổng quát:
+ Chia cắt chân răng trong nhổ răng.
+ Chia đôi thân răng, cắt chân răng viêm.
+ Phẫu thuật nha chu, mài chỉnh xương trong thủ thuật làm dài thân răng.
+ Cắt chóp trong điều trị nội nha.
– Trong cấy ghép nha khoa:
+ Piezotome giảm nguy cơ hoại tử xương và tổn thương mô mềm liền kề. Hiệu quả cắt xương đạt yêu cầu với các thiết bị hiện đại vì sức mạnh rung động được nâng cao.
+ Chuẩn bị vị trí xương cắm implant.
+ Tách và mở rộng xương ổ răng.
+ Tạo hình mào xương ổ răng.
+ Cắt xương chọn lọc trong thủ thuật tái định vị vị trí dây thần kinh.
– Trong phẫu thuật ghép xương xoang hàm trên:
+ Giảm nguy cơ thủng xoang.
+ Chuẩn bị cửa sổ xương với phương pháp tiếp cận bên.
+ Bóc tách niêm mạc xoang tổn thương.
+ Nâng nền xoang hàm trên.
– Trong phẫu thuật xương hàm mặt: Cắt lấy xương ghép tự nhiên chính xác, gọn gàng.
– Phẫu thuật chỉnh hình: So sánh với các phương pháp truyền thống cho thấy sử dụng Piezotome không làm thay đổi thời gian phẫu thuật nhưng làm giảm lượng máu mất trong quá trình phẫu thuật.
– Loại bỏ tổn thương dạng nang và u:
+ Piezotome cho phép loại bỏ cẩn thận màng xương mỏng bao phủ nang và xử lý nang mà không làm rách thành biểu mô.
+ Bảo vệ các cấu trúc thần kinh quan trọng khi các khối u gần với các cấu trúc này.
4. Ứng dụng của phương pháp điều trị bằng Piezotome trong nha khoa tại bệnh viện Gia Đình?
Một trong những ứng dụng của Piezotome là phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới
– Hiện tại Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ, bệnh viện Gia Đình đã và đang sử dụng Piezotome trong phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới.
– Quy trình nhổ răng bằng máy nhổ răng không sang chấn tương tự như các bước nhổ răng thông thường, trong đó Piezotome thay thế tay khoan thẳng hay gập góc khi mở xương và chia cắt răng:
– Bước 1: Sát khuẩn.
– Bước 2: Vô cảm: gây tê vùng và gây tê tại chỗ.
– Bước 3: Phẫu thuật lấy răng mọc ngầm:
+ Lật vạt bộc lộ vùng răng ngầm.
+ Mở xương.
+ Tách răng và mô xung quanh, chia cắt răng.
+ Sử dụng bẩy lấy răng đã được chia cắt ra.
+ Bơm rửa sạch vết thương, lấy sạch mảnh vụn và khâu đóng.
Ứng dụng Piezotome trong phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới hạn chế sang thương, giảm lượng máu mất, đạt kết quả lành thương tốt mang lại hiệu quả cao trong điều trị cho bệnh nhân.
Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Berkay T Suer. (2013). Piezoelectric surgery in oral and maxillofacial surgery. Annals of Oral and Maxillofacial Surgery, 1(1).
2. Gupta SJ, Gupta A, Gautam V. (2015). Stipulative interdisciplinary approach of piezosurgery in modern dentistry. J Pharm Bio med Sci, 5.
3. Nalbandian S. (2011). Piezosurgery techniques in Implant Dentistry. Aust Dent Pract.
4. Mouraret S, Houschyar KS, Hunter DJ, Smith AA, Jew OS, Girod S, Helms JA. (2014). Cell viability after osteotomy and bone harvesting: comparison of piezoelectric surgery and conventional bur. Int J Oral MaxFacSurg, 43(8).
5. Pappalardo S, Guarnieri R. (2014). Randomized clinical study comparing piezosurgery and conventional rotatory surgery in mandibular cyst enucleation. J CranioMaxFac Surg, 42(5).
6. Troedhan Angelo. (2016). Is Piezoelectric Surgery the New Gold-Standard in Oral Surgery and Implantology? A Scientific Literature Review. Smile Dental Journal, 11(4).
7. Reside J, Everett E, Padilla R, Arce R, Miguez P, Brodala N, Nares S. (2015). In vivo assessment of bone healing following piezotome® ultrasonic instrumentation. ClinImpl Dent Rel Res, 17(2).
8. Vyas N, Pecheva E. (2016). High Speed Imaging of Cavitation around Dental Ultrasonic Scaler Tips. PloS one, 11(3).
9. Horia Mihail Barbu, Adi Lorean. (2013). Inferior Alveolar Nerve Transposition and Reposition for Dental Implant Placement. Oral & Maxillofacial Surgery, 42.