Mẹ có bệnh thận và thai kỳ

1. Những thay đổi của hệ tiết niệu khi mang thai
– Kích thước thận tăng lên nhẹ khi mang thai
– Đài bể thận giãn nhẹ
– Lưu lượng máu qua thận và mức lọc cầu thận tăng lên 50% ở phụ nữ mang thai do đó nồng độ creatinin máu giảm so với giá trị bình thường
– Sự bài tiết protein qua nước tiểu tăng lên

2. Làm thế nào nếu mắc bệnh thận trong thời gian mang thai
– Nếu đang mắc bệnh thận như hội chứng thận hư nguyên phát, suy thận mạn, viêm cầu thận, bạn nên được gặp bác sỹ chuyên khoa giúp tối ưu hóa sức khỏe khi có dự định mang thai.
– Bệnh lý thận trong thai kỳ có liên quan đến việc tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho thai như: tiền sản giật, sinh non, sẩy thai, nhiễm trùng, tăng huyết áp,….
– Đối với bệnh thận giai đoạn cuối, những tiến bộ trong điều trị lọc máu đã làm tăng tuổi thọ của bệnh nhân suy thận, cải thiện kết quả thai kỳ và tăng khả năng sinh sản.
– Đối với bệnh nhân ghép thận, người phụ nữ nên đợi một đến hai năm sau khi ghép để mang thai. Bệnh nhân có thể cân nhắc mang thai một cách an toàn khi nguy cơ thải ghép được coi là thấp và chức năng thận ổn định.
– Nhiễm khuẩn đường niệu có thể gặp ở phụ nữ mang thai do trương lực giảm và giãn đường tiết niệu, những biểu hiện thường gặp: đau hạ vị, tiểu buốt rát, đau hông, sốt,… Bác sỹ sẽ đánh giá mức độ nặng nhiễm khuẩn của thai phụ để quyết định điều trị phù hợp.
– Tiền sản giật: Tăng huyết áp khi mang thai có liên quan đến việc giảm chức năng thận và có thể dẫn đến sinh non. Lượng protein trong nước tiểu có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật, vì vậy đây là một xét nghiệm được làm thường quy trong thai kỳ.
– Tổn thương thận cấp có thể gặp trong giai đoạn đầu (ví dụ do nôn nghén quá độ), giai đoạn sau (ví dụ do tiền sản giật, hội chứng HELLP,…) hoặc giai đoạn sau sinh (băng huyết sau sinh, sót nhau,..)
Điều trị bệnh lý thận ở thai kỳ cần được tư vấn về điều trị thuốc và chế độ dinh dưỡng, cần sự phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa Sản và chuyên khoa Nội thận. Mẹ đừng ngần ngại chia sẻ về tình trạng sức khỏe của mình với bác sỹ FAMILY để được tư vấn và giải đáp nhé.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...