1. Mổ lấy thai là gì?
– Mổ lấy thai (MLT) là phẫu thuật nhằm lấy thai nhi, nhau thai và màng ối ra khỏi ổ bụng bằng một vết mổ qua thành bụng và thành tử cung còn nguyên vẹn. MLT có hai phương pháp là mổ ngang và mổ dọc.
– Phương pháp mổ ngang: vết mổ dài từ 10 – 12cm, nằm trên xương vệ.
– Phương pháp mổ dọc: vết mổ được xác định từ vị trí dưới rốn đến vùng xương mu (chạy dọc theo đường trắng giữa dưới rốn). Đường mổ dài đi qua các lớp da, mỡ, cơ bụng đến tử cung.
– Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm nhược điểm riêng, hiện nay hầu hết các trường hợp MLT đều được thực hiện theo phương pháp mổ ngang do vết mổ ngang nhanh lành, có tính thẩm mỹ và ít biến chứng hơn so với vết mổ dọc.
– Tuy nhiên việc lựa chọn phương pháp nào sẽ do bác sĩ thực hiện ca mổ lựa chọn dựa trên tình hình thực tại của cả hai mẹ con để đạt được mục tiêu cuối cùng là đưa thai nhi ra khỏi ổ bụng một cách an toàn mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, đồng thời hạn chế tối đa các biến chứng trong và sau mổ.
2. Phương pháp kết thúc thai kỳ của vết mổ cũ lần 3 trở lên hoặc vết mổ cũ dọc thân tử cung là gì?
– Sản phụ đã mổ lấy thai theo đường ngang trên vệ trước đó nhiều lần có nguy cơ tăng vỡ tử cung cao hơn so với bệnh nhân có vết mổ cũ 1 lần. Chính vì vậy, đối với những bệnh nhân có vết mổ cũ từ lần thứ 3 trở lên nên mổ lấy thai lặp lại chủ động tuần thai 38 tuần 0 ngày đến 38 tuần 6 ngày để giảm nguy cơ vỡ tử cung. Đây cũng là khoảng thời gian tối ưu để cân bằng giữa nguy cơ của mẹ và trẻ sơ sinh.
– Bệnh nhân có vết mổ cũ dọc thân tử cung trước đó nên được mổ lấy thai lặp lại chủ động vào tuần thứ 39 của thai kỳ (39 tuần 0 ngày đến 39 tuần 6 ngày). Tuy nhiên, nếu bác sĩ xem xét tường trình phẫu thuật, hồ sơ sức khỏe hoặc bối cảnh lâm sàng của lần sinh trước cho thấy vết rạch dọc thấp có liên quan đến phần cơ dày phía trên của thân tử cung thì việc mổ lấy thai sẽ thực hiện ở thời điểm 37 tuần 0 ngày đến 37 tuần 6 ngày.
3. Các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình mổ lấy thai?
Các bằng chứng khoa học hiện tại đều chứng minh rằng phụ nữ trải qua càng nhiều lần mổ lấy thai càng có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn và nguy cơ này tăng theo số lần MLT.
Các nguy cơ đó bao gồm:
– Nhau tiền đạo và nhau bám chặt:
+ Tỷ lệ xảy ra nhau tiền đạo là 10/1000 ca sinh ở những bệnh nhân có VMC 1 lần và 28/1000 ở những bệnh nhân có VMC ≥ 3 lần.
+ Ở những bệnh nhân có nhau tiền đạo được MLT lặp lại, tỷ lệ xảy ra nhau cài răng lược là 3,3 – 4,0% ở những sản phụ không có tiền sử MLT và 50 – 67% ở những sản phụ đã có ≥ 4 lần MLT.
– Chảy máu, truyền máu và cắt tử cung.
– Nhau bong non.
– Biến chứng do vết mổ cũ dính: tăng độ khó và thời gian của cuộc mổ, nguy cơ tổn thương ruột và bàng quang, tắc ruột, biến dạng vòi trứng dẫn đến vô sinh. Dính trong phẫu thuật chiếm tỉ lệ ở 7% trong tất cả các ca MLT lần đầu và 68% trong tất cả các ca MLT lần thứ ba
– Thai bám ở sẹo mổ cũ.
– Lạc nội mạc tử cung ở vết mổ cũ.
4. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh mổ
4.1. Thực phẩm nên ăn
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất rất quan trọng trong việc phục hồi của mẹ và dinh dưỡng cho con
– Thực phẩm giàu protein:
+ Thực phẩm giàu protein hỗ trợ sự phát triển của các mô tế bào mới, giúp đỡ trong quá trình sửa chữa mô và duy trì sức mạnh cơ bắp sau phẫu thuật.
+ Bạn có thể ăn cá, trứng, thịt, thực phẩm từ sữa, đậu hà lan, các loại hạt,…
– Thực phẩm giàu canxi: Sữa, sữa chua, phô mai, đậu phụ, cải xoăn, rau bina,…
– Thực phẩm giàu sắt: Lòng đỏ trứng gà, thịt đỏ, hàu, các loại hạt, rau lá xanh đậm, bí đỏ,…
– Thực phẩm giàu vitamin C: ớt chuông, ổi, kiwi, cam, dâu tây, đu đủ chín, bông cải xanh,…
– Thực phẩm giàu vitamin E: mầm lúa mì, hạnh nhân, lạc, dầu thực vật, rau bina, bông cải xanh,…
– Thực phẩm có chứa nhiều kẽm kích thích hình thành collagen và tổng hợp protein như đậu, các loại hạt, phô mai,…
– Nước: 2 – 2.5 lít nước/ngày
– Nên sử dụng thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu, nên đảm bảo chất lượng và vệ sinh, tươi sạch và nấu chín kỹ càng.
4.2. Thực phẩm nên tránh
– Thực phẩm gây đầy hơi: các loại thực phẩm lên men như dưa muối, cải muối, bắp cải, súp lơ, thức ăn ngọt,…
– Các loại quả chua như khế, me, có, xoài,…
– Gia vị mạnh như ớt, tiêu,…
– Các món chiên xào, dầu mỡ
– Các sản phẩm chứa chất kích thích như cà phê, thuốc lá, bia rượu, nước tăng lực, nước ngọt,…
Tài liệu tham khảo:
1. Cook JR, Jarvis S, Knight M, Dhanjal MK. Multiple repeat caesarean section in the UK: incidence and consequences to mother and child. A national, prospective, cohort study. BJOG 2013; 120:85.
2. Marshall NE, Fu R, Guise JM. Impact of multiple cesarean deliveries on maternal morbidity: A systematic review. Am J Obstet Gynecol 2011; 205:262.e1.
3. Oliver EA, Rood KM, Daveri V, Berghella V. Risk of uterine rupture in women with three or more prior cesarean sections. Abstract, SMFM 40th Annual Meeting, Grapevine, Texas, February 2020.
4. Rossouw JN, Hall D, Harvey J. Time between skin incision and delivery during cesarean. Int J Gynaecol Obstet 2013; 121:82.
5. Shinar S, Walsh L, Roberts N, et al. Timing of cesarean delivery in women with ≥2 previous cesarean deliveries. Am J Obstet Gynecol 2022;226:110.e1-10.
6. https://www.momjunction.com/articles/diet-tips-for-mothers-after-a-cesarean-delivery_00355929/
7. Health Benefits of Ghee; ECPI University
8. Calcium; National Institute of Health; US Department of Health and Human Services
9. Iron; National Institutes of Health; US Department of Health and Human Services