Nhu cầu khoáng chất và vitamin trong thai kỳ

1. Nhu cầu chất khoáng
1.1. Canxi
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia cấu tạo khung xương cho thai nhi và đảm bảo cho nhu cầu canxi cho người mẹ. Khi có thai, nhu cầu canxi sẽ tăng lên khoảng 1200mg/ ngày, cao hơn khi chưa mang thai (800mg/ngày).
Thai phụ thiếu canxi có thể dẫn đến mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, tê chân, đau lưng, đau khớp, chuột rút. Đối với thai, thiếu canxi sẽ gây suy dinh dưỡng bào thai,… Nếu không được cung cấp đủ lượng canxi mỗi ngày thì bào thai sẽ lấy lượng canxi thiếu từ chính xương của cơ thể mẹ từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của mẹ. Vì thế bổ sung canxi đủ và đúng liều khi mang thai là hết sức cần thiết.

Một số thực phẩm chứa canxi có thể kể đến như:
● Sữa là nguồn cung cấp canxi tốt nhất, hàm lượng tương đối nhiều (100- 120mg canxi/100ml sữa nước pha chuẩn) và tỷ lệ hấp thu cao.
● Các thức ăn hải sản như tôm, cua, ngao, sò và trứng có hàm lượng canxi cũng khá phong phú.
● Trong các loại rau xanh và các loại đậu đỗ cũng là nguồn canxi. Vì vậy, việc ăn uống đầy đủ với thức ăn đa dạng, nhiều rau, củ, quả, không quá kiêng khem là điều cần thiết, kết hợp viên uống bổ sung canxi để tránh tình trạng thiếu can xi cho cả mẹ và thai nhi.

1.2. Sắt
Sắt tham gia trong quá trình tạo máu, tình trạng thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu ở người mẹ ảnh hưởng đến mức tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai cũng như cân nặng của trẻ, làm tăng nguy cơ bị biến chứng sản khoa.
Sắt có nhiều trong thịt màu đỏ, trứng, trong đậu đỗ các loại, vừng lạc và các rau củ màu xanh đậm. Tuy nhiên, sắt do các thức ăn động vật cung cấp sẽ dễ hấp thu hơn nguồn sắt từ các thức ăn thực vật.
Thực tế, phụ nữ không mang thai chỉ cần 18mg sắt mỗi ngày trong khi phụ nữ mang thai cần nhiều hơn 2 mg mỗi ngày. Hầu hết các viên vitamin tổng hợp đều chứa hàm lượng sắt này, trường hợp các mẹ thiếu máu cần được sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và dùng thuốc phù hợp.

1.3. Kẽm
Kẽm tham gia vào phát triển chiều cao của trẻ từ trong bào thai và tăng miễn dịch cho trẻ. Thiếu kẽm có thể gây nên vô sinh, sẩy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết lưu gần ngày sinh và sinh không bình thường.
Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, thủy hải sản, đặc biệt là nhuyễn thể như: ốc, hến, trai hay nghêu sò … Bên cạnh đó, các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém.

1.4. I ốt
I ốt rất cần thiết cho chức năng bình thường của tuyến giáp, sự tăng trưởng và phát triển trí não của trẻ. Khi thiếu iốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn. Nhu cầu iốt trong thai kỳ khoảng 200 – 250 µg/ngày.
Nguồn thức ăn giàu iốt là những thức ăn từ biển như cá biển, sò, rong biển,… Tảo biển nori, tảo bẹ cũng là những thực phẩm chứa nhiều iốt nhưng chỉ nên sử dụng không quá 1 lần/tuần vì tiêu thụ nhiều trong thời gian dài có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng tuyến giáp.
Ngoài ra, phụ nữ có thai nên sử dụng muối, bột canh có tăng cường iốt.

2. Nhu cầu Vitamin
2.1. Acid Folic
Nhu cầu acid folic trong thai kỳ nên từ 400 – 600 µg/ngày. Acid folic sẽ tham gia vào quá trình tạo máu và hình thành ống thần kinh. Khi thiếu acid folic ở người mẹ có thể dẫn đến thiếu máu, khuyết tật của ống thần kinh ở thai nhi.
Nguồn cung cấp acid folic có nhiều trong các trái cây, rau xanh đậm, các loại đậu, hạt… nhưng trong khẩu phần ăn thường không đủ, vì vậy cần được bổ sung viên uống khi có dự định mang thai tối thiểu trước 1 tháng.

2.2. Vitamin A
Vitamin A là chất cần thiết cho sự tăng trưởng, chức năng miễn dịch và thị lực.
Sữa, trứng,… là nguồn vitamin A từ động vật, rất dễ dàng hấp thu và dự trữ trong cơ thể. Các loại rau xanh đậm và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ là những thức ăn có nhiều beta caroten, khi vào cơ thể cũng sẽ chuyển hóa thành vitamin A.
Phụ nữ đang có thai không nên dùng quá liều vitamin A 3000 µg (10000 IU)/1 ngày hoặc 7500 µg (25000 IU)/ 1 tuần. Uống một lượng lớn chất bổ sung vitamin A như dầu gan cá trong thời gian dài có thể gây hại cho gan, quá liều vitamin A còn có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

2.3. Vitamin D
Vitamin D giúp hấp thụ canxi cần thiết cho sự phát triển xương của trẻ. Khi mang thai nếu cơ thể mẹ thiếu vitamin D dễ gây các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ. Phụ nữ có thai nên dành thời gian tắm nắng khoảng 20- 30 phút/ngày hoặc bổ sung vitamin D 15mcg/ngày.
Mẹ bầu nên sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như cá, trứng, sữa, hoặc các thực phẩm có tăng cường vitamin D.

2.4. Vitamin C
Vitamin C có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn và góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt.
Vitamin C có nhiều trong các quả chín. Rau xanh cũng có nhiều vitamin C nhưng sẽ bị hao hụt nhiều trong quá trình nấu nướng.

2.5. Axid béo omega-3
Axid béo omega-3 bao gồm DHA (axid docosahexaenoic) và EPA (axid eicosapentaenoic). DHA, EPA rất quan trọng cho sự phát triển trí não và thị giác của trẻ.
Một số loại cá rất giàu axid béo omega-3 như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá chình và cá đù. Một số loại cá có sẵn ở chợ địa phương, như chỉ vàng, cá chim, cũng chứa một lượng axid béo omega-3 vừa phải.
Những người ăn chay có thể tiêu thụ thực phẩm giàu axid alpha linolenic (ALA) chẳng hạn như hạt lanh, quả óc chó và dầu hạt cải bởi cơ thể chúng ta có thể tự chuyển đổi ALA thành DHA.
Nên cân nhắc bổ sung DHA nếu thai phụ không ăn cá đồng thời tham khảo thêm ý kiến bác sĩ dinh dưỡng nếu mẹ muốn bổ sung viên uống DHA.

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế, (2017), “Hướng dẫn Quốc gia Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú”.
2. ACOG (American college of Obstetricians and Gynecologists), (2022). “Nutrition During Pregnancy”.
3. FHS (Family Health Service), (2022). “Healthy Eating During Pregnancy and Breastfeeding”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...