Khoảng thời gian 3 tháng đầu mang thai, sản phụ cần hết sức cẩn trọng từ sinh hoạt đến ăn uống bởi tỉ lệ sẩy thai trong giai đoạn này ước tính chiếm tới 15 -20 %. Việc theo dõi cơ thể trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ là vô cùng quan trọng, bất cứ khi nào nhận thấy những dấu hiệu bất thường, mẹ bầu cần được thăm khám sớm để được tư vấn và xử trí kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu bất thường mà các sản phụ cần chú ý:
1. Ngứa vùng kín khi mang thai
Khi mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu, mẹ bầu có thể nhận thấy âm đạo của mình ẩm ướt và ra khí hư nhiều hơn. Trong trường hợp dịch ra quá nhiều, có mùi hôi, gây ngứa ngáy, đau rát thì rất có thể đó là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng vùng kín hoặc mẹ bị mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Vấn đề này cần được điều trị dứt điểm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé.
2. Ra máu bất thường
Một trong những dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng đầu chính là ra máu bất thường. Có đến 30% phụ nữ mang thai bị ra máu trong 3 tháng đầu và 50% trong số đó phải đối diện với nguy cơ sảy thai cao.
Ra máu âm đạo có thể là dấu hiệu của:
– Dọa sẩy thai
– Thai ngoài tử cung
– Thai trứng, ….
3. Nôn ói nhiều mất kiểm soát
Hầu hết các mẹ bầu đều gặp tình trạng buồn nôn do ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Thông thường ốm nghén sẽ giảm dần sau thời gian 3 tháng, tuy nhiên cảm giác buồn nôn có thể theo mẹ đến cuối thai kỳ. Việc ốm nghén này không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, ngược lại còn là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang có sự phản ứng, thích ứng với những thay đổi của hormone. Hiện tượng này được coi là bất thường và đáng lo ngại khi bà bầu nôn quá nhiều, nôn liên tục. Tình trạng này kéo dài dễ khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi, mất nước, sụt cân, mất cân bằng điện giải. Vì vậy, khi bị nôn quá nhiều và mất kiểm soát, mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
4. Sốt cao
Thân nhiệt phụ nữ khi mang thai thường cao hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu sốt cao hơn 38 độ thì có thể xem đây là dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu tiên. Nguyên nhân gây sốt phổ biến là do bệnh nhiễm trùng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi.
5. Hoa mắt, chóng mặt thường xuyên
Ốm nghén gây ra hoa mắt, chóng mặt, nhưng nếu quá thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh huyết áp thấp thai kỳ. Nếu mẹ bầu luôn cảm thấy mệt mỏi, chỉ cần đứng lên hoặc ngồi xuống cũng đã cảm thấy chóng mặt thì nên đi khám để bảo đảm an toàn cho bản thân lẫn thai nhi.
6. Đi tiểu bị đau buốt hoặc ra máu
Tiểu buốt, tiểu ra máu có thể là dấu hiệu của bệnh viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu không được điều trị dứt điểm trong 3 tháng đầu mang thai sẽ dẫn tới nguy cơ sinh non. Thai phụ cần đặc biệt lưu ý đối với dấu hiệu này.
Lời khuyên để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn:
Trong quá trình mang thai, nếu mẹ gặp bất kỳ thay đổi bất thường nào của cơ thể thì cần đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và can thiệp kịp thời, tránh nguy hiểm đến cả mẹ và bé. Bên cạnh đó, để thai kỳ được khỏe mạnh và trọn vẹn, mẹ cần:
– Xây dựng thực đơn ăn uống hàng ngày khoa học, ăn đủ 4 nhóm thực phẩm:
● Glucid (cơm, bún, mì, phở…)
● Protid (thịt, cá, trứng, sữa… )
● Lipid (dầu thực vật, oliu, mè…)
● Vitamin và khoáng chất
– Bổ sung thêm đa dạng rau, trái cây, các loại đậu hạt, …
– Bên cạnh đó bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ như sắt, canxi, axit folic, DHA, vitamin B1, magie…
– Không ăn đồ tái sống, lên men, đồ dễ gây co bóp tử cung, ngộ độc…
– Không sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá…
– Nghỉ ngơi và vận động hợp lý, tránh làm việc quá sức, vận động mạnh.
– Không thức khuya
– Khám thai đầy đủ theo lịch của bác sĩ chỉ định
– Quan tâm đến biểu hiện cơ thể
Nếu như mẹ có nguy cơ trước đó cần phải trao đổi với bác sỹ sản khoa có kinh nghiệm để có thể chuẩn bị và ứng phó kịp thời trong mọi tình huống kể cả tình huống xấu nhất.