Những điều cần biết trước – trong – sau nội soi thực quản dạ dày tá tràng

1. Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng là gì?
Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng là thủ thuật sử dụng ống nội soi truyền hình, đi qua miệng hoặc mũi để đánh giá hình thái niêm mạc ống tiêu hóa trên đến đoạn D2 của tá tràng. Bao gồm: thực quản, dạ dày, một phần tá tràng.
Bên cạnh việc chẩn đoán, thủ thuật này còn giúp Bác sỹ có thể can thiệp điều trị trong trường hợp cần thiết.

2. Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng thường được chỉ định khi nào?
– Những triệu chứng gợi ý nghi ngờ bệnh lý ống tiêu hóa trên như: đau bụng thượng vị, nôn, buồn nôn, nôn ra máu, nuốt khó, nuốt đau, ợ chua, ợ hơi, đầy hơi, chậm tiêu, ợ nóng, trào ngược, đi ngoài phân đen/ phân máu thẫm màu,…
– Sàng lọc ung thư ống tiêu hóa trên cho những đối tượng có nguy cơ như tiền sử gia đình, nghiện rượu, thuốc lá, viêm dạ dày mạn có H.Pylori, Barret thực quản,…
– Khi có bất thường được phát hiện bằng các xét nghiệm khác như: siêu âm, Xquang, máu (thiếu máu chưa giải thích nguyên nhân, giảm tiểu cầu vô căn,…).
– Khi cần can thiệp: cầm máu qua nội soi, lấy dị vật, cắt polype, cắt niêm mạc, phẫu tích dưới niêm mạc,…

3. Các tai biến có thể xảy ra?
Nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng nếu thực hiện đúng chỉ định, tuân thủ các quy trình thực hiện cẩn thận thì ít có tai biến.
Tuy nhiên, vẫn có thể gặp một số tai biến sau :
– Thủng thực quản (tai biến đáng sợ nhất)
– Thủng dạ dày
– Chảy máu thực quản
– Chảy máu dạ dày
– Tai biến suy hô hấp nặng do trào ngược dịch vị vào đường phế quản
– Tai biến tim mạch: rối loạn nhịp tim, có thể ngừng tim do phản xạ phế vị, thường xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi có bệnh mạch vành trước đó
– Một số tai biến do kỹ thuật
– Tai biến do dùng thuốc gây mê, gây tê: phản vệ, dị ứng thuốc,…
– Sau khi soi bệnh nhân có thể không ngậm được miệng do trật khớp thái dương – hàm trong trường hợp bệnh nhân há to hoặc đau rát họng sau soi.

4. Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện nội soi?
4.1. Dinh dưỡng
– Không ăn hoặc uống các chất lỏng có thể ảnh hưởng việc quan sát trong bên trong dạ dày như: sữa, thuốc kháng toan (yumagel, phospholugel,…), nghệ, cà phê, trà, coca cola,… trong vòng 8 tiếng trước khi nội soi (có thể cần nhịn lâu hơn nếu dạ dày chậm vơi).

Không ăn hoặc uống các chất lỏng, đặc biệt là chất lỏng có màu vì sẽ gây khó khăn cho quan sát

– Các chất lỏng trong suốt có thể uống được, trong trường hợp cần gây mê thì những chất lỏng này cũng cần ngưng 2 giờ trước nội soi (theo khuyến cáo của Hội Gây mê Hoa Kỳ).

4.2. Việc dùng thuốc
– Nếu có y lệnh cử thuốc trước soi, cần hỏi ý kiến Bác sỹ điều trị/ Bác sỹ chỉ định trước khi quyết định dùng thuốc và đưa bệnh nhân xuống phòng nội soi.

4.3. Chỉ định xét nghiệm
– Bắt buộc phải kiểm tra công thức máu, chú ý tiểu cầu, tỷ PT (bình thường, giá trị này trong khoảng 70% – 140%. Nếu PT% < 70% thì quá trình đông máu có vấn đề).
– Kiểm tra kết quả siêu âm bụng, Xquang tim phổi, siêu âm tim, ECG nếu có chỉ định.
– Nếu có bất kỳ bất thường, cần báo với bác sỹ trước khi di chuyển xuống phòng thực hiện nội soi.

4.4. Chỉ định hội chẩn (nếu có)
– Khai thác kỹ tiền sử một lần nữa về bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh thận hoặc dị ứng,… Nếu phát hiện bất thường khác trong hồ sơ cần báo cho Bác sỹ trước khi di chuyển xuống phòng nội soi.

4.5. Chuẩn bị tâm lý
– Giữ tinh thần thoải mái, thư giãn.

5. Theo dõi bệnh nhân trong quá trình thực hiện nội soi?
– Nhân viên y tế theo dõi tình trạng chung của người bệnh, chú ý sắc mặt, tri giác bệnh nhân nếu bệnh nhân soi thường, động viên trấn an bệnh nhân.
– Theo dõi mạch và huyết áp.
– Theo dõi nhịp thở, tần số thở, dấu thở gắng sức, màu sắc môi. Theo dõi Sp02 (tỉ lệ (%) mức bão hòa oxy gắn vào hemoglobin) nếu thấy cần thiết hoặc theo y lệnh của bác sỹ.
– Theo dõi tác dụng của thuốc tê, thuốc mê như: ngứa, nổi mày đay, khó thở,… hay xuất hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào khác nghi phản vệ.
– Báo Bác sỹ Nội soi khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bất thường.

6. Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau khi nội soi?
– Sau nội soi, nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc an thần sẽ được theo dõi tại phòng nội soi để theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp. Khi đã ổn định, bệnh nhân sẽ trở lại phòng bệnh.
– Theo dõi các triệu chứng sau khi nội soi: mạch, nhịp thở, huyết áp, Sp02 (nếu cần); tình trạng: đau vùng cổ, nuốt đau, ho, đau ngực, khó thở, đau bụng chướng bụng, sốt, nôn, buồn nôn, nôn ra máu, đi cầu phân đen, bí trung đại tiện hoặc báo BS khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường khác.
– Chế độ ăn/nhịn ăn theo y lệnh của bác sỹ. Nếu được cho ăn lại có thể dùng các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, cơm nhão với lượng và độ cứng tăng dần.

Sau nội soi nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp

– Trấn an tinh thần, nghỉ ngơi tương đối tại giường. Báo bác sỹ tư vấn kết quả và bổ sung y lệnh nếu có khi có kết quả Nội soi.

Để xem và tải ấn phẩm chất lượng cao, nhấn vào nút “Tải Xuống” phía dưới:

Đơn vị Tiêu hóa Gan mật Bệnh viện Đa khoa Gia Đình quy tụ đội ngũ bác sỹ chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh lý hệ tiêu hóa. Kết hợp với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp đưa ra những chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Nổi bật là hệ thống nội soi ống mềm Olympus – Nhật Bản, vượt trội với dải tần ánh sáng hẹp (Narrow Banding Imaging – NBI) cho phép triển khai thành công các kỹ thuật tiên tiến như: nội soi chẩn đoán và điều trị xuất huyết tiêu hóa, lấy dị vật đường tiêu hóa, mở thông dạ dày ra da; nội soi tầm soát ung thư sớm dạ dày, đại trực tràng theo tiêu chuẩn quốc tế, không đau và nhanh hồi phục.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...