Một vài kiến thức về bệnh bạch hầu để chúng ta không chủ quan, nhưng cũng không quá hoang mang khi bệnh đang có những diễn biến phức tạp
1. Bệnh bạch hầu là gì?
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng LÂY QUA ĐƯỜNG HÔ HẤP, có thể gây thành dịch, bệnh do VI KHUẨN Corynebacterium diphtheriae gây nên.
Vi khuẩn thường làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh).
– Bệnh có thể DỰ PHÒNG bằng vắc-xin.
– THUỐC ĐIỀU TRỊ ĐẶC HIỆU bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD)
2. Triệu chứng của bệnh
– Thời kỳ ủ bệnh: từ 2-5 ngày, không có triệu chứng.
– Thời kỳ khởi phát:
+ Sốt nhẹ 37,5o – 38oC, đau họng, khó chịu, mệt, ăn kém, sổ mũi.
+ Hạch cổ nhỏ, di động, không đau.
– Thời kỳ toàn phát: Vào ngày thứ 2-3 của bệnh.
+ Sốt cao hơn 38o – 38,5o, nuốt đau, mệt nhiều, chán ăn, tim đập nhanh.
+ Hạch góc hàm sưng đau, sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ.
Ngoài ra còn có thể gặp tình trạng bệnh bạch hầu ác tính với bệnh cảnh diễn tiến nhanh, nguy hiểm. Hoặc bạch hầu thanh quản gây ra khó thở thanh quản.
3. Những biến chứng của bệnh bạch hầu
– Nhiễm trùng, nhiễm độc nặng
– Khó thở, suy hô hấp
– Rối loạn nhịp tim
– Viêm cơ tim
– Sốc
– Suy đa tạng, suy thận
– Tổn thương thần kinh
4. Cách chăm sóc bệnh nhân bạch hầu
– Uống nhiều nước
– Ăn thức mềm, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa, đảm bảo đủ năng lượng, chú ý tình trạng nuốt, nếu có dấu hiệu nghi ngờ sặc (như ho sau ăn, uống) cần báo ngay cho nhân viên y tế.
– Nghỉ ngơi tuyệt đối, tránh vận động mạnh
– Vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng.
– Báo ngay cho nhân viên y tế nếu có các dấu hiệu nguy hiểm như: khó thở, đau ngực, nói, nuốt khó, mệt nhiều, trẻ không ăn hay không uống được…
– Những trường hợp bệnh nặng cần được điều trị và chăm sóc tại khoa chăm sóc tích cực của cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hồi sức tích cực.
5. Dự phòng bệnh bạch hầu như thế nào?
– Tất cả người nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính.
– Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải được sát khuẩn.
– Phòng bệnh bằng vắc-xin bạch hầu.
– Với người tiếp xúc: Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày, điều trị dự phòng bằng kháng sinh đặc hiệu.
Các triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với biểu hiện cảm cúm thông thường do đó khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh hoặc có tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm kiểm tra và điều trị, theo dõi, không nên tự ý sử dụng thuốc tại nhà.
6. Vì sao cần tiêm phòng ngừa vắc xin bạch hầu?
Bệnh bạch hầu có thể dự phòng chủ động bằng vắc xin. Hiện nay, tại Việt Nam có các loại vắc xin phối hợp có chứa thành phần vắc xin bạch hầu được sử dụng để bảo vệ cho cả trẻ em và người trưởng thành khỏi căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Việc tiêm phòng đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu trên toàn thế giới và giúp tăng cường miễn dịch cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm ngừa vắc-xin bạch hầu (thường kết hợp với vắc-xin ho gà – uốn ván) đúng lịch và đúng liều lượng cho trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên và người trưởng thành và tiêm đầy đủ những mũi nhắc lại để tạo miễn dịch sức khỏe hoàn thiện nhất. Hiệu quả phòng bệnh bạch hầu ở các quốc gia khi tiêm đủ liều vắc xin là rất cao, đạt từ 96,9% đến 98,2%.
Tuy nhiên, ở cấp độ quần thể, người ta tin rằng phải duy trì tỷ lệ bao phủ vắc xin 80–85% để duy trì khả năng miễn dịch/bảo vệ cộng đồng và giảm nguy cơ bùng phát dịch. Vì các cá thể không có miễn dịch sống trong quần thể có tỉ lệ cao nên các cá thể được tiêm chủng cũng có thể phát triển bệnh bạch hầu thể hô hấp trong trường hợp này. Do đó việc tiêm phòng vắc xin là phương pháp đơn giản và hiệu quả để phòng bệnh cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng xung quanh.
7. Lịch tiêm vắc xin dự phòng bệnh bạch hầu
– Lịch tiêm vắc xin phối hợp chứa thành phần bạch hầu cho trẻ em (Vắc xin Infanrix Hexa, Hexaxim):
Lần 1: Tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.
Lần 2: Tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần..
Lần 3: Tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu 4 tuần.
Mũi nhắc lại (Lần 4): Tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
Mũi nhắc lại giảm liều: Khi trẻ đủ 7 tuổi để duy trì miễn dịch lâu dài.
– Lịch tiêm vắc xin phối hợp chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người trưởng thành (Vắc xin Boostrix, Adacel):
Lần 1: Tiêm càng sớm càng tốt.
Lần 2: Tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần.
Lần 3: Tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu 6 tháng.
Mũi nhắc lại: Có thể tiêm cách nhau mỗi 10 năm do lượng kháng thể giảm dần, không đủ bảo vệ và suy giảm miễn dịch cộng đồng, dễ gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
– Lịch tiêm vắc xin phối hợp chứa thành phần bạch hầu cho phụ nữ mang thai (Vắc xin Boostrix, Adacel): Hội Y học Dự phòng Việt Nam, WHO và CDC Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván (TdaP) cho phụ nữ mang thai từ 27 đến 36 tuần thai để bảo vệ mẹ và bé.
Trong trường hợp cần được hỗ trợ tư vấn miễn phí về bạch hầu cũng như các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Đừng ngại đặt câu hỏi tại group VÌ LÁ PHỔI KHỎE để Bác sỹ Hô hấp FAMILY giải đáp cho bạn nhé!
ThS.BS. Lê Thị Hồng Duyên
BSTV Phạm Thị Kim Nhung
Bệnh viện Đa khoa Gia Đình