Những điều cần biết về bệnh hội chứng ống cổ tay

1. Hội chứng ống cổ tay và Nguyên nhân gây ra bệnh là gì?
Hội chứng ống cổ tay (tên gọi khác là hội chứng đường hầm cổ tay hoặc hội chứng chèn ép thần kinh giữa) là một bệnh lý thần kinh ngoại biên thường gặp, nhất là ở phụ nữ trên 35 tuổi, thường có nguyên nhân nghề nghiệp ở những người làm văn phòng sử dụng máy tính nhiều, viết lách nhiều, thường xuyên duy trì làm việc bằng tay ở một tư thế cố định trong thời gian dài. Có đến 3% người trưởng thành mắc bệnh lý này.

Hình ảnh 1: Giải phẫu ống cổ tay bình thường

2. Triệu chứng thường gặp của bệnh hội chứng ống cổ tay là gì?
– Đặc trưng của bệnh là đau, dị cảm, tê buốt bàn tay theo chi phối của thần kinh giữa chủ yếu là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa hoặc nặng hơn là tê cả bàn tay, làm yếu các ngón tay và teo cơ bàn tay.
– Gõ lên cổ tay rất đau, đau cả bàn tay.
– Điện cơ: xác định kém dẫn truyền.
– Siêu âm: xác định chèn ép thần kinh giữa.

Hình ảnh 2: Thần kinh chi phối các vùng của bàn tay

3. Bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng gì nếu không điều trị?
– Đau mạn tính.
– Teo cơ bàn tay, hạn chế vận động bàn tay.
– Tổn thương thần kinh không hồi phục.

4. Các phương pháp điều trị bệnh hội chứng ống cổ tay ?
4.1. Điều trị bảo tồn
4.1.1. Chỉ định và phương pháp điều trị bảo tồn?
Điều trị bảo tồn áp dụng cho mức độ nhẹ, khi chưa có biến chứng.
– Điều trị bảo tồn hay còn gọi là điều trị nội khoa đối với bệnh hội chứng ống cổ tay là sự phối hợp của cả bốn phương pháp sau:
+ Thuốc giảm đau chống viêm.
+ Nẹp cố định.
+ Vật lý trị liệu.
+ Tiêm corticoid.
– Tuy nhiên các biện pháp điều trị nội khoa nêu trên được ghi nhận có hiệu quả không đáng kể, chỉ giúp trì hoãn thời gian trước phẫu thuật, hoàn toàn không có tác dụng điều trị triệt để bệnh.

Hình ảnh 3: Sử dụng nẹp trong điều trị bảo tồn hội chứng ống cổ tay

Hình ảnh 4: Tiêm corticoid trong điều trị bảo tồn hội chứng ống cổ tay

4.1.2. Những điều cần biết khi điều trị bảo tồn bao gồm?
– Điều trị vật lý trị liệu tại bệnh viện theo chỉ định của bác sỹ như siêu âm điều trị vùng cổ tay, tập vận động cổ tay, chiếu đèn huỳnh quang vùng cổ tay.
– Được cấp thuốc uống điều trị theo đơn bác sỹ.
– Đeo nẹp thường xuyên để giữ cổ tay không gập duỗi quá mức (không gập duỗi cổ tay quá mức).
– Cần hạn chế sử dụng cổ tay quá nhiều trong các công việc nội trợ, sinh hoạt và làm việc, nhất là động tác gập duỗi cổ tay.
+ Hạn chế đánh máy tính quá nhiều, khi đánh máy tính cần có vật dụng mềm lót cổ tay.
+ Hạn chế chạy xe hon đa quá xa, rồ ga quá mạnh hoặc sử dụng cổ tay quá nhiều khi chạy xe.
– Giữ bàn tay, ngón tay ấm, nếu để càng lạnh các ngón tay càng tê.
– Tránh các công việc nặng như các ngành xây dựng, công nghiệp để hạn chế hoạt động cổ tay mạnh.
– Tránh các công việc phải lật đi lật lại quá nhiều cổ tay.
– Không gối đầu trên tay khi ngủ.

4.2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp bệnh ở mức độ nặng, đã sử dụng các phương pháp điều trị khác thất bại hoặc điều trị trong thời gian kéo dài nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Can thiệp phẫu thuật bằng cách cắt mạc giữ gân gấp (mặt trước cổ tay) và giải phóng thần kinh giữa vi phẫu.

4.2.1. Mục đích của phẫu thuật, những trường hợp cần phẫu thuật ống cổ tay?
– Mục đích của phẫu thuật:
+ Giải quyết triệt để các triệu chứng do hội chứng ống cổ tay gây ra.
+ Bảo tồn chức năng cho dây thần kinh giữa khi đã có bằng chứng xác định tổn thương do hội chứng ống cổ tay trên kết quả đo điện cơ.
– Bệnh cần được phẫu thuật khi:
+ Các cơ của bàn tay yếu, teo nhỏ và đe dọa mất chức năng vĩnh viễn do sự chèn ép dây thần kinh cổ tay nghiêm trọng.
+ Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay đã kéo dài trên 6 tháng và không đáp ứng với điều trị nội khoa.

Hình 4: Cơ bàn tay yếu, teo nhỏ

Hình 5: Phẫu thuật ống cổ tay

4.2.2. Vì sao phải phẫu thuật ống cổ tay?
Khi bệnh đã chuyển sang mức độ nặng, nếu không phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng như:
– Mất cảm giác các ngón cái, ngón trỏ và ngón đeo nhẫn.
– Đau nhức các ngón tay, bàn tay, cổ tay, đau nhiều về đêm gây mất ngủ.
– Yếu tay, cầm nắm đồ vật dễ bị rớt.
– Không làm được động tác đối chiếu ngón cái và các ngón khác.

4.2.3. Những nguy cơ có thể xảy ra do phẫu thuật hội chứng ống cổ tay là gì?
Những nguy cơ đối với thuốc tê, thuốc mê như dị ứng thuốc, sốc phản vệ, rối loạn tim mạch, suy hô hấp… Có thể xử trí ngay được bằng việc cấp cứu tùy từng trường hợp cụ thể.
Những nguy cơ tiềm ẩn khác của phẫu thuật giải phóng chèn ép dây thần kinh cổ tay được ghi nhận là:
– Chảy máu.
– Nhiễm trùng.
– Tổn thương dây thần kinh giữa hoặc phân nhánh.
– Chấn thương gân cơ, mạch máu, dây chằng hoặc các cấu trúc khác.
– Lành sẹo xấu, sẹo tăng dị cảm.
Việc phục hồi sau phẫu thuật hội chứng ống cổ tay cần có thời gian từ vài tuần đến vài tháng, tùy vào từng bệnh nhân. Nếu dây thần kinh đã bị chèn ép đã lâu trước đó, quá trình phục hồi có thể còn lâu hơn nữa. Bác sỹ có thể cho bệnh nhân mang nẹp cổ tay tạm thời nhằm hạn chế cử động gập duỗi cổ tay, giúp vết thương mau lành; đồng thời hướng dẫn thêm các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường chức năng cổ tay và bàn tay.

4.2.4. Thời gian điều trị bằng phẫu thuật là bao nhiêu lâu?
– Bệnh nhân được nhập viện và thực hiện phẫu thuật ngay trong ngày (nếu tình trạng bệnh ổn định).
– Thời gian phẫu thuật mất khoảng 30 – 60 phút, sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ nằm hậu phẫu khoảng 2 giờ, sau đó về lại khoa để theo dõi và điều trị.
– Sau phẫu thuật bệnh nhân cần điều trị thuốc, chăm sóc vết thương và theo dõi khoảng 5 ngày tại viện, sau đó sẽ được xuất viện (nếu tình trạng ổn định).

5. Những điều cấn biết trước mổ, sau mổ và sau khi ra viện
5.1. Những điều cần biết trước mổ?
5.1.1. Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế
– Cung cấp thẻ BHYT/BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong quá trình điều trị.
– Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống.
– Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi).
– Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng: thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn…
– Nếu bệnh nhân là nữ cần cung cấp thông tin về vấn đề kinh nguyệt, nghi ngờ mang thai.

5.1.2. Những điều bệnh nhân cần thực hiện trước mổ để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ.
– Có người nhà chăm sóc trong quá trình nằm viện.
– Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các lọai thuốc, thực phẩm chức năng ngoài y lệnh cần phải xin ý kiến của bác sỹ.
– Phải làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ như: công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim.
– Phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước mổ (kể cả uống nước, sữa, café, kẹo cao su) ít nhất 6h, để tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình mổ. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế.
– Cởi bỏ tư trang cá nhân, răng giả, kính áp tròng, lông mi giả (nếu có) giao cho người nhà giữ hoặc nếu không có người nhà có thể ký gửi tại phòng hành chính khoa.
– Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với nữ.
– Tắm trước mổ.
– Đi tiểu trước khi chuyển mổ.
– Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí vết mổ.

5.1.3. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ làm cho bệnh nhân trước mổ
– Bệnh nhân hoặc người nhà >18 tuổi (gồm ba/mẹ/vợ/chồng) cần phải ký cam kết trước mổ.
– Truyền dịch nuôi dưỡng giúp bệnh nhân đỡ đói và khát trong thời gian nhịn ăn chờ mổ.
– Tiêm kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết mổ.
– Được nhân viên y tế vận chuyển xuống phòng mổ bằng xe lăn.

5.2. Những điều cần lưu ý trong thời gian nằm viện điều trị sau mổ
5.2.1. Những biểu hiện bình thường diễn ra sau mổ
– Đau vết mổ: tình trạng đau sẽ giảm dần.
– Những ngày đầu sau mổ vết mổ sẽ có ít dịch và máu thấm băng sau đó giảm dần và khô.
– Sau mổ tình trạng tê tay do biến chứng của bệnh như trước khi chưa phẫu thuật sẽ không hết ngay mà cần có thời gian phối hợp tập phục hồi chức năng để hồi phục trở lại.

5.2.2. Các biến chứng cần theo dõi và báo nhân viên y tế
– Đau nhiều vết mổ quá sức chịu đựng.
– Tê bàn tay và ngón tay nhiều hơn trước mổ hoặc mất cảm giác hoàn toàn của bàn ngón tay.
– Vết thương có máu tươi ướt đẫm toàn bộ băng.
– Sốt
– Biểu hiện dị ứng: nổi mẩn ngứa, mề đay, tức ngực, khó thở, chóng mặt, nôn,… sau sử dụng thuốc.

5.2.3. Chế độ ăn
– Sau mổ nếu bệnh nhân hết cảm giác chóng mặt buồn nôn có thể ăn uống bình thường, tăng cường các thức ăn giàu canxi như: tôm, cua, sữa, trứng,…bổ sung thêm rau, củ, quả, sinh tố, cam, chanh.
– Chế độ ăn tránh các chất kích thích như: tiêu, ớt, vị cạy, rượu, bia,…không hút thuốc lá vì làm chậm lành vết mổ và hạn chế công dụng của thuốc điều trị.

5.2.4. Chế độ vận động
– Ngay sau mổ bệnh nhân có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng. Hạn chế cử động gập duỗi cổ tay bên phẫu thuật.
– Mang đeo tay vải thường xuyên (trừ những lúc nằm nghỉ ngơi) cho tới khi vết thương liền và cắt chỉ để tránh buông thỏng tay, tăng phù nề căng tức cho vết mổ.
– Tránh vận động gập duỗi cổ tay vị trí phẫu thuật, không cầm xách các vật nặng bằng tay phẫu thuật.

5.2.5. Chế độ sinh hoạt
– Mặc quần áo bệnh viện và thay hằng ngày để đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm trùng vết mổ.
– Có thể tắm nhưng không được làm ướt vết thương vì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương nếu nước dính vào.

5.2.6. Chăm sóc vết thương
– Vết thương sẽ được thay băng 1 lần/ ngày hoặc nhiều hơn nếu dịch thấm băng lượng nhiều.
– Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7-10 ngày kể từ ngày mổ.

5.3. Những điều cần biết sau khi ra viện
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa của bác sỹ. Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở,… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.

5.3.1. Cách chăm sóc vết mổ
– Nên thay băng ngày 1 lần tại bệnh viện hoặc có thể đăng ký dịch vụ thay băng tại nhà của bệnh viện để được điều dưỡng và bác sỹ theo dõi tình trạng vết thương, thay băng tại cơ sở y tế địa phương nếu bệnh nhân ở xa bệnh viện.
– Phải giữ vết mổ sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay.
– Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7-10 ngày kể từ ngày phẫu thuật.

5.3.2. Chế độ dinh dưỡng
– Ăn uống bình thường tăng cường dinh dưỡng, khẩu phần ăn bổ sung thêm canxi, ăn nhiều rau và trái cây, uống sữa.
– Tránh các chất kích thích như thức ăn quá cay nóng, rượu, bia, thuốc lá (vì các thực phẩm này làm chậm lành vết thương và giảm tác dụng của thuốc điều trị).

5.3.3. Chế độ sinh hoạt và tập luyện
– Vết mổ khi chưa cắt chỉ có thể tắm rửa bình thường, cần giơ cao tay khi tắm để tránh làm ướt vết thương, nếu ướt cần thay băng lại ngay.
– Tránh mang vác, nâng vật nặng, hạn chế cử động cổ tay, nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần để tay có thể phục hồi hoàn toàn.
– Tránh thực hiện các động tác mạnh và lặp lại liên tục như: băm, chặt, đánh máy, di chuột máy tính, chơi golf,…

5.3.4. Những dấu hiệu bất thường cần phải tái khám?
– Đau mà không đỡ sau khi dùng thuốc, sưng nề vết mổ nhiều, chảy dịch mủ nơi vết mổ.
– Cảm giác tê, yếu liệt tay sau mổ.

Để xem và tải ấn phẩm chất lượng cao, nhấn vào nút “Tải Xuống” phía dưới:

Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Khoa Ngoại Family qua:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...