1. Bệnh sụp mi mắt là gì ?
– Mắt là cơ quan cảm giác đảm nhiệm chức năng thị giác. Về cấu tạo của mắt bao gồm 3 phần: nhãn cầu, bộ phận bảo vệ nhãn cầu, đường thần kinh và trung khu phân tích thị giác
– Mi mắt thuộc bộ phận bảo vệ nhãn cầu. Mỗi mắt có 2 mi, mi trên và mi dưới. Từ trước ra sau mi mắt gồm các lớp sau:
+ Da mi: mỏng và mịn. Tuyến mồ hôi ở da mi có hình ống gọi là tuyến Moll
+ Lớp cơ mi: gồm cơ vòng mi và cơ nâng mi trên.
+ Cơ vòng mi: do dây thần kinh số VII chi phối, có tác dụng khép mi làm nhắm mắt. Liệt dây VII gây hở mi.
+ Cơ nâng mi: trên do dây thần kinh số III chi phối có tác dụng mở mắt. Khi tổn thương dây III mi trên bị sụp gây ra hội chứng sụp mi.
+ Lớp sụn mi: Có hai tấm sụn là sụn mi trên và sụn mi dưới tạo nên một khung tương đối vững chắc cho mi mắt.
+ Lớp kết mạc: là một màng mỏng trong có nhiều mạch máu.
– Bình thường mi trên che qua vùng rìa giác mạc (ranh giới giữa lòng trắng và lòng đen) phía trên khoảng 2mm.
– Sụp mi mắt là tình trạng mi mắt trên bị chùng xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế mắt nhìn thẳng, che khuất một phần của mắt, hoặc hoàn toàn mắt khiến cho mắt bị cản trở tầm nhìn. Bệnh sụp mi có nhiều nguyên nhân, có thể không gây mù mắt, nhưng làm giảm chức năng thị giác và gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt người bệnh
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh sụp mi là gì?
– Có hai nhóm nguyên nhân là sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải. Cụ thể như sau:
– Do tổn thương cơ nâng mi (teo cơ mi): Bệnh thường hiểu hiện ở một hoặc hai mắt do bất thường trong quá trình phát triển phôi thai của cơ nâng mi. Bệnh có thể ổn định hoặc bị nặng thêm
– Do bất thường chỗ bám của cơ nâng mi, tổn thưởng một phần thần kinh chi phối cơ nâng mi.
– Do liệt dây thần kinh số III, thường kết hợp với lác ngoài và giãn đồng từ. Bệnh xảy ra do chấn thương hoặc khối u chèn ép đường dẫn truyền thần kinh.
– Sụp mi mắt do nhược cơ: Bệnh tự miễn liên quan đến nồng độ acetylcholin ở thần kinh cơ, thường khởi phát ở tuổi dậy thì ở một hoặc hai mắt.
– Sụp mi cơ học xảy ra khi mi trên trở nên nặng hơn bình thường như u, phù, viêm hoặc khi có sẹo kết mạc co kéo làm hạn chế vận động của mi.
– Sụp mi do thừa da mi ở người già.
3. Dấu hiệu nào để nhận biết bệnh sụp mi mắt.
– Mi mắt trên sa trễ che lấp tầm nhìn
– Hai mắt bất cân xứng do một mắt có vùng mí che lấp đồng tử Mắt bị lão hóa không rõ nếp mí trên kèm theo bọng mỡ mắt
– Mức độ sụp mi mắt:
+ Độ I: Sụp mi nhẹ không ảnh hưởng đến khả năng nhìn nên không cần can thiệp.
+ Độ II: Sụp mi mức độ trung bình đã gây cản trở một phần nhìn khiến người bệnh hay có tư thế nâng cằm bất thường để nhìn. Mức độ này cần phải điều trị phẫu thuật.
+ Độ III: Sụp mi nặng gây ảnh hưởng trầm trọng đến thị lực, đến khả năng nhược thị cao cần điều trị càng sớm càng tốt.
4. Những biến chứng khi không điều trị bệnh sụp mi gây là gì?
– Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời chứng sụp mi, trẻ em có thể bị nhược thị do tầm nhìn bị che lấp, mắt có thể bị lác, hậu quả là làm giảm thị lực, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt.
– Sụp mi cũng có thể là biểu hiện của các bệnh nặng khác như bệnh nhược cơ, liệt dây thần kinh sọ não số III (do u não,…), nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
5. Điều trị bệnh sụp mi mắt như thế nào?
– Mục đích điều trị là cải thiện chức năng và cải thiện thẩm mỹ.
5.1 Khi nào cần điều trị sụp mi?
– Trước hết, phải điều trị sụp mi theo nguyên nhân gây bệnh. Sau khi điều trị bệnh toàn thân ổn định (như sau điều trị bệnh nhược cơ, u não, chấn thương liệt dây thần kinh III, …) mắt vẫn còn sụp mi thì có thể phải can thiệp phẫu thuật.
– Điều đặc biệt quan trọng là ở trẻ em, nếu sụp mi độ II, độ III (bờ mi trên đã che qua đồng tử của bệnh nhân), cần phải điều trị sớm, đề phòng nhược thị.
5.2 Các kỹ thuật mổ điều trị sụp mi thực hiện như thế nào?
– Có nhiều phương pháp được đề xuất, bao gồm 2 nhóm chính: làm ngắn mi trên và dùng sự hỗ trợ của các cơ lân cận.
+ Cắt ngắn cơ nâng mi trên: Phương pháp được sử dụng khi chức năng cơ nâng mi trên trung bình hoặc tốt. Phương pháp này đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao, có nhiều năm kinh nghiệm trong phẫu thuật. Khi phẫu thuật cần xác định chính xác lượng cơ cần cắt để đôi mắt trở về trạng thái tự nhiên.
+ Treo mi mắt lên với cơ trán: Nếu chức năng cơ nâng mi trên yếu, bác sĩ khuyên nên làm phẫu thuật treo mi trên vào cơ trán bằng các chất liệu như vạt cơ trán, silicon, dây treo sinh học… Đây là phương pháp tương đối đơn giản được áp dụng nhiều.
6. Sau mổ có biến chứng gì không?
– Hở mi: là tình trạng hở kết mạc (lòng trắng) và giác mạc (lòng đen) khi ngủ có thể gây viêm kết giác mạc, nếu mức độ hở ít có thể hết một thời gian sau mổ. Còn hở kết mạc phía trên giác mạc nhiều, nhắm mắt lộ giác mạc biến chứng này cần được theo dõi và xử lý kịp thời.
– Viêm loét giác mạc do hở mi, đây là một biến chứng nặng cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
7. Sau phẫu thuật có cần chú ý những gì không?
– Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, thay băng, theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần nhỏ nước mắt nhân tạo trong vòng 3 – 6 tháng để tránh khô kết giác mạc.
– Đồng thời, tập nhắm mắt và tra thuốc mỡ kháng sinh, nước mắt nhân tạo dạng gel thường xuyên để tránh khô kết giác mạc, nhất là khi ngủ.
tránh ngủ dưới quạt máy hay nơi có nhiều gió thổi vào mắt.
– Không được dụi mắt, ấn mạnh hay tì đè vào vùng trên mắt