Những điều cần biết về bệnh u nang giáp móng

1. Bệnh u nang giáp móng là bệnh gì?
– Nang giáp móng là khối u bẩm sinh của ống giáp lưỡi. Thông thường, ống giáp lưỡi teo đi thành một dải xơ sau khi sinh, nhưng do sự phát triển không bình thường, ống giáp lưỡi phát triển thành nang, bên trong chứa dịch nhầy màu vàng nhạt có váng mỡ hoặc màu trắng đục.

2. Triệu chứng của bệnh u nang giáp móng là gì?
– Triệu chứng chính của bệnh là khối u ở chính giữa cổ. Khối u di động theo nhịp nuốt, khi sờ vào sẽ thấy căng nhưng không đau.
– Khối u vùng cổ to lên.
– Khối u này không có biểu hiện gì nhưng cũng có thể viêm nhiễm làm xuất hiện một vùng sưng, nóng, đỏ, đau ở giữa phía dưới xương móng.

Triệu chứng của bệnh u nang giáp móng

3. Chẩn đoán bệnh u nang giáp móng dựa vào đâu?
Để chẩn đoán ra bệnh u nang giáp móng có thể dựa vào những xét nghiệm cận lâm sàng sau:
– Siêu âm tuyến giáp.
– Chụp XQ, CT cắt lớp vi tính vùng cổ có bơm thuốc cản quang.
– Chụp MRI vùng cổ.
Những cận lâm sàng trên có giá trị cao với khối u vùng cổ, cung cấp thông tin chính xác về nang và ống nang (vị trí, kích thước, đặc điểm và các liên quan với các cấu trúc xung quanh), xác định được khối u tái phát không sờ thấy sau mổ, xác định được tuyến giáp bình thường và kiểu nhu mô, phát hiện và phân biệt tuyến giáp lạc chỗ, u biểu bì, u nang da.

4. Phương pháp điều trị u nang giáp móng là gì?
– Theo nghiên cứu của Trufe, phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp duy nhất điều trị u nang giáp móng vĩnh viễn. Các biện pháp khác như chọc hút, bơm thuốc, dùng thuốc đều không trị khỏi bệnh. Cần phải cắt bỏ được toàn bộ hoặc một phần xương móng, nếu không sẽ bị tái phát.
– Trước mổ nếu có tình trạng viêm phải điều trị kháng sinh.

Phương pháp điều trị u nang giáp móng

5. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ u nang giáp móng sẽ dẫn tới những biến chứng gì?
U nang giáp móng, tuy ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đời sống lao động, đặc biệt khi xuất hiện biến chứng, cần điều trị kéo dài gây tốn kém.
Phát hiện và điều trị bệnh sớm giúp giảm bớt nguy cơ tái phát và để lại biến chứng cho bệnh nhân. Một số biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị kịp thời:
– Suy giáp.
– Ung thư tuyến giáp.
– Nhiềm trùng nang giáp móng, gây đau, áp xe.
– Biến dạng vùng cổ gây mất thẩm mỹ.

6. Thời gian điều trị tại bệnh viện mất bao lâu?
– Thời gian phẫu thuật cắt bỏ u nang giáp móng thông thường mất khoảng 60 phút. Sau mổ, bệnh nhân được chăm sóc tích cực khoảng 4 – 6 tiếng.
– Thời gian nằm viện sau mổ khoảng 3 – 5 ngày nếu tình trạng ổn định.

7. Những điều cần biết trước khi phẫu thuật?
7.1. Ước lượng chi phí điều trị
7.2. Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế
– Cung cấp thẻ BHYT/ BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong quá trình điều trị.
– Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống.
– Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: Tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi).
– Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng: Thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn…
– Nếu bệnh nhân là nữ cần cung cấp thông tin về vấn đề kinh nguyệt, nghi ngờ mang thai.

7.3. Những điều bệnh nhân cần thực hiện trước mổ để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ
– Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các lọai thuốc, thực phẩm chức năng ngoài y lệnh cần phải xin ý kiến của bác sỹ.
– Phải làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ như: Công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện
tâm đồ, siêu âm tim.
– Phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước mổ (kể cả uống nước, sữa, café, kẹo cao su) ít nhất 6 giờ để tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình mổ. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế.
– Cởi bỏ tư trang cá nhân, răng giả, kính áp tròng, lông mi giả (nếu có) giao cho người nhà giữ hoặc nếu không có người nhà có thể ký gửi tại phòng hành chính khoa.
– Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với nữ.
– Tắm trước mổ.
– Đi tiểu trước khi chuyển mổ.
– Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí vết mổ.

7.4. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ làm cho bệnh nhân trước mổ
– Bệnh nhân trên 18 tuổi đủ năng lực hành vi nhân sự có quyền ký cam kết điều trị. Đối với bệnh nhân chưa đủ 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nhưng không đủ năng lực hành vi nhân sự cần phải có người nhà (cha/ mẹ/ anh/ chị/ vợ/ chồng) ký cam kết.
– Truyền dịch nuôi dưỡng giúp bệnh nhân đỡ đói và khát trong thời gian nhịn ăn chờ mổ.
– Tiêm kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết mổ.
– Được nhân viên y tế vận chuyển xuống phòng mổ bằng xe lăn.

8. Những điều cần lưu ý trong thời gian nằm viện điều trị sau mổ?
8.1. Những biểu hiện bình thường diễn ra sau mổ
– Đau tức vùng vết mổ khi căng cơ gập, ưỡn, ngoái cổ. Tình trạng đau sẽ giảm dần.
– Những ngày đầu sau mổ, vết mổ sẽ có ít dịch và máu thấm băng, những ngày sau sẽ giảm dần và khô.
– Trong vòng 24 giờ đầu sau mổ bệnh nhân có thể còn cảm giác chóng mặt, buồn nôn, nôn khan do còn tác dụng phụ của thuốc mê. Tình trạng này sẽ hết sau 24 giờ sau mổ.
– Đau họng hoặc có đờm vùng cổ họng do quá trình đặt ống NKQ trong gây mê. Chỉ cần súc họng bằng nước muối sinh lý để cải thiện tình trạng này.

8.2. Các biến chứng cần theo dõi và báo cáo nhân viên y tế
– Đau vết mổ quá sức chịu dựng, chướng bụng nhiều.
– Đau tức ngực, khó thở.
– Vết mổ chảy máu thấm ướt hết băng gạc.
– Đau đầu chóng mặt nhiều, nôn.
– Biểu hiện sưng, đau tại vị trí vết mổ, kèm theo sốt.

8.3. Chế độ ăn
– Sau mổ 6 giờ nếu hết cảm giác buồn nôn và chóng mặt bệnh nhân có thể uống nước đường ấm, ăn cháo thịt nạc, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
– Từ ngày thứ 2 sau mổ có thể ăn cơm mềm, bún, phở… ăn chín uống sôi.
– Chế độ ăn hạn chế nhiều dầu mỡ, hạn chế bánh kẹo ngọt, tránh nhịn ăn. Cần chia làm nhiều bữa nhỏ ăn trong ngày phù hợp với trình trạng sau cắt túi mật để tránh rối loạn tiêu hóa hoặc đầy bụng khó tiêu.
– Tránh các chất kích thích như tiêu, ớt, rượu, bia. Không hút thuốc lá vì làm chậm lành vết mổ và hạn chế công dụng của thuốc điều trị.

8.4. Chế độ vận động
– Ngày đầu sau mổ: Nghỉ ngơi, vận động xoay trở nhẹ nhàng tại giường.
– Ngày thứ 2 sau mổ: Đi lại nhẹ nhàng, hạn chế vận động mạnh vùng cổ (ngoái cổ, gập, ưỡn cổ) để tránh gây đau vết mổ.

8.5. Chế độ sinh hoạt
– Mặc quần áo bệnh viện và thay hằng ngày để đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm trùng vết mổ.
– Cần vệ sinh thân thể bằng khăn ấm, không nên tắm vì khi nước dính vào vết thương sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng.

8.6. Chăm sóc vết thương
– Vết thương sẽ được thay băng ngày 1 lần đối với mổ nội soi. Đối với mổ hở, thay bang ngày 1 lần hoặc nhiều hơn nếu băng thấm nhiều dịch hoặc vết thương bị ướt.
– Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7 – 10 ngày kể từ ngày mổ.

9. Những điều cần biết sau khi ra viện?
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện. Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: Ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.
– Cách chăm sóc vết mổ:
+ Nên thay băng ngày 1 lần tại bệnh viện, có thể đăng ký dịch vụ thay băng tại nhà của Bệnh viện Gia Đình để được điều dưỡng và bác sỹ theo dõi tình trạng vết thương hoặc thay băng tại cơ sở y tế địa phương.
+ Phải giữ vết mổ sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay.
– Chế độ dinh dưỡng:
+ Ăn uống bình thường, tránh các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, café… cho đến khi lành vết thương (vì các thực phẩm này làm chậm lành vết thương).
+ Ăn nhiều rau, củ, quả (rau mồng tơi, rau đay, rau lang, khoai lang, chuối…) để tránh tình trạng táo bón.
– Tránh lao động nặng trong vòng 1 tháng sau mổ.
– Tăng cường tập luyện thể dục nhẹ nhàng.
– Tái khám sau khi uống hết thuốc để kiểm tra tình trạng bệnh. Khi có các triệu chứng bất thường như đau vết mổ nhiều, vết mổ sưng, đỏ, có dịch mủ chảy ra… cần phải tái khám ngay.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...