Những điều cần biết về bệnh viêm họng Amydale cấp

1. Viêm họng amydale cấp là bệnh gì?
– Amydale (amidan) là các tổ chức bạch huyết (của vòng bạch huyết Waldeyer) nằm ở ngã ba hầu họng, có vai trò quan trọng giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp và ăn uống.
– Amydale được hình thành từ trong thai kỳ, và phát triển đầy đủ khi trẻ chào đời, các khối amydale phát triển nhanh nhất từ khi bé sinh ra và dừng lại khi tới 7 tuổi.

– Tất cả vi khuẩn, virus xâm nhập cơ thể qua mũi miệng đều phải thông qua hệ thống kiểm soát của amydale. Tuy nhiên do tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố gây bệnh nên đôi khi chính amydale lại bị nhiễm khuẩn gọi là viêm amydale.
– Nếu không được điều trị đúng cách Amydale lại trở thành ổ lưu trú của vi khuẩn, là nguồn gây bệnh cho bộ phận khác của cơ thể như: tai, mũi, họng, phổi, ruột.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm họng amydale cấp là gì?
2.1. Tác nhân gây bệnh
– Do virus chiếm 60-80%, gồm Adénovirus, virus cúm, virus para-influenzae, virus Coxsakie, virus Herpès, virus Zona, EBV,…
– Do vi khuẩn chiếm 20-40%, gồm liên cầu (tan huyết nhóm A, các nhóm B, C, G ít gặp), Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng, Moraxella catarrhalis, vi khuẩn kị khí. Các vi khuẩn Neiseria, phế cầu, Mycoplasme rất hiếm gặp.

2.2. Nguyên nhân bệnh sinh của viêm họng amydale cấp
– Do thời tiết thay đổi, nhất là về mùa lạnh.
– Viêm họng amydale cấp thường bắt đầu bằng sự nhiễm virus. Sau đó do độc tố của virus, cấu trúc giải phẫu của amydale và sức đề kháng của cơ thể đã gây nên sự bội nhiễm các tạp khuẩn khác, thường là các vi khuẩn hội sinh có sẵn trong họng như liên cầu, phế cầu và đặc biệt nguy hiểm là loại liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.

3. Triệu chứng của viêm amydale cấp là gì?

Viêm họng amydale cấp thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện sau:
3.1. Triệu chứng toàn thân
– Sốt vừa 38 – 39 độ hoặc sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, kém ăn.
– Phản ứng hạch góc hàm di động, ấn đau.

3.2. Triệu chứng cơ năng
– Đau họng nhất là khi nuốt, kể cả khi nuốt chất lỏng.
– Khi nuốt, ho, nói thì đau nhói lên tai.
– Có thể ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm nhầy.

3.3. Triệu chứng thực thể
– Toàn bộ niêm mạc họng đỏ, xuất tiết, tổ chức bạch huyết ở thành sau họng đỏ mọng và có những mao mạch nổi rõ.
– Hai amydale khẩu cái sưng to đỏ, đôi khi có những chấm mủ trắng hoặc lớp bựa trắng (như bựa cháo trắng) phủ trên bề mặt amydale.
– Trụ trước và trụ sau đỏ.
– Có hạch góc hàm sưng nhẹ và hơi đau.

4. Những cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán và điều trị viêm họng?
– Xét nghiệm công thức máu: Giai đoạn đầu bạch cầu trong máu không tăng, nhưng nếu có bội nhiễm thì bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.
– Phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn (nếu cần thiết): Để định loại được nguyên nhân gây bệnh.

5. Những triệu chứng nào giúp chẩn đoán xác định viêm amydale?
– Đột ngột biểu hiện sốt, đau mình mẩy.
– Đau rát họng, có thể có ho khan hoặc có đờm.
– Khám họng: Niêm mạc họng đỏ, amiđan sưng nề có chấm mủ trắng.
– Khám hạch góc hàm di động ấn đau.

6. Cần chẩn đoán phân biệt viêm họng amydale cấp với những bệnh nào?
– Dị vật đường ăn: Đau nhói họng đột ngột trong khi ăn, soi họng thấy dị vật.
– Viêm niêm mạc miệng: Niêm mạc miệng đỏ, có thể thấy vết trợt, loét ở bên má, lưỡi.

7. Phương pháp điều trị viêm amydale cấp như thế nào?
7.1. Nguyên tắc điều trị
– Mọi trường hợp viêm họng amydale đỏ cấp đơn thuần ở bệnh nhân trên 3 tuổi đều phải được điều trị như một viêm họng đỏ cấp do liên cầu khi không có xét nghiệm định loại virus hoặc vi khuẩn.
– Kháng sinh nhóm beta lactam hoặc các nhóm khác.
– Điều trị triệu chứng: Giảm viêm, giảm đau, hạ sốt.
– Điều trị tại chỗ: Bôi họng, xúc họng, khí dung họng.
– Xác định nguyên nhân để điều trị.

7.2. Điều trị cụ thể
– Điều trị toàn thân:
+ Hạ sốt, giảm đau: Paracetamol, aspirin,…
+ Kháng sinh: Amoxicilin, cephalexin, erythromycin,clarythromycin,…
+ Kháng viêm: Alpha chymotrypcin, prednisolon5mg
– Điều trị tại chỗ:
+ Xông họng: Kháng sinh + giảm viêm
+ Xúc họng: Nước muối sinh lý ngày 3 – 4 lần.
– Nâng đỡ cơ thể: Bổ sung các yếu tố vi lượng, sinh tố, vitamin,…

9. Diễn tiến của bệnh viêm họng amydale cấp như thế nào?
– Nếu là do virus, bệnh thường kéo dài 3-5 ngày thì tự khỏi, các triệu chứng giảm dần.
– Nếu là do vi khuẩn bội nhiễm, đặc biệt là liên cầu, bệnh thường kéo dài ngày hơn và đòi hỏi một sự điều trị kháng sinh có hệ thống để tránh các biến chứng.

10. Bệnh viêm họng amydale cấp nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ gây ra những biến chứng gì?
– Viêm amydale nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời nhẹ có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh, bệnh nặng gây ra biến chứng như:
– Biến chứng tại chỗ: Viêm tấy hoặc áp xe quanh amydale, các khoảng bên họng; áp xe thành sau họng ở trẻ nhỏ 1-2 tuổi; viêm tấy hoại thư vùng cổ rất hiếm gặp nhưng tiên lượng rất nặng.
– Biến chứng lân cận: Viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm mũi viêm xoang cấp.
– Biến chứng xa: Đặc biệt nếu là do liên cầu tan huyết có thể gây viêm thận, viêm khớp, viêm tim, choáng nhiễm độc liên cầu hoặc cá biệt có thể nhiễm trùng huyết.

11. Cách phòng bệnh viêm họng amydale cấp như thế nào?

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cúm.
– Nâng cao mức sống, tăng sức đề kháng của cơ thể.
– Phòng hộ lao động tốt.
– Bỏ thuốc lá và rượu.
– Vệ sinh răng miệng tốt.
– Giữ vệ sinh môi trường sống, đặc biệt những người có sức đề kháng kém, có cơ địa dị ứng.
– Có biện pháp phòng tránh, bảo vệ bản thân tốt khi có những đợt dịch liên quan đến đường hô hấp, khi thời tiết giao mùa.
– Điều trị triệt để các bệnh lý mũi họng khác như viêm V.A, viêm mũi, viêm xoang mạn tính, viêm răng miệng.
– Luyện tập thể dục, thể thao, sử dụng các thuốc bổ tăng cường sức đề kháng của bản thân.
– Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
Viêm amydale cấp có thể để lại một số biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, không nên coi thường. Nên khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh nên đi khám và được điều trị triệt để đúng cách.

Để xem và tải ấn phẩm chất lượng cao, nhấn vào nút “Tải Xuống” phía dưới:

Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...