1. Bóc u là gì?
– Bóc u là thủ thuật lấy bỏ toàn bộ tổ chức khối u đi kèm với lớp vỏ bao bên ngoài ra khỏi bề mặt da.
– U phần mềm vùng hàm mặt đa phần là dạng u lành tính, một số u ngoài da thường gặp như: U bã đậu, u mỡ.
2. Những trường hợp được chỉ định bóc u?
2.1. U bã đậu
– U nổi gồ trên bề mặt da, sờ mềm, có vỏ bọc, bên trong là tổ chức bã mềm như bã đậu, có màu vàng nhạt hoặc trắng trục.
– U thường không gây cảm giác đau, không thoái hóa ác tính.
– Nguyên nhân hình thành do tuyến bã nhờn ở lỗ chân lông hoạt động kém, khiến chất thải không thoát ra được, tích tụ lâu ngày tạo thành các cục u bã.
– U hay xuất hiện ở những vùng da tiết nhiều mồ hôi, nhiều dầu, nhiều chất bã như ở vùng mặt, vai, lưng, ngực,…
2.2. U mỡ
– U có dạng hình tròn nằm dưới da, có ranh giới và vỏ bọc rõ, màu sắc da trên u bình thường và không gây đau đớn.
– U có cấu tạo gồm 2 lớp: Bên ngoài là lớp màng mỏng bao bọc, bên trong là các tế bào mỡ, các mạch máu nuôi dưỡng.
– Khi ấn nhẹ, u mềm, có thể dịch chuyển sang bên dễ dàng.
– Kích thước u đa dạng từ vài mm đến vài chục cm.
– Nguyên nhân tạo thành do sự tập trung quá mức tế bào mỡ tại một vùng cơ thể.
3. Những trường hợp chống chỉ định bóc u tương đối?
3.1. Tại chỗ
– Đang trong tình trạng nhiễm trùng cấp tính, cần điều trị nội khoa trước.
– Đang có bệnh lý cấp tính vùng hàm mặt kèm theo, cần điều trị trước.
3.2. Bệnh lý toàn thân
– Bệnh nhân trong tình trạng đói bụng.
– Thể trạng mệt mỏi, tâm lý yếu.
– Rối loạn về máu, bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, động kinh, tâm thần,… cần có hội chẩn của bác sỹ chuyên khoa.
4. Những trường hợp chống chỉ định bóc u tuyệt đối?
– Bệnh nhân có sức khỏe thể trạng quá yếu, suy kiệt.
– Bệnh nhân có các bệnh lý mãn tính mà không thể điều trị ổn định được: Máu khó đông, huyết áp cao, tiểu đường tiến triển.
– Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
5. Thời gian thực hiện bóc u?
– Tùy vào bản chất, vị trí, kích thước của từng khối u mà thời gian thực hiện thủ thuật dao động từ 30 phút – 1 tiếng.
6. Phương pháp thực hiện bóc u?
6.1. Điều trị nội khoa
Cần giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ
– Nâng cao thể trạng cơ thể bằng chế độ ăn uống dinh dưỡng.
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
– Dùng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau điều trị nhiễm khuẩn bổ trợ trước khi phẫu thuật.
6.2. Điều trị ngoại khoa
– Sát trùng khối u bằng nước muối sinh lý NaCl 0.9%, dung dịch povidin 12%.
– Gây tê tại chỗ hoặc trường hợp u mỡ có kích thước lớn (>5cm), chèn ép lên thần kinh và mạch máu lớn thì bệnh nhân được gây mê.
– Dùng dao tạo đường phù hợp với kích thước khối u.
– Cắt bỏ toàn bộ khối u và vỏ bọc.
– Cầm máu và khâu đóng tổn thương.
– Sát khuẩn, băng ép bên ngoài tổn thương.
– Bệnh nhân được kê thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
7. Những biến chứng nào xảy ra nếu không điều trị?
– U phát triển nhanh về kích thước sẽ cản trở vận động và chức năng của vùng cơ thể liên quan hoặc gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
– Đặc biệt nếu u tạo thành ổ viêm, sẽ gây sưng, nóng, đỏ, đau,… dẫn tới hoại tử, chảy mủ.
– Khi bị bội nhiễm, hoại tử sẽ gây sưng tấy, đau đớn cho bệnh nhân.
8. Những điều cần biết trước khi bóc u?
8.1. Cung cấp thông tin, tiền sử y khoa
– Tiền sử bệnh nhân: Đã từng nằm viện dài ngày hay phẫu thuật chưa, thời gian là khi nào.
– Bệnh lý toàn thân: Cao huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, bệnh lý về máu, tim mạch, xạ trị,…
– Tiền sử dị ứng: Thuốc, thức ăn,…
– Tiền sử gia đình: Cha mẹ, anh chị em ruột.
– Thông tin khác:
+ Đã ăn cách đây bao lâu, hiện tại có đói bụng không.
+ Đang trong tình trạng: có thai, cho con bú, đang thời kỳ kinh nguyệt hay không (đối với bệnh nhân nữ).
– Lưu ý đối với bệnh nhân nhỏ tuổi hay người lớn tuổi cần có người nhà đi cùng.
8.2. Thông tin về các xét nghiệm cần thực hiện, chi phí và quyền lợi của bệnh nhân
– Bác sỹ sẽ chỉ định những xét nghiệm cần thiết, điều dưỡng sẽ thông báo chi phí để bệnh nhân hoặc người nhà tiến hành tạm ứng.
– Tùy theo mức độ tổn thương, điều dưỡng sẽ thông báo chi tiết chi phí điều trị sau khi có thuốc, vật tư và thủ thuật bóc u.
– Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn làm sinh thiết, siêu âm, MRI hoặc CT Scan trong trường hợp u mỡ ở sâu hơn mô mỡ hoặc có tính chất bất thường cần phân biệt với ung thư tế bào mỡ.
– Bác sỹ sẽ thông báo về các yếu tố nguy cơ, tai biến, biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi kết thúc thủ thuật.
– Bệnh nhân hoặc người nhà sẽ ký giấy cam kết trước khi tiến hành bóc u.
9. Những điều cần biết sau khi bóc u?
– Thực hiện uống thuốc và chăm sóc tổn thương theo y lệnh của bác sỹ.
– Bệnh nhân ăn uống bình thường, không cần kiêng khem.
– Vệ sinh tổn thương, thay băng hằng ngày, giữ cho vết thương luôn khô ráo.
– Người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh chạm mạnh vào vùng hàm mặt mới bóc u.
– Vết thương được cắt chỉ sau 5-7 ngày.
– Sau khi cắt chỉ có thể sử dụng thuốc ngừa sẹo đối với các khối u ngoài mặt. Ví dụ: Dermatrix Ultra-Gel, Hiru Scar,…
– Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sỹ để kiểm tra vùng phẫu thuật và thay đổi đơn thuốc phù hợp.
10. Những dấu hiệu cần tái khám ngay lập tức
– Nếu có dị ứng thuốc cần ngưng sử dụng và tái khám.
– Các dấu hiệu nhiễm trùng:
Khi có dấu hiệu nhiễm trùng, sốt 38 độ trở lên, cần lập tức tái khám
+ Sốt 38 độ trở lên.
+ Chỗ vết thương ngày càng đau.
+ Tấy đỏ hoặc sưng phù lan rộng.
+ Mủ hoặc dịch chảy có mùi hôi từ chỗ khâu.
Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
- Tổng Đài: 19002250
- Fanpage: Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ Family
- Zalo: Family Hospital