Những điều cần biết về chăm sóc tiền thai

1. Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến phụ nữ trước khi mang thai mà bạn cần biết?
– Những yếu tố nguy cơ liên quan tới các tai biến sản khoa có nguy cơ tái phát: sẩy thai liên tiếp, thai lưu, đẻ non, băng huyết, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ,…
– Nhiễm cúm và Rubella.
– Việc sử dụng thuốc trong quá khứ.
– Thói quen hằng ngày, nghề nghiệp, môi trường sống và làm việc.
– Tiền sử bệnh của người thân trong gia đình (huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch,…).
– Các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD), đặc biệt nhiễm Chlamydia, Toxoplasma, lậu, giang mai, herpes sinh dục, Cytomegalovirus (CMV), HPV, HIV, viêm gan B,…

2. Tại sao phải thực hiện các xét nghiệm/ cận lâm sàng trước khi mang thai?
Sự trợ giúp của các xét nghiệm cận lâm sàng trước khi người phụ nữ muốn mang thai nhằm xác định:
– Các yếu tố di truyền do đột biến nhiễm sắc thể hoặc đột biến đơn gen, di truyền đa yếu tố có thể gây sẩy thai, thai chết lưu và các dị tật bẩm sinh, đặc biệt ở các cặp vợ chồng lớn tuổi hoặc quá trẻ tuổi, béo phì, những người tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại, nhiễm chất độc da cam, sử dụng dược phẩm (các thuốc an thần, chống co giật, chống sốt rét,…), mẹ bị nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.
– Không tương hợp miễn dịch giữa mẹ và con: yếu tố Rh, nhóm máu ABO,…
Kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường để chuyển đến cơ sở chuyên khoa điều trị.

3. Vì sao nên chủ động khám sức khỏe cả vợ và chồng trước khi mang thai?

– Chủ động kiểm tra sức khỏe cả vợ và chồng trước khi mang thai, khám sức khỏe định kỳ hằng năm giúp phát hiện các bệnh mạn tính tiềm ẩn để điều trị bệnh kịp thời (bệnh mạn tính, thiếu máu, thalassemia [thể bệnh α- thal và β-thal], viêm gan, viêm thận, lao, động kinh, rối loạn tâm thần, bất thường về cấu trúc hoặc chức năng cơ quan sinh dục…) giúp cho thai kỳ không làm nặng thêm các tình trạng bệnh lý, ảnh hưởng đến khả năng mang thai, sức khoẻ và tính mạng của mẹ và bé khi sinh.

4. Những phụ nữ thiếu dinh dưỡng sẽ có nguy cơ gì trong thai kỳ?
– Sinh con nhẹ cân.
– Sức khỏe của mẹ trong thời gian mang thai và sinh con.

5. Bổ sung sắt và acid folic trong thai kỳ như thế nào là hợp lý?
– Uống bổ sung viên sắt 27 – 60 mg/ngày và acid folic 400 mcg (không vượt quá 1 mg/ngày) hằng ngày ít nhất trong 3 tháng trước khi mang thai.
– Giúp phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt và có thể làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ống thần kinh, các dị tật bẩm sinh khác của thai nhi và tình trạng nhau bong non.

Ống thần kinh của phôi đóng từ 18 đến 26 ngày sau khi thụ thai, do đó bổ sung acid folic sau khi đã có thai là quá muộn để dự phòng dị tật của ống thần kinh

6. Phụ nữ cần làm gì để giảm nguy cơ nhiễm giun trước khi mang thai?
– Tẩy giun định kỳ từ 6 tháng/lần.
– Thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng), vệ sinh môi trường nhằm giảm khả năng tái nhiễm giun trở lại.

7. Các loại chất kích thích nào không nên sử dụng trong thai kỳ?
– Không sử dụng cà phê, rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, kể cả tiếp xúc với khói thuốc lá, các chất có khả năng gây nghiện khác,… các chất này gây ảnh hưởng đến thai kỳ, khả năng sinh sản của nam giới, việc bỏ hút thuốc sẽ giúp cải thiện kết quả trong thai kỳ.
– Lưu ý rằng không có ngưỡng an toàn cho việc hút thuốc khi mang thai, do đó an toàn nhất là tránh hoàn toàn khói thuốc.

8. Chế độ ăn trong kỳ thai cần đảm bảo tiêu chí nào?

– Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho phụ nữ trước khi mang thai.
– Thực hiện chế độ ăn hợp lý, đa dạng, đủ 4 nhóm thực phẩm (đạm, mỡ, đường, vitamin và muối khoáng) nhằm đạt chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường từ 18,5 – 24 hoặc có cân nặng ít nhất là trên 40kg.
– Lưu ý một số loại cá cần tránh ăn khi mang thai và thời kỳ tiền thai do những quan ngại về tác động có thể gây quái thai từ các chất độc như thủy ngân (cá thu, cá ngừ, cá kiếm,…), nên ăn các loại cá như cá cơm, cá trích, cá mòi.
– Bổ sung i-ốt hàng ngày bằng cách sử dụng muối i-ốt, bột canh i-ốt, tảo biển.

9. Bổ sung vitamin A trong thai kỳ như thế nào là hợp lý?
– Sản phụ chỉ nên sử dụng các thực phẩm giàu tiền vitamin A (beta caroten) có nhiều trong rau xanh thẩm màu, trái cây có màu cam, màu đỏ.
– Dùng quá liều vitamin A trong giai đoạn sớm của thai kỳ có liên quan đến dị tật bẩm sinh.
– Các chế phẩm có chứa Vitamin A trên 5000 IU cần tránh. Liều trên 10.000 IU/ngày làm tăng nguy cơ gây dị tật hoặc làm phát sinh ung thư,…
– Phụ nữ có sử dụng retinol để điều trị cần dừng thuốc trước khi thụ thai ít nhất 1 tháng.

10. Các loại vaccine nào nên được tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai?
– Nên tiêm phòng uốn ván, cúm, rubella, sởi, quai bị, thuỷ đậu cho phụ nữ trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.

11. Chế độ vận động, lao động trong thai kỳ như thế nào là hợp lý?
– Thực hiện chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc với các chất độc hại, kể cả các loại thuốc kháng sinh mạnh và các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
– Tập thể dục nhẹ hoặc vừa phải (theo hướng dẫn của bác sỹ) không ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ mang thai và thai nhi.

12. Vì sao cần chăm sóc sức khoẻ răng miệng trước khi mang thai?
– Sâu răng và các bệnh răng miệng khác rất phổ biến và có thể gây ra các biến chứng cho thai kỳ do đó phụ nữ cần kiểm tra sức khỏe răng miệng trước khi mang thai.

13. Trước khi mang thai, phụ nữ cần khám phụ khoa như thế nào?
– Khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng và điều trị thích hợp các bệnh phụ khoa, viêm nhiễm đường sinh sản và lây truyền qua đường tình dục.
– Với các phụ nữ có tiền sử sinh non, sẩy thai nên khám phát hiện hở eo tử cung, các dị dạng tử cung như tử cung đôi,… khám kiểm tra xương chậu.

14. Một số hướng dẫn giúp tăng khả năng thụ thai?
– Xác định thời gian có khả năng thụ thai cao nhất theo chu kỳ kinh nguyệt, lập đồ thị biểu diễn nhiệt độ cơ thể, chú ý đến tiết chất nhầy âm đạo của người vợ.
– Người chồng nên mặc những quần áo rộng rãi không bị chật và nóng để tinh hoàn sản xuất tinh trùng bình thường.

15. Cần làm gì nếu vợ chồng chưa muốn có con?
– Thực hiện tình dục an toàn và áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV.
– Thực hiện các biện pháp tránh thai để giảm thiểu hậu quả của việc phá thai đặc biệt là phá thai không an toàn nhất là đối với trẻ vị thành niên.

16. Những lưu ý dành cho phụ nữ nhiễm HIV?
– Phụ nữ nhiễm HIV chưa muốn mang thai cần áp dụng biện pháp tránh thai. Biện pháp tránh thai tốt nhất là bao cao su.
– Phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai cần được tư vấn tại cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS để chọn thời điểm mang thai hợp lý nhằm hạn chế tối đa lây truyền HIV cho con.

Khoa Phụ Sản là chuyên khoa trọng yếu trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ và sản phụ tại Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung. Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho mẹ và bé sẽ tạo nên sự thoải mái, thư giãn tối đa sau sinh để mẹ có thể nhanh chóng hồi phục, tận hưởng trọn vẹn những phút giây hạnh phúc bên con yêu.
Tại Khoa Phụ Sản Family Hành trình của Bố, Mẹ và Em bé sẽ là hành trình tuyệt vời nhất!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...