Những điều cần biết về đa ối

1. Đa ối
Đa ối là sự tích tụ quá nhiều nước ối, chất lỏng bao quanh em bé trong tử cung khi mang thai. Đa ối xảy ra trong khoảng 1 đến 2% các trường hợp mang thai.
Hầu hết các trường hợp đa ối đều nhẹ và là kết quả của sự tích tụ dần nước ối trong nửa sau của thai kỳ. Đa ối nghiêm trọng có thể dẫn đến khó thở, sinh non hoặc các biến chứng khác.

2. Nguyên nhân gây đa ối
Nguyên nhân gây đa ối thường không được xác định rõ ràng, hai nguyên nhân chính gây đa ối là:
– Khả năng nuốt của thai nhi giảm do:
+ Bất thường về não như vô não, dị tật Dandy-Walker
+ Có khối u ở mặt
+ Tắc nghẽn đường tiêu hóa như hẹp thực quản hoặc tá tràng, tắc ruột non
+ Rối loạn phổi do chèn ép như tràn dịch màng phổi, thoát vị hoành, CPAM, CHAOS, lồng ngực hẹp do loạn sản xương
+ Suy giảm chức năng thần kinh cơ trong quá trình nuốt của thai nhi.
– Thai nhi tăng tiểu tiện do:
+ Đái tháo đường và tăng ure máu ở mẹ (tăng glucose và urê gây lợi tiểu thẩm thấu)
+ Tăng tuần hoàn thai nhi do thai nhi bị thiếu máu như bệnh lý tan máu do bất đồng nhóm máu mẹ con hoặc nhiễm trùng bẩm sinh
+ Khối u của thai nhi và nhau thai như quái vùng cùng cụt, u màng mạch nhau thai
+ Hội chứng truyền máu song sinh.

3. Làm thế nào để chẩn đoán đa ối
– Siêu âm: Các bác sỹ sẽ dựa vào siêu âm đo độ sâu buồng ối lớn nhất để phân loại đa ối nhẹ (8–11 cm), trung bình (12–15 cm) và nặng (≥16 cm). Bình thường chỉ số này từ 2-8 cm.
– Khoảng 80% trường hợp đa ối là nhẹ, 15% mức độ trung bình và 5% mức độ nặng.
– Hầu hết các trường hợp đa ối nhẹ có nguyên nhân không xác định. Đa ối vừa, nặng thường là do có bất thường ở sản phụ hoặc thai nhi.
– Đa ối thường phát triển muộn trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ.
– Đa ối cấp tính ở tuần thứ 16–22 chủ yếu liên quan đến hội chứng truyền máu song thai.

4. Các cận lâm sàng cần thực hiện để đánh giá
– Siêu âm: đánh giá tình trạng đa ối và nguyên nhân gây đa ối
– Chọc ối: kiểm tra bất thường nhiễm sắc thể hoặc bất thường gen nếu thai nhi có các bất thường kèm theo hoặc thai nhi chậm tăng trưởng. Xét nghiệm DNA cho đột biến loạn trương lực cơ nếu có tư thế bất thường của các chi
– Xét nghiệm dung nạp đường để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
– Xét nghiệm TORCH để chẩn đoán nhiễm trùng bào thai

5. Hướng dẫn xử trí khi đa ối
– Thực hiện đánh giá sức khỏe thai nhi thông qua việc thực hiện các cận lâm sàng: đo tim thai, siêu âm thai, test trắc đồ sinh vật lý (test đánh giá sức khỏe thai nhi trên siêu âm).
– Đối với đa ối mức độ nhẹ và trung bình: thực hiện mỗi 1-2 tuần/ lần cho đến 37 tuần. Từ tuần thứ 37 trở đi sẽ đánh giá hàng tuần cho đến lúc sinh.
– Đối với đa ối mức độ nặng: thực hiện mỗi tuần 1 lần cho đến lúc sinh.

6. Phương pháp điều trị trước sinh
– Mẹ đái tháo đường: kiểm soát đường huyết tốt
– Phù thai do rối loạn nhịp tim: sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim theo chỉ định của bác sỹ
– Phù thai do thiếu máu thai nhi: truyền máu trong tử cung
– Nang phổi hoặc tràn dịch màng phổi: đặt shunt màng phổi.
-Các khối u của thai nhi hoặc nhau thai: dùng tia laser làm tắc các mạch nuôi dưỡng.
• Khiếm khuyết dẫn đến giảm khả năng nuốt của thai nhi hoặc đa ối tự phát nghiêm trọng: dẫn lưu ối nhiều lần nếu cổ tử cung ngắn. Tuy nhiên, quá trình này có thể dẫn đến chuyển dạ sinh non.

Thời điểm đi sinh:
• Hầu hết các trường hợp đa ối đều có chỉ định sinh thường.
• Nếu thai nhi có bất thường: khởi phát chuyển dạ khi thai được 38 tuần tại cơ sở y tế có chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh và các cơ sở phẫu thuật nhi khoa.
• Nếu thai nhi có khối U: cân nhắc mổ lấy thai
• Đa ối nặng: Khởi phát chuyển dạ và tia ối có kiểm soát để tránh nguy cơ sa dây rốn.
Biến chứng

Đa ối có liên quan đến:
• Sinh non
• Vỡ ối sớm – nước ối vỡ trước khi chuyển dạ
• Nhau bong non – khi nhau thai bong ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh
• Sa dây rốn – khi dây rốn tụt xuống âm đạo trước mặt em bé
• Thai chết lưu
• Chảy máu nhiều do thiếu trương lực cơ tử cung sau khi sinh
Đa ối xảy ra càng sớm trong thai kỳ và lượng nước ối dư thừa càng nhiều thì nguy cơ biến chứng càng cao.

Tiên lượng:
Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân gây đa ối và tuổi thai khi sinh.

Tỷ lệ tái phát:
• Nếu đa ối không có nguyên nhân rõ ràng thì hầu như không tái phát ở lần mang thai sau đó.
• Nếu đa ối có nguyên nhân do sản phụ hoặc thai nhi: Phụ thuộc vào nguyên nhân gây đa ối.

Tài liệu tham khảo:
1. American College of Obstetricians and Gynecologists’ Committee on Obstetric Practice, Society for Maternal-Fetal Medicine. Medically Indicated Late-Preterm and Early-Term Deliveries: ACOG Committee Opinion, Number 831. Obstet Gynecol 2021; 138:e35.

2. Society for Maternal-Fetal Medicine (SMFM). Electronic address: [email protected], Dashe JS, Pressman EK, Hibbard JU. SMFM Consult Series #46: Evaluation and management of polyhydramnios. Am J Obstet Gynecol 2018; 219:B2.

3. Rogers R, Moyer K, Moise KJ Jr. Congenital myotonic dystrophy: An overlooked diagnosis not amenable to detection by sequencing. Prenat Diagn 2022; 42:233.
4. Yee C, Choi SJ, Oh SY, et al. Clinical characteristics of pregnancies complicated by congenital myotonic dystrophy. Obstet Gynecol Sci 2017; 60:323.
5. Weissbach T, Hausman-Kedem M, Yanay Z, et al. Congenital hypotonia: systematic approach for the antenatal detection of an elusive condition. Ultrasound Obstet Gynecol 2023.
6. Laghmani K, Beck BB, Yang SS, et al. Polyhydramnios, Transient Antenatal Bartter’s Syndrome, and MAGED2 Mutations. N Engl J Med 2016; 374:1853.
7. Ma GC, Chen TH, Wu WJ, et al. Proposal for Practical Approach in Prenatal Diagnosis of Beckwith-Wiedemann Syndrome and Review of the Literature. Diagnostics (Basel) 2022; 12.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...