1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
– Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai.
– Đái tháo đường thai kỳ thường xảy ra từ tuần 24 – 28 của thai kỳ.
2. Các yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường thai kỳ là gì?
– Thai phụ thừa cân béo phì BMI ≥ 25 kg/m2 .
– Phụ nữ lớn tuổi, khi mang thai từ 35 tuổi trở lên.
– Đã từng sinh con với cân nặng bất thường, từ ≥ 4 kg.
– Gia đình có tiền sử bị đái tháo đường.
– Bản thân có tiền sử đái tháo đường trong lần mang thai trước đó.
– Glucose niệu dương tính.
– Tiền sử sản khoa bất thường.
– Chủng tộc: Châu Á là vùng có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao.
– Hội chứng buồng trứng đa nang.
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường thai kỳ
3. Những triệu chứng thường gặp của đái tháo đường thai kỳ?
Triệu chứng bệnh đái tháo đường thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng thai phụ có thể sẽ gặp một số biểu hiện giống những người mắc bệnh đái tháo đường:
– Luôn cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều.
– Vùng kín bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu,…
– Khó lành các vết trầy xước, vết thương.
– Sụt cân không rõ nguyên nhân.
– Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.
– Béo phì (BMI > 27 kg/ m2)
– Ăn nhiều, uống nhiều, lên cân nhiều (> 20 kg)
– Thai to, đa ối, thai lưu.
4. Đái tháo đường thai kỳ gây ra những biến chứng nào?
4.1. Nguy cơ đối với mẹ
– Tăng huyết áp: Thai phụ ĐTĐTK dễ bị tăng huyết áp hơn các thai phụ bình thường. Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi như: tiền sản giật, sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tăng tỷ lệ chết chu sinh.
– Sinh non: Thai phụ bị ĐTĐTK làm tăng nguy cơ sinh non so với các thai phụ không bị ĐTĐTK. Tỷ lệ sinh non ở phụ nữ ĐTĐTK là 26%, trong khi ở nhóm thai phụ bình thường là 9,7%.
– Đa ối: Tình trạng đa ối hay gặp ở thai phụ có ĐTĐTK, tỷ lệ cao gấp 4 lần so với các thai phụ bình thường.
– Sẩy thai và thai lưu: Thai phụ mắc ĐTĐTK tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên, chính vì vậy các thai phụ hay bị sẩy thai liên tiếp cần phải được kiểm tra đường máu một cách thường quy.
– Nhiễm khuẩn niệu: Thai phụ mắc ĐTĐTK nếu kiểm soát glucose huyết tương không tốt càng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn niệu.
– Ảnh hưởng về lâu dài: Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng, các phụ nữ có tiền sử ĐTĐTK có nguy cơ cao diễn tiến thành ĐTĐ týp 2 trong tương lai. Có khoảng 17% đến 63% các phụ nữ ĐTĐTK sẽ bị ĐTĐ týp 2 trong thời gian 5 năm đến 16 năm sau sinh.
4.2. Nguy cơ đối với thai và trẻ sơ sinh
– ĐTĐTK ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ.
+ Giai đoạn 3 tháng đầu: Thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6, thứ 7 của thai kỳ.
+ Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức.
– Tăng trưởng quá mức và thai to.
– Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh: Chiếm tỷ lệ khoảng từ 15% – 25% ở trẻ sơ sinh của các thai kỳ có đái tháo đường.
– Bệnh lý đường hô hấp: Hội chứng nguy kịch hô hấp.
– Dị tật bẩm sinh: Nếu lượng glucose huyết tương không được kiểm soát tốt trẻ có nguy cơ mắc dị tật sơ sinh.
– Tử vong ngay sau sinh: do trẻ có nguy cơ gặp phải tình trạng thiếu oxy, tăng tình trạng toan máu của thai.
– Tăng hồng cầu: Là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh của các thai phụ có ĐTĐTK.
– Vàng da sơ sinh: Tăng hủy hemoglobin dẫn đến tăng bilirubin huyết tương gây vàng da sơ sinh, xảy ra khoảng 25% ở các thai phụ có ĐTĐTK.
– Các ảnh hưởng lâu dài:
+ Gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh ĐTĐ týp 2, rối loạn tâm thần – vận động.
+ Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị ĐTĐTK có nguy cơ ĐTĐ và tiền ĐTĐ tăng gấp 8 lần khi đến 19 đến 27 tuổi.
5. Làm thế nào để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ?
– Xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) được thực hiện từ tuần 24 – 28 của thai kỳ.
– Khuyến cáo mọi phụ nữ có thai nên được sàng lọc ĐTĐTK bằng phương pháp thử nghiệm dung nạp đường (75g) thai kỳ.
– Những xét nghiệm đái tháo đường rất đơn giản, không gây đau đớn, không ảnh hưởng tới sức khỏe thai phụ và thai nhi.
* Xét nghiệm dung nạp đường được thực hiện như thế nào?
– Ba ngày trước khi tiến hành nghiệm pháp chẩn đoán, không ăn chế độ ăn có quá nhiều chất bột đường cũng như không ăn kiêng nhằm tránh ảnh hưởng nghiệm pháp.
– Nhịn đói 8 – 12 giờ trước khi làm nghiệm pháp.
– Thai phụ được lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương lúc đói trước khi làm nghiệm pháp.
– Uống ly nước đường đã được chuẩn bị sẵn trong thời gian 5 phút.
– Tiếp tục lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương ở 2 thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau uống nước glucose.
– Lưu ý: Trong thời gian làm nghiệm pháp thai phụ không ăn uống gì thêm, có thể ngồi nghỉ ngơi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong khuôn viên bệnh viện.
6. Phân biệt đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường thật sự
Có hai dạng tăng đường máu hay gặp trong thời gian mang thai:
+ Một là: Người bệnh ĐTĐ từ trước thời điểm mang thai, là ĐTĐ type 1 hoặc type 2), thai phụ có thể đang điều trị hoặc chưa phát hiện trước đó.
+ Hai là: Thai phụ hoàn toàn không có ĐTĐ từ trước, trong thời gian mang thai glucose máu tăng lên, gọi là đái tháo đường thai kỳ. Các tiêu chuẩn xét nghiệm glucose máu sau đây để giúp phân biệt ĐTĐ thật sự hoặc ĐTĐ thai kỳ:
7. Đái tháo đường thai kỳ được điều trị như thế nào?
– Điều trị đái tháo đường thai kỳ được kết hợp giữa bác sỹ nội tiết và bác sỹ sản khoa trong thời gian mang thai.
– Kiểm soát nồng độ đường huyết bằng chế độ ăn hoặc bằng thuốc insulin nhằm giảm các biến chứng cho mẹ và thai nhi.
– Có thể theo dõi chuyển dạ tự nhiên, chỉ định mổ khi thai to hoặc suy thai.
– Trong cuộc chuyển dạ, sinh mẹ cần được
+ Kiểm soát chặt chẽ đường máu.
+ Theo dõi tim thai để phát hiện và xử trí kịp thời suy thai.
+ Theo dõi chặt chẽ nồng độ đường máu để điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
– Sau sinh, trẻ được theo dõi chặt chẽ trong 3 ngày đầu để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng.
8. Cần làm gì để dự phòng đái tháo đường thai kỳ?
Để phòng chống đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ có thai đặc biệt các thai phụ có nguy cơ cao như đã sinh con trên 3,5 kg, trên 30 tuổi, thừa cân, béo phì… cần điều chỉnh lối sống để dự phòng:
– Lựa chọn thực phẩm lành mạnh.
– Kiểm soát sự tăng cân trong thai kỳ.
– Khuyến cáo giảm cân cho đối tượng bị thừa cân, béo phì trước khi mang thai.
– Hạn chế sử dụng muối.
– Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
– Hoạt động thể chất chất giúp phòng ngừa ĐTĐTK, giảm sự đề kháng insulin, kiểm soát glucose huyết tương và rối loạn chuyển hóa lipid máu,…
– Áp dụng phương pháp nấu ăn lành mạnh và giảm tiêu thụ thực phẩm có nhiều đường, nhiều chất béo, muối và thực phẩm ít chất xơ.
– Thai phụ bị ĐTĐ nên tiếp tục duy trì thói quen ăn uống lành mạnh ngay cả sau khi sinh để giảm nguy mắc ĐTĐ type 2 và hội chứng chuyển hóa sau khi sinh.