Những điều cần biết về điều trị bảo tồn gãy xương cẳng chân

1. Định nghĩa
Cẳng chân gồm có 2 xương: xương chày và xương mác, xương chày lớn hơn và chịu trách nhiệm chính cho chịu lực tỳ nén của cơ thể.
Gãy xương cẳng chân rất thường gặp trong cả chấn thương trực tiếp và gián tiếp, có thể gặp trường hợp gãy 1 xương hoặc cả 2 xương, xương cẳng chân rất dễ gãy hở do xương nằm sát da.

Hình ảnh 1: Cấu tạo hai xương cẳng chân

2. Nguyên nhân gây gãy xương cẳng chân
– Gãy xương do tai nạn giao thông.
– Gãy xương do tai nạn lao động.
– Gãy xương gặp trong thể thao.
– Gãy xương do mỏi: hay gặp nhất ở những người đi bộ dài ngày hay những vận động viên chạy marathon.
– Gãy xương do bệnh lý: viêm xương tủy xương, ung thư xương gây gãy.

3. Triệu chứng thường gặp
– Sau chấn thương sẽ đau chói tại ổ gãy, chân gãy không vận động được. Chân cong vẹo, biến dạng gập góc, ngắn hơn bình thường.
– Cẳng chân sưng nề nhiều, có thể có phỏng nước, sờ thấy đầu gãy dưới da hoặc gãy hở.
– Có thể có choáng chấn thương.
– Phim XQ: chẩn đoán gãy xương, kiểu gãy và di lệch, số lượng mảnh gãy và các chấn thương khác.

4. Biến chứng nếu không điều trị
– Gãy hở do đầu xương gãy chọc ra da.
– Tổn thương mạch máu thần kinh: bó mạch chày sau.
– Sốc mất máu, sốc chấn thương do đau.
– Chèn ép khoang cấp tính.
– Gãy thiếu da, tổn thương phần mềm rộng, yêu cầu làm vạt che phủ.
– Nếu không phẫu thuật có thể gây tình trạng: nhiễm trùng, cal lệch, cứng khớp.

5. Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn là phương pháp điều trị nội khoa dùng thuốc giảm đau, canxi và bó bột cố định xương gãy, không can thiệp ngoại khoa.
– Điều trị bảo tồn được áp dụng trong một số ít trường hợp: gãy kín, đơn giản, ít di lệch, người già,…
– Thời gian điều trị: bó bột đùi bàn chân 4- 6 tuần; sau đó thay bột dưới gối trong 2 tuần. Tổng thời gian điều trị khoảng 6-8 tuần.

– Nguy cơ có thể gặp sau bó bột?
+ Biến chứng do bột chèn ép sẽ có biểu hiện sưng đau, tê, tím đầu chi cần phải tháo bột.
+ Biến chứng do lỏng bột do chi giảm sưng nề, làm mất tác dụng cần thay bột.
+ Dị ứng với bột: biểu hiện bỏng da, ngứa, viêm da,…
+ Biến chứng do vật lạ rơi vào trong bột biểu hiện ngứa, khó chịu.
+ Biến chứng do rối loạn dinh dưỡng nguyên nhân do bất động lâu ngày thiếu tập luyện, biểu hiện teo cơ, cứng khớp, loãng xương, tăng calci máu, bệnh nhân thấy đau khi vận động sau tháo bỏ bột, chức năng chi bị giảm.
+ Hư bột do di chuyển, va chạm nhiều, làm mất tác dụng cần thay bột.

6. Những điều cần biết khi bó bột?
Bệnh nhân được bó bột và kiểm tra chụp phim cẳng chân để kiểm tra kết quả sau bó bột tốt, bệnh nhân sẽ được ra viện điều trị ngoại trú tại nhà.
– Các dấu hiệu cần theo dõi sau bó bột:
+ Cảm giác chật chội, căng tức phần cẳng chân: cần báo lại cho nhân viên y tế nếu căng tức nhiều để bác sĩ can thiệp nới bột kịp thời tránh tình trạng chèn ép bột.
+ Nằm kê cao chân bó bột để giảm sưng nề, nếu thấy tím các đầu ngón chân thì báo ngay cho nhân viên y tế để xử lý.
– Các vấn đề cần chăm sóc theo dõi sau khi xuất viện:
+ Nằm kê cao chân bó bột để tránh sưng nề và chèn ép.
+ Luôn giữ bột khô ráo, nếu để bị ẩm ướt bột sẽ gây ngứa ngáy kích ứng da.
+ Theo dõi các đầu chi nếu sưng đau nhiều hoặc bột chặt phải tái khám ngay để bác sĩ kiểm tra tháo bột.
+ Theo dõi nếu thấy bột bị lỏng không ôm sát do chân giảm sưng nề, lúc đó bột không còn tác dụng nên cần tái khám để bác sĩ kiểm tra thay bột.
+ Không dùng que đưa vào trong để gãi sẽ gây xây xát da dễ dẫn đến nhiễm trùng vết thương.
+ Không được tự ý cắt ngắn bột hoặc cắt xén mép bột khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
+ Luôn giữ cho bột sạch sẽ và vệ sinh sạch sẽ phần đầu chi không có bột.
+ Chú ý màu sắc quanh mép bột, nếu thấy trầy xướt, tấy đỏ thì cần tái khám ngay.
– Tái khám sau 04 tuần để bác sĩ kiểm tra bột hoặc tái khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường như vỡ bột, đau tức chân bó bột, các đầu chi tím tái sưng nề,…

Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Khoa Ngoại Family qua:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...