Những điều cần biết về điều trị và chăm sóc tiền sản giật

1. Tiền sản giật là gì?
– Tiền sản giật (TSG) là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén, đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp (HA) và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của tiền sản giật.
– Tiền sản giật thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Khi bệnh khởi phát trước tuần thứ 34, được gọi là TSG khởi phát sớm. TSG cũng có thể xuất hiện trong những tuần đầu sau sinh.2. Các yếu tố nguy cơ của tiền sản giật là gì?
2.1. Đặc điểm mẹ
– Mức sống thấp.
– Lạm dụng chất kích thích.

2.2. Tiền sử
– Có trên một lần mang thai TSG, đặc biệt là tiền sử TSG sớm và sinh cực non (< 28 tuần); tiền sử gia đình bị TSG (mẹ hoặc chị em gái).
– Bệnh thận mạn tính.
– Bệnh lý tự miễn: lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid.
– Bệnh lý tăng đông máu.
– Đái tháo đường type 1 hoặc type 2.
– Tăng HA mạn tính.
– Tiền sử gia đình mắc các bệnh tim mạch sớm, mẹ thai phụ có tăng HA.

2.3. Tình trạng thai kỳ này
– Cách lần mang thai trước > 10 năm.
– Mang thai con so.
– Đa thai.
– Chồng, bạn tình khác so với các lần mang thai trước.
– Có sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
– Mẹ mang thai ở tuổi từ 40 trở lên.
– Hút thuốc lá trong thai kỳ.
– Chỉ số khối cơ thể (BMI) trước mang thai ≥ 35kg/m2.
– Mức HA cơ bản: Huyết áp tâm thu > 130mmHg hoặc Huyết áp tâm trương > 80mmHg.
– Tăng cân quá mức trong thai kỳ.
– Nhiễm trùng thai nghén.
– Bệnh lý tế bào nuôi.
– Tăng triglycerid trong thai kỳ.

3. Tiền sản giật có thể gây ra những biến chứng nào?
3.1. Đối với sản phụ
– Sản giật.
– Hội chứng HELLP (Hemolysis, Elevated Liver enzymes, Low Platelets): thiếu máu, tăng men gan, giảm tiều cầu.
– Phù phổi cấp.
– Xuất huyết não.
– Vỡ gan.
– Nguy cơ tử vong.

3.2. Đối với thai nhi
– Thiểu ối.
– Nhau bong non.
– Sinh non.
– Thai chậm tăng trưởng.
– Thai lưu.

4. Dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật là gì?
4.1. Dấu hiệu và triệu chứng ban đầu
TSG có thể khởi phát âm thầm mà bạn không thể nhận biết được. Các triệu chứng có thể bao gồm:
– Đột ngột phù tay, mặt hoặc chân.
– Đau đầu dữ dội không bớt sau khi nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau.
– Nhìn thấy chớp sáng hoặc thay đổi thị lực.
– Đau bụng vùng dạ dày. Đau có thể lan ra 2 bên xương sườn.
– Buồn nôn và nôn (ở nửa sau của thai kỳ).
– Tăng cân đột ngột.
– Khó thở

4.2. Những triệu chứng nặng của tiền sản giật?
Sản phụ mắc TSG khi có các triệu chứng sau có nghĩa tình trạng tiền sản giật đang tiến triển nặng:
– Số lượng tiểu cầu thấp.
– Chức năng gan và thận bất thường.
– Đau vùng bụng trên.
– Thay đổi thị lực.
– Có dịch trong phổi.
– Đau đầu dữ dội.
– HA tâm thu ≥ 160 mmHg hoặc HA tâm trương ≥ 110 mmHg.

5. Tiền sản giật được chẩn đoán như thế nào?
– Chỉ số HA cao có thể là dấu hiệu đầu tiên của TSG. Nếu chỉ số HA của bạn cao, thì bạn nên đến bệnh viện để được bác sỹ kiểm tra sức khoẻ và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết:
– Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra protein.
– Xét nghiệm kiểm tra chức năng gan và thận.
– Xét nghiệm số lượng tiểu cầu trong máu.

6. Tiền sản giật được phân loại như thế nào?
– Về mặt triệu chứng, TSG được phân loại thành:
+ TSG chưa có triệu chứng nặng.
+ TSG có triệu chứng nặng.
– Về thời gian xuất hiện trong thai kỳ, TSG được phân loại thành:
+ TSG khởi phát sớm: xuất hiện < 34 tuần 0 ngày.
+ TSG khởi phát muộn: xuất hiện ≥ 34 tuần 0 ngày.

7. Mục tiêu trong điều trị tiền sản giật?
Bác sỹ sẽ trao đổi về cách xử trí tình trạng tiền sản giật bạn gặp phải với mục tiêu:
– Đối với sản phụ
+ Ngăn cản sự tiến triển của bệnh, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
+ Cải thiện tình trạng bệnh và giảm tỉ lệ tử vong mẹ.
– Đối với thai nhi:
+ Đảm bảo sự phát triển của thai nhi.
+ Hạn chế nguy cơ có thể xảy ra cho thai: thai lưu, kém phát triển.
+ Giảm tỉ lệ bệnh tật, tỉ lệ tử vong chu sinh.

8. Tiền sản giật chưa có triệu chứng nặng được điều trị như thế nào?
– Sản phụ mắc TSG không có triệu chứng nặng có thể được điều trị tại bệnh viện hoặc ngoại trú.
– Khi điều trị, sản phụ cần theo dõi HA và theo dõi cử động của thai nhi hàng ngày tại nhà.
– Tái khám thai 1-2 tuần/lần.
– Đối với sản phụ tiền sản giật có thể kết thúc thai kỳ vào tuần thứ 37 hoặc sớm hơn nếu tình trạng của mẹ và thai nhi không tốt.
– Phương pháp chấm dứt thai kỳ sẽ phụ thuộc vào tuổi thai, ngôi thai, tình trạng cổ tử cung, tình trạng sức khỏe mẹ và thai nhi,…
– Sản phụ mắc TSG có thể khởi phát chuyển dạ và sinh thường đường âm đạo, nếu có vấn đề trong quá trình chuyển dạ, có thể cần mổ lấy thai.

9. Tiền sản giật có triệu chứng nặng được điều trị như thế nào?
– Nếu mắc TSG có triệu chứng nặng, sản phụ được chỉ định nhập viện để điều trị.
– Nếu sản phụ đang mang thai ≥ 34 tuần có tiền sản giật triệu chứng nặng, có thể được chỉ định kết thúc thai kỳ ngay khi tình trạng ổn định.
– Nếu sản phụ mang thai < 34 tuần và tình trạng ổn định sau điều trị thì có thể tiếp tục theo dõi thai kỳ.
– Việc trì hoãn kết thúc thai kỳ vài ngày có thể cho phép thời gian để tiêm corticosteroid, có thể giúp phổi của thai nhi trưởng thành. Trì hoãn cũng có thể giúp sản phụ có thời gian dùng thuốc hạ HA và ngăn ngừa co giật.
– Nếu sức khỏe của sản phụ hoặc thai nhi xấu đi, có thể được chỉ định kết thúc thai kỳ ngay lập tức.

10. Có thể dự phòng nguy cơ tiền sản giật được không?
TSG có thể dự phòng được bằng cách xác định xem sản phụ có các yếu tố nguy cơ của TSG hay không và thực hiện các bước để giải quyết chúng.
– Yếu tố nguy cơ cao: Tiền sử TSG (đặc biệt khi có biến chứng nặng), đa thai, tăng HA mạn, đái tháo đường type 1 hoặc 2, bệnh thận, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid,…
– Yếu tố nguy cơ trung bình: Thai con so, béo phì (BMI >30kg/m2), tiền sử gia đình TSG (mẹ hoặc chị, em), mẹ trên 35 tuổi, đặc điểm xã hội (điều kiện kinh tế xã hội thấp), tiền sử thai nhẹ cân, kết quả thai kỳ bất lợi, khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 10 năm.

11. Dự phòng tiền sản giật bằng cách nào?
– Sử dụng Aspirin liều thấp có thể làm giảm nguy cơ TSG ở một số phụ nữ mang thai. Bác sỹ có thể chỉ định dùng aspirin liều thấp nếu bạn có nguy cơ cao bị TSG hoặc khi có hai yếu tố trở lên nguy cơ trung bình của TSG.

12. Bạn nên làm gì khi bị tăng huyết áp và muốn có thai?
Bạn cần gặp bác sỹ sản phụ khoa để được kiểm tra trước khi mang thai để:
– Bác sỹ sẽ thăm khám và đánh giá liệu tình trạng HA cao của bạn có được kiểm soát hay không và nó có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn hay không.
– Thực hiện các xét nghiệm kiểm tra sức khoẻ tim mạch và thận.
– Xem xét các loại thuốc điều trị tăng HA bạn đang sử dụng có an toàn cho thai kỳ hay không.
– Bác sỹ sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin đặc biệt cần lưu ý về tiền sản giật trong thai kỳ.

Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho mẹ và bé sẽ tạo nên sự thoải mái, thư giãn tối đa sau sinh để mẹ có thể nhanh chóng hồi phục, tận hưởng trọn vẹn những phút giây hạnh phúc bên con yêu.
Tại Khoa Phụ Sản Family Hành trình của Bố, Mẹ và Em bé sẽ là hành trình tuyệt vời nhất!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...