1. Gãy xương hàm trên là gì?
– Gãy xương hàm trên là tình trạng mất liên tục hoặc gián đoạn xương hàm trên do chấn thương.
2. Triệu chứng của gãy xương hàm trên là gì?
Tùy vào vị trí và mức độ gãy mà xuất hiện các triệu chứng:
– Ngoài mặt:
Sưng nề mặt, quanh hốc mắt hai bên hoặc vùng môi trên; biến dạng lõm mặt; sờ ấn có gián đoạn xương và đau chói.
– Trong miệng:
Bầm tím nướu, môi; di động bất thường 2 răng tương ứng vị trí gãy; di lệch toàn bộ cung răng trên.
– Mắt:
Thâm tím mi mắt và tụ máu kết mạc; song thị, di lệch nhãn cầu (hai mắt dang xa, mắt xếch, lồi mắt, lõm mắt); chảy nước mắt sống.
– Chảy máu mũi.
– Tổn thương thần kinh:
Có thể gây hiện tượng mất ngửi; giảm hoặc mất thị lực; tê bì môi trên, má, cánh mũi,…
– Há miệng khó, đau nhức; không thể ăn nhai được.
– Cắn răng 2 hàm lại có cảm giác không ăn khớp.
3. Những biến chứng có thể xảy ra?
– Những di chứng lâu dài do điều trị không đúng cách hoặc không điều trị có thể ảnh hưởng sâu sắc đến thẩm mỹ cũng như các chức năng ăn nhai, thị giác, khứu giác, phát âm của bệnh nhân.
– Điều trị đúng và đủ sẽ giúp giảm mức độ hoặc loại bỏ các biến chứng:
– Sưng đau, chảy máu kéo dài.
– Cal lệch: Có thể gây sai khớp cắn, biến dạng mặt.
– Nhiễm trùng: Có thể gây viêm xoang hàm, viêm xương, viêm màng não.
– Tổn thương thần kinh: Có thể gây mất ngửi; giảm hoặc mất thị lực; rối loạn vận động nhãn cầu; sụp mi mắt; rối loạn cảm giác.
– Khớp giả.
– Tắc lệ đạo: Gây chảy nước mắt sống và nhiễm trùng mắt.
– Di lệch nhãn cầu; song thị; lõm mắt, thụt mắt.
4. Các phương pháp điều trị gãy xương hàm trên hiện nay?
4.1. Bảo tồn
– Dùng nẹp kim loại và chỉ kẽm để buộc cố định xương gãy qua trung gian hàm răng hoặc sử dụng khí cụ ngoài mặt để kéo xương hàm trên mà không cần phải phẫu thuật.
– Bệnh nhân cần mang cung cố định trong vòng 3-4 tuần. Có hai phương pháp là:
+ Cố định liên hàm.
+ Sử dụng khí cụ ngoài mặt.
– Ưu điểm của phương pháp:
+ Không cần phải phẫu thuật.
+ Chi phí điều trị thấp.
+ Phù hợp với bệnh nhân lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ
– Nhược điểm:
+ Thời gian điều trị kéo dài, tỷ lệ thất bại cao.
+ Phải có răng đã mọc đủ cứng chắc để buộc cung và chỉ kẽm.
+ Khó khăn trong vệ sinh răng miệng và ăn nhai, dễ dẫn đến các bệnh lý viêm nướu, sâu răng sau đợt điều trị.
+ Khí cụ ngoài mặt cồng kềnh gây nặng nề, khó khăn cho bệnh nhân trong giao tiếp.
4.2. Phẫu thuật
– Bệnh nhân được phẫu thuật nắn chỉnh đưa các đầu xương gãy về đúng vị trí giải phẫu và khớp cắn, qua đó phục hồi các chức năng như ăn nhai, nhìn, thở, phát âm,… đồng thời phục hồi lại thẩm mỹ khuôn mặt.
– Phương tiện cố định là nẹp vít bằng titan và chỉ thép phẫu thuật nên không cần phải tháo phương tiện. Trường hợp cần thiết phải tháo vì bệnh nhân có dị cảm với phương tiện thì thời gian tối thiểu để có thể tháo phương tiện kết hợp xương là 6 tháng.
– Có hai phương pháp thực hiện:
+ Phẫu thuật treo xương hàm trên (treo Adam).
+ Phẫu thuật nắn chỉnh kết hợp xương bằng nẹp vít.
– Ưu điểm của phương pháp:
+ Cố định vững chắc đường gãy giúp lành thương tốt, sớm với tỉ lệ biến chứng thấp.
+ Vận động há ngậm, ăn nhai, nói sớm, tránh bị dính khớp thái dương hàm.
+ Dễ vệ sinh răng miệng, dễ ăn nhai, nói, nuốt sau mổ.
+ Tạo sự thoải mái cho bệnh nhân sau điều trị.
– Nhược điểm:
+ Chi phí điều trị cao, cần có phẫu thuật viên kinh nghiệm.
+ Một số trường hợp bệnh nhân bị dị cảm nẹp vít, chỉ thép phải lấy ra (tỉ lệ thấp).
5. Thời gian điều trị mất bao lâu?
Thời gian điều trị dự kiến
– Phương pháp bảo tồn:
+ Thời gian thực hiện thủ thuật buộc cố định liên hàm từ 15-30 phút.
+ Sau đó bệnh nhân cần mang cung cố định này trong vòng 3-4 tuần.
– Phương pháp phẫu thuật:
+ Thời gian phẫu thuật khoảng 2h.
+ Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ nằm viện khoảng 5 ngày và xuất viện khi sức khoẻ ổn định.
Tùy vào tình hình thực tế, thời gian thực hiện thủ thuật, phẫu thuật có thể thay đổi để đảm bảo kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
6. Những dấu hiệu cần tái khám?
Cần theo dõi và tái khám khi cảm thấy đau nhức nhiều, ngày càng tăng
6.1. Đối với điều trị bảo tồn
– Tái khám mỗi tuần 1 lần để kiểm tra tình trạng cung cố định hàm, cung cố định hàm sẽ được tháo ra sau 3-4 tuần.
– Hoặc tái khám ngay nếu có các biểu hiện sau đây:
+ Chảy máu, chảy mủ, sưng nề lớn, sốt cao liên tục không giảm.
+ Đau nhức nhiều, sau khi sặc thức ăn.
6.2. Điều trị phẫu thuật
– Tái khám sau 5 ngày sau khi hết toa thuốc ra viện.
– Hoặc tái khám ngay khi có dấu hiệu bất thường vùng mổ:
+ Chảy máu, chảy mủ, sưng nề lớn, sốt cao liên tục không giảm.
+ Đau nhức nhiều, hàm răng cắn lệch, không ăn nhai được.
+ Di động bất thường của hàm dưới trong quá trình ăn nhai.
+ Không há được miệng.
- Tổng Đài: 19002250
- Fanpage: Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ Family
- Zalo: Family Hospital