1. Thế nào là khí dung thuốc giãn phế quản?
Khí dung thuốc giãn phế quản là hình thức đưa thuốc giãn phế quản dưới dạng sương mù, các hạt có kích thước từ 1- 5 micromet vào khí phế quản để điều trị.
Trong điều trị bệnh lý co thắt cơ trơn phế quản, các thuốc giãn phế quản dạng xịt, hít, khí dung (gọi chung là thuốc dạng phun – hít) thường được ưu tiên sử dụng vì:
– Thuốc đến trực tiếp niêm mạc đường thở nên cho tác dụng nhanh, tối ưu
– Liều của thuốc thấp, ít gây tác dụng phụ
– Thuốc nằm chủ yếu tại niêm mạc đường thở và chỉ ngấm vào máu với nồng độ rất thấp.
– Giúp cung cấp thêm một lượng nước vào đường thở, có tác dụng làm loãng đờm và tạo thuận lợi cho việc khạc đờm của bệnh nhân.
2. Các chỉ định của khí dung thuốc giãn phế quản gồm những gì?
Khí dung thuốc giãn phế quản nhìn chung được chỉ định cho những trường hợp có co thắt phế quản gây khó thở cho người bệnh trong các trường hợp bệnh lý sau:
– Người bệnh mắc các bệnh lý: hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
– Giãn phế quản trong đợt cấp (có co thắt phế quản).
– Người bệnh sau khi rút ống nội khí quản có biểu hiện co thắt thanh khí quản.
3. Khí dung thuốc giãn phế quản chống chỉ định trong trường hợp nào?
– Không sử dụng phương pháp khí dung thuốc giãn phế quản với những bệnh nhân dị ứng với các thành phần có trong thuốc giãn phế quản.
4. Những tác dụng phụ có thể có khi phun khí dung thuốc giãn phế quản?
Như tất cả thuốc khác, thuốc giãn phế quản cũng có một số tác dụng phụ, dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến:
– Ho, khô miệng.
– Run (ví dụ: run bàn tay), căng thẳng thần kinh, đau đầu, chuột rút, cảm giác tim đập mạnh liên hồi.
– Đánh trống ngực, cảm giác ốm, buồn nôn, nhức đầu, co giật.
– Tác dụng phụ hiếm gặp: giãn mạch ngoại biên, loạn nhịp tim, hạ kali máu, tăng glucose và acid béo tự do trong máu, phản ứng quá mẫn (dị ứng).
5. Quy trình phun khí dung thuốc giãn phế quản?
Mỗi lần khí dung thuốc giãn phế quản mất khoảng 15-20 phút tùy thuộc vào máy sử dụng để phun khí dung. Thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay nhanh
Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ và thuốc:
– Máy phun khí dung
– Dụng cụ đựng thuốc (tùy thuộc từng loại máy)
– Dụng cụ thở (mask thở)
– Thuốc dãn phế quản
– Nước muối sinh lý vô trùng (Natrichlorid 0.9%)
Lưu ý: Các dụng cụ này phải được làm sạch, để khô sau lần sử dụng trước đó
Bước 3: Pha thuốc
– Lấy thuốc vào trong dụng cụ đựng
– Pha nước muối sinh lý sao cho đảm bảo thể tích tối thiểu theo yêu cầu của từng loại máy và dụng cụ đựng
Bước 4: Tiến hành thở khí dung
– Lắp hệ thống đựng thuốc, dây dẫn vào máy, chỉnh chế độ phun phù hợp (tùy thuộc từng loại máy)
– Đeo mask thở sao cho ôm khít mặt, phần mask phải che kín được mũi miệng
– Điều chỉnh máy và hít thở.
– Lưu ý: hướng dẫn người bệnh kỹ thuật hít
+ Hít sâu bằng miệng
+ Ngưng lại 1- 2 giây
+ Thở chậm ra bằng mũi
Bước 5: Vệ sinh sau khi thở
– Vệ sinh toàn bộ dụng cụ sử dụng và để khô
– Súc họng sau 15 phút thở khí dung
6. Khi nào cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện?
– Tình trạng khó thở tăng dần, sử dụng thuốc khí dung nhưng không cải thiện.
– Xuất hiện các tình trạng: mề đay, dị ứng, buồn nôn, hồi hộp,…
Khi gặp các trường hợp trên, ngưng ngay thuốc đang thở, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.
Với đầy đủ các chuyên khoa về hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, tim mạch, thần kinh,… cùng đội ngũ bác sỹ giàu kinh nghiệm, Khoa Nội đã và đang đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao cho tất cả người bệnh.
- Tổng Đài: 19002250
- Fanpage: Family Hospital
- Zalo: Family Hospital