Những điều cần biết về kỹ thuật nội soi bàng quang – niệu quản chẩn đoán

“Giải pháp cho những băn khoăn khi chưa biết rõ nguyên nhân”

1. Nội soi niệu quản chẩn đoán là gì?
– Nội soi là phương pháp chẩn đoán được sử dụng phổ biến cho nhiều bộ phận trong cơ thể như: dạ dày, đại tràng, tai mũi họng,…
– Kỹ thuật nội soi bàng quang – niệu quản là phương pháp dùng hệ thống camera nội soi để quan sát bên trong niệu đạo, bàng quang, niệu quản, kỹ thuật được áp dụng cả trong chẩn đoán lẫn điều trị bệnh đường tiết niệu.

2. Thủ thuật nội soi niệu quản chẩn đoán được áp dụng khi nào?

– Mục đích của thủ thuât nội soi niệu quản chẩn đoán nhằm thám sát và tìm ra nguyên nhân gây bệnh tại niệu đạo, bàng quang, niệu quản. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng nguyên nhân.
– Nội soi bàng quang giúp tìm ra nguyên nhân của các bệnh lý như:
+ Hội chứng rối loạn đường tiểu dưới.
+ Tiểu ra máu.
+ Khối u ác tính.
+ Hỗ trợ chụp niệu quản bể thận ngược dòng.
+ Lấy nước tiểu niệu quản phục vụ xét nghiệm.
+ Các chỉ định khác.
– Khi kết quả nội soi bàng quang không phát hiện vấn đề bất thường sẽ giúp loại trừ một số nguyên nhân bệnh lý. Ngoài ra, kỹ thuật nội soi bàng quang còn được sử dụng để theo dõi diễn tiến của bệnh hoặc đánh giá kết quả điều trị.
– Nội soi điều trị bệnh lý ở bàng quang, niệu quản như:
+ Loại bỏ sỏi, dị vật bàng quang.
+ Cắt polyp hoặc khối u tại bàng quang.
+ Đặt ống thông JJ niệu quản.
+ Điều trị viêm, u xơ tiền liệt tuyến.

3. Những trường hợp nào không được áp dụng nội soi bàng quang – niệu quản?
– Viêm niệu đạo cấp.
– Viêm tiền liệt tuyến cấp tính.
– Viêm tinh hoàn – mào tinh hoàn cấp.
– Sốt do nhiễm trùng đường tiết niệu.
– Rối loạn đông máu.

4. Mất bao nhiêu thời gian để thực hiện thủ thuật? Ưu điểm của kỹ thuật này là gì?
– Thời gian thực hiện thủ thuật tùy thuộc vào mức độ phức tạp của bệnh lý, đối với các bệnh nhẹ, điều trị đơn giản, quy trình thực hiện chỉ khoảng 10 – 15 phút.
– Ưu điểm của nội soi bàng quang là:
+ Không dùng biện pháp gây mê mà dùng gel thoa gây tê tại chỗ.
+ Là kỹ thuật ít xâm lấn.
+ Thời gian thực hiện nhanh, tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng như điều trị bệnh nếu có.
+ Bệnh nhân có thể ra viện ngay sau khi hoàn tất quy trình nội soi nếu tình trạng bệnh ổn định.

5. Tác dụng phụ có thể gặp phải và triệu chứng cần tái khám?
– Thông thường, sau khi nội soi bàng quang, bệnh nhân không gặp phải bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ đầu, người bệnh có thể có một số tình trạng:
+ Cảm giác nóng nhẹ khi đi tiểu.
+ Tiểu nhiều hơn.
+ Nước tiểu có màu hồng loãng do chảy máu nhẹ (đặc biệt khi thực hiện lấy mẫu mô sinh thiết).
– Một số trường hợp có thể bị nhiễm trùng đường tiểu trong thời gian ngắn sau nội soi bàng quang với biểu hiện sốt và đau khi đi tiểu.
– Hiếm gặp, bệnh nhân có thể bị thủng bàng quang do thao tác dụng cụ nội soi của nhân viên y tế.
– Nếu sau khi nội soi bàng quang, bệnh nhân có triệu chứng đau, chảy máu nghiêm trọng; đau hoặc chảy máu trên 2 ngày; bùng phát dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, đau hông lưng, tiểu buốt, tiểu rát, nước tiểu đục,… thì cần đi khám lại ngay.

6. Những điều bệnh nhân cần biết trước trước khi thực hiện thủ thuật
6.1. Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế
– Cung cấp thẻ BHYT/BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong quá trình điều trị.
– Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống.
– Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi).
– Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng như: thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn, các thuốc khác nếu có.

6.2. Những điều bệnh nhân cần thực hiện trước khi tiến hành thủ thuật để đảm bảo an toàn
– Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng ngoài y lệnh cần phải xin ý kiến của bác sỹ.
– Phải làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết trước thủ thuật như: công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim.
– Phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước (kể cả uống nước, sữa, café, kẹo cao su) ít nhất 6h trước khi thực hiện thủ thuật, để tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế.
– Cởi bỏ tư trang cá nhân, răng giả (nếu có) giao cho người nhà giữ hoặc nếu không có người nhà có thể ký gửi tại phòng hành chính khoa.
– Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với nữ, cạo râu sạch sẽ đối với nam.
– Tắm toàn thân và mặc quần áo bệnh nhân vô trùng sau khi tắm (không mặc quần áo lót), đội mũ phẫu thuật.
– Đi tiểu trước khi chuyển đi thực hiện thủ thuật.
– Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí thực hiện thủ thuật.

6.3. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ thực hiện cho bệnh nhân trước thủ thuật
– Bệnh nhân hoặc người nhà >18 tuổi (gồm ba/mẹ/vợ/chồng) cần phải ký cam kết trước khi thực hiện thủ thuật.
– Truyền dịch nuôi dưỡng giúp bệnh nhân đỡ đói và khát trong thời gian nhịn ăn.
– Tiêm kháng sinh dự phòng nhiễm trùng.
– Nhân viên y tế vận chuyển xuống phòng thủ thuật bằng xe lăn.

7. Những điều bệnh nhân cần thực hiện khi ra viện
7.1. Theo dõi điều trị
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện.
– Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở,… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.

7.2. Chế độ dinh dưỡng
– Uống nhiều nước (2.5 lít/ ngày), bổ sung thêm nước cam, chanh để hạn chế bệnh viêm và sỏi đường tiết niệu.
– Chế độ ăn tăng cường dinh dưỡng và nhiều rau xanh.
– Tránh các chất kích thích như bia, rượu, cà phê,… không hút thuốc lá trong quá trình điều trị thuốc.

Uống nhiều nước và bổ sung vitamin C giúp hạn chế viêm, sỏi đường tiết niệu

7.3. Sinh hoạt và vận động
– Làm việc và vận động bình thường, nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.
– Vệ sinh bộ phận sinh dục và không nhịn tiểu.

7.4. Thời điểm cần tái khám
– Nếu sau khi nội soi bàng quang, bệnh nhân có triệu chứng đau, chảy máu nghiêm trọng, đau hoặc chảy máu trên 2 ngày, bùng phát dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, đau hông lưng, tiểu buốt, tiểu rát, nước tiểu đục,… thì cần đi khám lại ngay.
– Nếu trong quá trình tán sỏi bác sỹ sẽ đăt 01 ống sonde JJ từ thận xuống bàng quang, cần tái khám sau 01 tháng để rút sonde JJ.
– Khám định kỳ 3-6 tháng/ lần để phát hiện và điều trị sớm.

Để xem và tải ấn phẩm chất lượng cao, nhấn vào nút “Tải Xuống” phía dưới:

Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...