1. Trượt đốt sống là gì?
Trượt đốt sống là tình trạng đốt sống trên trượt ra trước hoặc ra sau so với đốt sống dưới. Tình trạng này khiến bệnh nhân đau thắt lưng, đi đứng khó khăn, và thường đau lan xuống một hoặc hai chân.
Hình 1: Mô phỏng gãy trượt đốt sống
2. Nguyên nhân gây trượt đốt sống là gì?
– Trượt đốt sống bẩm sinh.
– Trượt đốt sống do khuyết eo.
– Trượt đốt sống do thoái hóa.
– Trượt đốt sống do bệnh lý nhiễm khuẩn hoặc ung thư
– Trượt đốt sống do chấn thương.
– Trượt đốt sống sau phẫu thuật.
3. Triệu chứng của trượt đốt sống?
3.1. Triệu chứng lâm sàng
– Hội chứng cột sống
Đau thắt lưng, co cứng cơ cạnh sống, hạn chế tầm vận động của cột sống, và dấu hiệu bậc thang. Trước hết là gây đau thắt lưng, lúc đầu đau khi đi, đứng lâu, cúi ngửa cột sống. Thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng lên rất khó khăn. Bệnh nhân càng hoạt động nhiều thì càng đau nhiều, nghỉ ngơi thì giảm đau. Sự thay đổi tư thế và dáng đi của bệnh nhân thường do co cứng cơ ở thắt lưng và sự căng cơ ở mặt trong đùi (cơ chân ngỗng), đi hơi khom lưng về phía trước, có thể kèm theo vẹo cột sống sang bên.
– Hội chứng chèn ép rễ
Đau dọc theo rễ thần kinh chi phối, rối loạn cảm giác, teo cơ theo vùng phân bố của rễ thần kinh. Đau dọc theo rễ thần kinh thường được biểu hiện đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân do thần kinh toạ bị chèn ép, đau tăng lên khi ho, hắc hơi (khám thấy dấu hiệu Lasègue (+). Đôi khi bệnh nhân giảm hoặc mất cảm giác vùng rễ thần kinh chi phối. Một số trường hợp xuất hiện bại, teo cơ, hạn chế vận động cẳng, bàn chân.
3.2. Các cận lâm sàng có giá trị chẩn đoán
– X-quang:
+ Thường được chụp ở các tư thế: thẳng, nghiêng, cúi tối đa và ưỡn tối đa. Trong một số trường hợp, cần thiết chụp thêm film chếch ¾ (phải, trái).
+ X-quang quy ước giúp chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ trượt. Đối với các trường hợp trượt đốt sống do gãy eo, trên các phim X quang chếch ¾ (phải, trái) có thể xác định được hình ảnh gãy eo thông qua dấu hiệu “con chó đeo vòng cổ sáng” (scottie dog).
– Cắt lớp vi tính (CT Scan):
+ Cắt lớp vi tính là công cụ chẩn đoán rất có giá trị đánh giá về cấu trúc xương, xác định vị trí, mức độ trượt và các tổn thương của eo, mấu khớp, hẹp ống sống,…
– Cộng hưởng từ (MRI):
+ Cộng hưởng từ là công cụ lý tưởng để đánh giá tổn thương về mô mềm và sự chèn ép thần kinh trong trượt đốt sống vùng thắt lưng – cùng. Trên phim cộng hưởng từ, có thể phát hiện các nguyên nhân gây chèn ép thần kinh: đĩa đệm thoát vị, dây chằng dày, các tổ chức xơ sẹo, hẹp lỗ ghép,…
Hình 2: Mô phỏng hình ảnh trượt đốt sống trên MRI
4. Biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị?
– Đau mạn tính, giảm vận động, giảm chất lượng cuộc sống.
– Teo cơ, giảm sức cơ, liệt hoàn toàn, liệt sau té ngã.
– Hẹp ống sống.
– Hội chứng chùm đuôi ngựa: rối loạn đại tiểu tiện, suy giảm sinh dục.
– Tổn thương rễ thần kinh, chảy máu, nhiễm trùng sau phẫu thuật.
5. Khi nào bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa?
– Khi xuất hiện đau lưng hơn 1 tuần, gây khó chịu trong hoạt động thường ngày.
– Đau lưng xảy ra ngay sau khi ngã hoặc sau chấn thương.
– Đau kèm theo tê chân, vận động, đi lại, gập cúi người khó khăn.
6. Phòng ngừa bệnh trượt đốt sống bằng cách nào?
– Không lao động, mang vác vật nặng.
– Tập luyện nhẹ nhàng, không vặn xoắn cột sống.
– Không nhảy từ trên cao xuống.
– Đề phòng các nguy cơ té ngã gây sang chấn trực tiếp lên cột sống.
7. Những vấn đề liên quan tới phẫu thuật trượt đốt sống
7.1. Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp nào?
– Trượt đốt sống đã được điều trị bảo tồn ít nhất 6 tuần và thường sau 6-12 tháng điều trị bảo tồn mà không giảm, ảnh hưởng sinh hoạt và lao động.
– Bệnh nhân đau nhiều, không đáp ứng với các biện pháp nghỉ ngơi và dùng thuốc.
– Trượt đốt sống gây các biến chứng: liệt vận động một hoặc hai chân, teo cơ, rối loạn cơ vòng bàng quang (bí tiểu).
– Trượt đốt sống nặng, tiến triển do khuyết eo đốt sống ở trẻ nhỏ.
7.2. Phương pháp phẫu thuật được thực hiện như thế nào? Thời gian điều trị mất bao lâu?
– Phẫu thuật nắn chỉnh trượt, cố định cột sống bằng nẹp vít cuống đốt, ghép xương liên thân đốt lối sau được cho là hiệu quả nhất, áp dụng phổ biến nhất để điều trị trượt đốt sống thắt lưng.
– Đối với trượt đốt sống vùng thắt lưng – cùng, phẫu thuật nhằm 2 mục đích: giải phóng chèn ép thần kinh và làm vững cột sống.
– Cách thức phẫu thuật: bệnh nhân được gây mê, nằm sấp, đường mổ sau lưng, phẫu thuật viên sẽ thay đĩa đệm nhân tạo, cố định cột sống bằng nẹp vít.
– Phương pháp vô cảm: trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân được mê toàn thân.
– Thời gian diễn ra cuộc phẫu thuật mất 1-2 giờ, sau phẫu thuật bệnh nhân cần nằm viện trong khoảng 5-7 ngày, nếu bệnh ổn định bác sỹ sẽ cho ra viện.
7.3. Có 3 vấn đề hết sức cơ bản trong phẫu thuật điều trị trượt đốt sống, giúp cuộc mổ thành công, đó là?
– Phải giải ép thần kinh cho thật tốt.
– Cố định cột sống bằng dụng cụ thật vững chắc.
– Tạo sự liền xương tốt sau phẫu thuật.
7.4. Kết quả điều trị phụ thuộc vào những yếu tố nào?
– Bệnh nhân điều trị sớm, khi chưa có biến chứng teo cơ, liệt chi, bí tiểu.
– Mức độ nặng của bệnh: mức độ trượt càng cao, mổ càng khó và dễ biến chứng hơn.
– Các bệnh đi kèm theo: trượt đốt sống có kèm loãng xương thì mổ dễ thất bại, do bắt ốc không chắc, không vững, hàn xương thấp.
– Trình độ và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật viên.
8. Tư vấn chăm sóc bệnh nhân phẫu thuật
8.1. Những điều cần biết trước khi phẫu thuật
8.1.1. Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế
– Cung cấp thẻ BHYT/BHCC (nếu có) để đảm bảo quyền lợi trong quá trình điều trị.
– Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống.
– Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi).
– Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng: thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn,…
– Nếu bệnh nhân là nữ cần cung cấp thông tin về vấn đề kinh nguyệt, nghi ngờ mang thai.
8.1.2. Những điều bệnh nhân cần thực hiện trước mổ để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ
– Có người nhà chăm sóc trong quá trình nằm viện.
– Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các lọai thuốc, thực phẩm chức năng ngoài y lệnh cần phải xin ý kiến của bác sỹ.
– Phải làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ như: công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim.
– Phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước mổ (kể cả uống nước, sữa, cà phê, kẹo cao su) ít nhất 6h, để tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình mổ. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế.
– Cởi bỏ tư trang cá nhân, răng giả, kính áp tròng, lông mi giả (nếu có) giao cho người nhà giữ hoặc nếu không có người nhà có thể ký gửi tại phòng hành chính khoa.
– Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với nữ, cạo râu sạch sẽ đối với nam.
– Tắm trước mổ.
– Đi tiểu trước khi chuyển mổ.
– Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí vết mổ.
8.1.3. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ làm cho bệnh nhân trước mổ
– Ký cam kết trước mổ:
+ Bệnh nhân > 18 tuổi được phép ký cam kết, trường hợp bệnh nhân mệt không thể ký được thì ba/mẹ/vợ/ chồng có thể ký cam kết.
+ Bệnh nhân là trẻ em < 18 tuổi cần phải có ba/mẹ ký cam kết trước mổ.
– Truyền dịch nuôi dưỡng giúp bệnh nhân đỡ đói và khát trong thời gian nhịn ăn chờ mổ.
– Tiêm kháng sinh trước mổ.
– Được nhân viên y tế vận chuyển xuống phòng mổ bằng xe lăn.
8.2. Chăm sóc sau phẫu thuật
8.2.1. Những biểu hiện bình thường diễn ra sau mổ
– Đau vết mổ: đã có thuốc giảm đau hỗ trợ, tình trạng đau sẽ giảm dần vài ngày sau.
– Rối loạn tiểu tiện (có thể có hoặc không): do thuốc gây mê, gây tê, nhân viên sẽ có biện pháp hỗ trợ cụ thể để bệnh nhân đi tiểu được.
– Tê đau chân (có thể có hoặc không): do trong quá trình mổ, phẫu thuật viên phải vén dây thần kinh qua bên để lấy nhân đệm, nên sẽ ảnh hưởng làm tê chân, triệu chứng này sẽ hết sau vài ngày anh chị không nên lo lắng.
– Đau rát họng: do quá trình gây mê đặt nội khí quản, bị xây xướt niêm mạc họng, bệnh nhân có thể súc họng bằng nước muối sinh lý để cải thiện tình trạng rát họng.
– Những ngày đầu sau mổ vết mổ sẽ có ít dịch và máu thấm băng sau đó giảm dần và khô.
8.2.2. Các biến chứng cần theo dõi và báo nhân viên y tế
– Đau nhiều vết mổ quá sức chịu đựng.
– Vết thương có máu tươi ướt đẫm toàn bộ băng. Dịch dẫn lưu không ra hoặc ra nhiều dịch màu đỏ tươi, hoặc dịch màu hồng loãng óng ánh.
– Tức tiểu nhiều nhưng không tự tiểu được.
– Tê đau nhiều hoặc yếu liệt hai chân.
– Biểu hiện sưng, đau tại vị trí vết mổ, kèm theo sốt.
– Táo bón, khó đi cầu.
8.2.3. Chế độ ăn
– Sau mổ 6h, hết cảm giác buồn nôn và tê hai chân, bệnh nhân có thể ăn cháo, uống sữa.
– Ngày thứ 2 sau mổ có thể ăn uống bình thường, tăng cường dinh dưỡng, thức ăn giàu canxi.
– Chế độ ăn tránh các chất kích thích như: tiêu, ớt, thức ăn cay rượu, bia, không hút thuốc lá vì làm chậm lành vết mổ và hạn chế công dụng của thuốc điều trị.
8.2.4. Chế độ vận động
– Hai ngày đầu sau mổ: cần nằm nghỉ, vận động xoay trở nhẹ nhàng tại giường.
– Ngày thứ ba sau mổ bệnh nhân cần mang đai cột sống đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh hoặc có thể thực hiện sớm hơn khi hết chóng mặt, hai chân hết tê hoàn toàn. Tuy nhiên không nên đi lại quá nhiều và hoạt động mạnh sẽ làm cho tình trạng đau và tê hai chân nhiều hơn.
– Không được gối cao hoặc nâng cao đầu giường để giữ cho cột sống được thẳng.
8.2.5. Chế độ sinh hoạt
– Mặc quần áo bệnh viện và thay hằng ngày để đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm trùng vết mổ.
– Cần vệ sinh thân thể bằng khăn ấm, không nên tắm vì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương nếu nước dính vào vết thương.
– Khi đi lại hoặc nằm, bọc dẫn lưu luôn để thấp hơn vị trí vết mổ khoảng 30 cm, nhân viên theo dõi lượng dịch và xả bọc dẫn lưu 1 lần/ ngày.
– Đi cầu tránh rặn nhiều.
8.2.6. Chăm sóc vết thương
– Vết thương ngày đầu sẽ được thay băng 1 lần/ ngày hoặc nhiều hơn nếu dịch thấm băng lượng nhiều. Những ngày sau thay băng 2 ngày/ lần.
– Rút ống dẫn lưu theo y lệnh bác sỹ.
– Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7-10 ngày kể từ ngày mổ.
8.3. Những điều cần biết sau khi ra viện
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện. Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở,… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.
8.3.1. Cách chăm sóc vết mổ
– Nên thay băng 1 lần/ ngày tại bệnh viện hoặc có thể đăng ký dịch vụ thay băng tại nhà của bệnh viện để được điều dưỡng và bác sỹ theo dõi tình trạng vết thương. Hoặc thay băng tại cơ sở y tế địa phương nếu bệnh nhân ở xa.
– Phải giữ vết mổ sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay.
– Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7-10 ngày kể từ ngày phẫu thuật.
– Khi tắm rửa cần kê cao chân để không dính nước vào vết thương.
8.3.2. Chế độ dinh dưỡng
– Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường thức ăn giàu canxi như: tôm, sữa, trứng,…ăn nhiều rau xanh, trái cây tránh táo bón.
– Hạn chế bia rượu và các chất kích thích chua cay, nóng, không hút thuốc lá trong thời gian sử dụng thuốc.
8.3.3 Chế độ tập luyện
Trong vòng 3 – 6 tháng sau mổ bệnh nhân cần thực hiện nhưng vẫn đề sau:
– Nghỉ ngơi hợp lý.
– Thể dục đi lại nhẹ nhàng, sinh hoạt đúng tư thế, không nhảy cao, đi xe trên đường nhiều ổ gà.
– Không vận động gắng sức, cúi ngửa, gập người, không được làm việc nặng, mang vác nặng.
– Mang đai cố định cột sống ít nhất là 3-6 tháng khi đi lại. Trong quá trình mang đai, phải vệ sinh vùng mang đai sạch, thoáng.
– Luôn giữ cột sống được thẳng, không nằm võng, không nằm nệm quá mềm có độ lún nhiều, không ngồi xổm.
– Vấn đề tập VLTL sẽ được bác sĩ cân nhắc cho chỉ định cần hay không.
– Tập thể dục nhẹ nhàng các môn như: đi bộ, đạp xe, bơi lội.
8.3.4. Theo dõi và tái khám
– Tái khám kiểm tra và cắt chỉ sau 5 ngày khi hết toa thuốc.
– Tái khám ngay khi có nguy cơ gẫy vít: dấu hiệu là đau nhiều vùng cột sống thắt lưng sau khi bị tác động mạnh, hoặc lao động nặng. Hoặc khi vết mổ có bất thường như sưng, nóng đỏ, chảy dịch, sốt, đau tê chân nhiều,…cần tái khám sớm để xử lý kịp thời.
Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.
- Tổng Đài: 19002250
- Fanpage: Family Hospital
- Zalo: Family Hospital
THÔNG TIN LIÊN QUAN
1. Đau thần kinh tọa
2. Viêm tủy cấp