Những điều cần biết về phương pháp điều trị bảo tồn gãy xương đòn

1. Định nghĩa
– Xương đòn hay xương quai xanh là một xương cấu thành vai và ngực, có vai trò trong sức mạnh của vai – cánh tay và thẩm mỹ.
– Gãy xương đòn thường xảy ra do chấn thương té ngã. Hay gặp nhất là gãy đoạn 1/3 giữa với trên 75% các trường hợp.

Giải phẫu xương đòn

2. Triệu chứng thường gặp
– Sau chấn thương sẽ đau vai, đau tăng khi cử động cánh tay làm hạn chế vận động vai và cánh tay, sưng nề bầm tím tại vị trí gãy xương.
– Đầu xương gãy có thể chọc thủng da.
– Khoảng cách khớp ức – đòn – mỏm cùng vai ngắn hơn vai lành bên đối diện.
– Phim X Quang cho hình ảnh xương đòn bị gãy và đặc điểm gãy xương.

Gãy 1/3 giữa xương đòn trái

3. Biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị
– Gãy hở do đầu xương gãy chọc ra da.
– Tổn thương bó mạch dưới đòn. Tổn thương thần kinh đám rối cánh tay.
– Tổn thương đỉnh phổi: Tràn khí, tràn máu màng phổi.
– Nếu không phẫu thuật có thể gây tình trạng: Nhiễm trùng, cal lệch, chậm liền xương.

4. Điều trị bảo tồn trong gãy xương đòn
Chỉ định: Điều trị bảo tồn được chỉ định trong hầu hết trường hợp gãy ít di lệch, ổ gãy không có mảnh thứ 3.
Các phương tiện cố định xương gãy trong điều trị bảo tồn:
– Đeo đai số 8 trong 4 – 8 tuần.
– Người già, giai đoạn sớm sử dụng áo Desault.

Mang đai số 8 hoặc mang áo Desault điều trị bảo tồn gãy xương đòn

* Tác dụng của việc đeo đai số 8 với người gãy xương đòn
– Bệnh nhân gãy xương đòn đeo đai số 8 giúp cố định được phần xương bị gãy đang trong quá trình hồi phục.
– Việc đeo đai số 8 cũng có thể giúp xương đòn được bảo vệ trước những ngoại lực từ bên ngoài, giúp xương đòn không bị lệch.
– Đai số 8 cũng giúp xương đòn được nắn chỉnh về vị trí bạn đầu.

* Biến chứng có thể xảy ra khi đeo đai số 8 sai chỉ định/ sai mục đích
Nếu bệnh nhân sử dụng loại đai này sai cách hoặc sai mục đích thì có thể gây ra những biến chứng không mong muốn như:
+ Ở phần xương đòn bị gãy các xương có thể bị chồng lên nhau, dẫn tới sau này khi xương đã hồi phục thì vẫn có thể xuất hiện những vết rạn làm xương trở nên yếu hơn so với các vị trí khác.
+ Sau một khoảng thời gian đeo đai số 8 thì phần xương đòn bị gãy có thể bị lệch khỏi vị trí thứ phát. Việc làm này có thể khiến xương đòn bị cong sau khi đã hồi phục hoàn toàn, làm sức chịu đựng của xương đòn không thể bằng được như thời gian đầu.
+ Nếu đeo đai sai phương pháp thì thậm chí chúng có thể gây nhiều áp lực hơn lên vị trí bị gãy xương đòn, khiến bệnh nhân thường có biểu hiện bị đau nhức.

* Những điều cần lưu ý khi mang đai xương số 8 để phòng tránh các biến chứng
– Chú trọng hơn tới chế độ dinh dưỡng: Để đẩy nhanh quá trình tái tạo xương khớp thì người bệnh nên ăn những nhóm thực phẩm có chứa nhiều canxi (tôm, cua, cá, trứng, sữa), kẽm, phốt pho, vitamin D, protein… Không nên ăn những loại thực phẩm có chứa quá nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ uống có chứa cồn vì chúng có thể cản trở quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
– Bệnh nhân bị gãy xương đòn khi ngủ cần phải nằm ngửa, tuyệt đối không được nằm nghiêng người sang phần vai bị gãy. Khi ngủ có thể sử dụng một chiếc gối mỏng để dưới phần khuỷu tay để hạn chế tình trạng bị tê mỏi, giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn.
– Trong thời gian mang đai số 8 điều trị bảo tồn gãy xương đòn thì bệnh nhân cũng cần hạn chế việc xách, mang vác những đồ vật nặng hoặc làm việc quá sức Không đi xe máy, xe đạp vì việc làm này có thể khiến tình trạng bệnh ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Cũng không nên thực hiện động tác đòi hỏi phải nâng cao tay vì việc làm này có thể khiến phần xương đòn phải chịu thêm nhiều những áp lực.
– Cần mang đeo tay vải để hạn chế cử động của tay phía có gãy xương đòn.
– Khi thấy có biểu hiện như đau nhức, phù nề tại vị trí xương bị gãy kèm với sốt cao thì bệnh nhân nên tiến hành khám càng sớm càng tốt. Có thể đây là dấu hiệu biến chứng của gãy xương vai khi phần xương gãy này chọc vào các mạch máu, gây tổn thương bên trong cơ thể.
– Thực hiện đúng theo lịch hẹn khám của bác sỹ, việc làm này là vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân bị gãy xương đòn. Các bác sỹ sẽ dựa vào hình ảnh chụp chiếu để đánh giá được mức độ hồi phục cũng như quyết đinh có nên cho bệnh nhân tháo đai số 8 hay không.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...