1. Bệnh lý bướu giáp là gì?
Bệnh lý tuyến giáp là bệnh thường gặp trong đó bướu giáp nhân chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù ung thư giáp không phải là loại ung thư thường gặp ( 5-10% các nhân giáp), tuy nhiên các bác sĩ cần phải chẩn đoán nhân nào là ung thư, nhân nào không phải là ung thư bởi cách điều trị khác nhau.
Cấu tạo tuyến giáp
2. Triệu chứng thường gặp của bệnh lý bướu giáp là gì?
– Sưng vùng trước cổ.
– Người bệnh có cảm giác căng cứng vùng trước cổ.
– Khó thở, khó nuốt.
– Đau cổ họng, cảm giác chèn ép ở cổ họng.
– FT3, FT4, TSH: Bình thường trong bướu giáp nhân.
– FT3, FT4 tăng, TSH giảm gặp trong hội chướng cường giáp (Basedow, viêm giáp Hashimoto, bướu nhân độc, bướu đa nhân độc của tuyến giáp…).
– Siêu âm tuyến giáp: Xác định sự hiện diện của nhân giáp, kích thước nhân, số lượng nhân giáp, tính chất nhân giáp, hạch cổ, tưới máu của tuyến giáp.
Hình ảnh tuyến giáp có bướu giáp nhân
3. Bướu giáp nhân nếu không được phát hiện và điều trị có thể tiến triển như thế nào?
– Bướu giáp nhân và đa nhân: Gây chèn ép.
– Bướu Basedow: Gây lồi mắt, bệnh tim mạch, chèn ép, bão giáp.
– K giáp: Xâm lấn gây khó thở, khó nuốt, khan tiếng, xâm lấn mạch máu vùng cổ, hạch, di căn xa.
4. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bướu cổ?
– Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng bướu cổ là cơ thể bị thiếu hụt một lượng i-ốt nhất định. Tuy nhiên, không phải bổ sung i-ốt là có thể chữa khỏi bệnh bởi tác nhân của bướu cổ liên quan chủ yếu đến hệ thần kinh, còn tuyến giáp thông thường sẽ hấp thụ i-ốt thông qua việc ăn uống. Khi tuyến giáp không nhận được đầy đủ lượng i-ốt từ những yếu tố bên ngoài thì sẽ tự sản sinh hormone để bù đắp. Lúc này tuyến giáp sẽ phồng to và tạo nên tình trạng bướu cổ thường gặp.
– Có thể bị bướu cổ bởi sử dụng một số loại thuốc hoặc thức ăn như:
+ Thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc cản quang (sử dụng trong chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh), thuốc thấp khớp, muối lithi trong chuyên khoa tâm thần…
+ Các loại thức ăn như khoai mì, măng, rau họ cải,… khiến chức năng tổng hợp hormon tuyến giáp bị ức chế.
+ Rối loạn hoạt động tuyến giáp do yếu tố bẩm sinh, chủ yếu chịu sự ảnh hưởng từ gia đình.
+ Ngoài ra còn một số nguyên nhân hiếm gặp khác như: hút thuốc lá làm cản trở hấp thu i-ốt, viêm giáp, thay đổi nội tiết tố nữ,…
5. Các phương pháp điều trị bướu giáp là gì?
Khi có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ bướu giáp, sẽ có hai phương pháp phẫu thuật như sau:
– Mổ nội soi: Bác sĩ sẽ rạch một đường dưới da dài khoảng 2-3 cm tại hõm nách hoặc ngực, sau đó đưa các dụng cụ nội soi vào thông qua đó bóc toàn bộ tuyến giáp. Phương pháp này giúp vết mổ thẩm mỹ hơn, ít gây tổn thương, ít gây đau đớn, giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, thời gian hồi phục nhanh.
– Mổ mở: Bác sĩ sẽ rạch một đường dài khoảng 10 cm ở nếp lằn cổ bóc toàn bộ tuyến giáp. Chi phí thấp nhưng sẽ để lại một vết sẹo ở cổ gây mất thẩm mỹ, thời gian hồi phục lâu hơn.
6. Thời gian phẫu thuật mất bao nhiêu thời gian?
– Thời gian phẫu thuật mất khoảng 30-60 phút. Sau mổ cần nằm hồi sức sau mổ khoảng 3 tiếng.
– Thời gian điều trị sau mổ kéo dài khoảng 3-5 ngày tùy tình trạng hồi phục sức khỏe của bệnh nhân sau mổ.
7. Những nguy cơ có thể xảy ra trong và sau mổ?
– Tai biến thuốc gây tê, gây mê trên hô hấp, tim mạch. Tùy từng mức độ phản ứng với thuốc gây tê, tiền mê mà xử lý.
– Tai biến do phẫu thuật:
+ Chảy máu là biến chứng đầu tiên có thể xảy ra sau mổ tuyến giáp. Chảy máu nhiều và đột ngột ở cổ sau phẫu thuật tuyến giáp là một tình trạng bất thường, tuy hiếm xảy ra nhưng lại có thể đe dọa tính mạng. Biến chứng thường xảy ra trong 24 giờ đầu tiên sau phẫu thuật. Tình trạng chảy máu nhiều có thể gây chèn ép vào khí quản, dẫn đến khó thở. Nếu máu chảy chậm vào cổ thì có thể dẫn đến việc hình thành các cục máu đông ở phía dưới vết mổ.
+ Khó thở xảy ra do có một cục máu đông lớn chặn khí quản, tình trạng này cần phải được can thiệp y khoa ngay. Ngoài ra khó thở còn do cả hai dây thần kinh thanh quản quặt ngược đều đã bị tổn thương, trong trường hợp này cần phải thực hiện phẫu thuật mở khí quản khẩn cấp. Khó thở là biến chứng sau mổ tuyến giáp rất hiếm khi xảy ra.
+ Cơn bão giáp trạng: Trước đây, biến chứng này rất phổ biến, thường liên quan đến bệnh Basedow. Hiện nay, nhờ có thuốc để kiểm soát nhiễm độc giáp nên nguy cơ gặp phải biến chứng này hiếm khi xảy ra. Các triệu chứng của người bệnh khi rơi vào tình trạng này là tim đập nhanh, bồn chồn, sốt cao, ra nhiều mồ hôi, tiêu chảy và mê sảng.
+ Nhiễm trùng sau mổ: Tỷ lệ mắc phải biến chứng sau mổ tuyến giáp này là khoảng 1/2000, do đó, bác sĩ ít khi cho sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình huống này, bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh hoặc sử dụng các biện pháp khác để điều trị.
+ Thay đổi giọng nói: Giọng nói thay đổi là một biến chứng sau mổ tuyến giáp hay gặp, xảy ra ở khoảng 5 – 10% số ca phẫu thuật và thường sẽ biến mất sau một khoảng thời gian. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do chấn thương các dây thần kinh quặt ngược thanh quản hoặc các dây thần kinh bị viêm nhiễm sau khi phẫu thuật. Tỷ lệ bệnh nhân bị thay đổi giọng nói vĩnh viễn là khoảng 1%. Thay đổi giọng nói là một trong những biến chứng đáng sợ nhất của phẫu thuật tuyến giáp.
+ Nhiễm độc giáp: Thường ít xảy ra ở 2 – 4% bệnh nhân sau khi cắt bỏ tuyến giáp. Tình trạng này thường được điều trị bằng iốt phóng xạ và không cần phải phẫu thuật thêm
+ Hạ canxi máu do tổn thương tuyến cận giáp: Bảo vệ tuyến cận giáp là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong phẫu thuật tuyến giáp. Tuyến cận giáp bị tổn thương dẫn đến tình trạng canxi trong máu thấp, ngoài ra việc này còn gây ra các triệu chứng như ngứa ran ở bàn chân, bàn tay và xung quanh miệng, nếu nặng có thể dẫn đến co quắp ngón tay và bàn tay.
Vì những nguy cơ đáng ngại trên, bệnh nhân cần lựa chọn địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy và bác sĩ có chuyên môn để phẫu thuật.